Aa

Nhìn gì từ hiện tượng mua, bán ròng liên tục của khối ngoại?

Thứ Sáu, 09/04/2021 - 06:00

Động thái không ngừng bán ròng với tổng giá trị lớn kéo dài trong thời gian dài của nhà đầu tư ngoại đã tạo ra tâm lý lo ngại về dấu hiện bất ổn trên thị trường chứng khoán.

Theo thống kê chỉ trong gần 1 tháng, kể từ phiên 19/2 đến ngày 15/3, nhà đầu tư ngoại đã dồn dập, không ngừng bán ròng với tổng giá trị hơn 9.900 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, các cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh rơi vào Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Vinamilk (VNM), Vietinbank (CTG), Masan (MSN), PetroVietnam Power (POW), Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán Vndirect (VND), Vietcombank (VCB), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH)...

Sau khoảng thời gian dài bán ròng, đến phiên ngày 1/4, khối ngoại lại ghi nhận xu hướng mua ròng trở lại với giá trị ròng 25,4 tỷ đồng. Thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận sự mua ròng trở lại liên túc của khối ngoại trên HOSE.

Nhưng đến ngày 6/4, xu hướng bán ròng lại xảy ra.

khối ngoại bán ròng
Trong phiên giao dịch ngày 8/4, trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng nhẹ 335 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 12,85 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng không đáng lo

Trước hiện tượng này, các nhà tài chính cho rằng, động thái này không đáng lo ngại trong quá trình tác động đến thị trường chứng khoán.

Theo TS. Võ Đình Trí, thông điệp từ hoạt động bán ra của khối ngoại cần dựa trên mục tiêu bán ra. Theo đó, hoạt động bán ròng trên thị trường chứng khoán là để các quỹ ngoại tái cân bằng danh mục đầu tư, hay rút hẳn chuyển sang thị trường khác. Ông Trí cũng nhấn mạnh, quan trọng hơn nữa là cần soi kỹ số lượng rút so với tổng giá trị danh mục.

Trả lời tại một tọa đàm trực tuyến diễn ra mới đây, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thẳng thắn nhận định, khi khối ngoại cần cơ cấu, đảo danh mục thì hiện tượng bán ròng là điều “dễ hiểu”.

Phân tích sâu hơn, vị lãnh đạo VSD cho rằng, những nhà đầu tư ngoại bỏ tiền vào chứng khoán từ nửa năm đến 1 năm trước khi chỉ số mới ở mức 600 - 700 điểm. Và hiện tại, thị trường chứng khoáng Việt Nam đã vượt mức 1.200 điểm thì nhà đầu tư ngoại cần tái cơ cấu danh mục, đảo danh mục.

khối ngoại bán ròng
Ở một góc nhìn khác, tình trạng bán ròng của khối ngoại được cho là hiện tượng bình thường. 

Ngoài ra, TS. Võ Đình Trí cũng chỉ ra một dấu hiệu cho thấy động thái bán ròng của khối ngoại là không đáng lo ngại: “Với con số bán ròng gần 10 ngàn tỷ đồng trong gần 1 tháng gần đây, tương đương khoảng 400 triệu USD, và giả sử rằng toàn bộ đây là tiền nóng thì cũng chỉ ở mức 1 - 1,2% tổng giá trị danh mục. Mỗi ngày tính ra khoảng 15 triệu USD luân chuyển thì cũng không là đáng kể gì so với thị trường”.

Ông Nguyễn Sơn cũng dẫn chứng số liệu, đó là trước đây, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 21 - 22% vốn các mã niêm yết và đã rút ra còn 18%, tức chỉ rút khoảng 3%, không phải là quá nhiều. Đặc biệt, nhà đầu tư bán ra cổ phiếu, nhưng không rút hoàn toàn tiền mặt mà đang chờ cơ hội mới.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói thêm, lượng tiền mặt của nhà đầu tư ngoại trên tài khoản hiện khoảng 2,7 tỷ USD; trong khi con số cuối năm 2020 là 1,2 tỷ USD. Nghĩa là nhà đầu tư ngoại bán ra nhiều nhưng tiền vẫn ở trên tài khoản để chờ cơ hội mới, thay vì rút ra.

Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng, việc bán ròng là điều tự nhiên. Thực tế, dù mức bán ròng trong cả năm 2020 của khối ngoại tại Việt Nam là 876 triệu USD thì tại các nước khác, con số này không hề nhỏ. Điển hình như khối ngoại cũng rút tiền khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc 9 tỷ USD, Thái Lan 791 triệu USD, Philippines 749 triệu USD, Malaysia 338 triệu USD...

Diễn biến đảo chiều của khối ngoại

Theo TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, việc bán sau đó quay trở lại mua ròng là điều khá hợp lý và không có gì ngạc nhiên.

Lý giải cho nhận định này, ông Khánh cho rằng, khối ngoại bán ròng mạnh vì cần tái cơ cấu bên cạnh nhiều nguyên nhân khác như lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Nhiều quỹ có ý định mua cổ phiếu trở lại trên thị trường chứng khoán vì chờ đợi tiềm năng tăng giá, thị trường có diễn biến tích cực. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi vì vậy việc mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài chỉ là vấn đề thời gian.

Theo Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, vấn đề nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một tiêu chí để tham khảo. Bởi thực tế, nhiều quỹ thoát hàng giá thấp và thậm chí lỗ như HSBC thoái khỏi Techcombank, DC rút khỏi Hải Phát Land hay các quỹ ngoại đầu tư vào ROS từ lúc hàng trăm nghìn, nay chỉ còn vài nghìn.

“Ngoài ra, thanh khoản chúng ta đang rất tốt, khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên. Thị trường có những phiên giảm, nhưng thanh khoản vẫn rất tốt. Các cổ phiếu mới khi gia nhập thị trường sẽ là cơ hội cho đợt tăng mới của thị trường chứng”, Chủ tịch VSD nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng khẳng định, thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư. Sự kỳ vọng này dựa trên cơ sở Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi để được nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top