Aa

Rừng trong phố - Có rừng không dễ, quản lý còn khó hơn

Thứ Bảy, 12/08/2023 - 06:00

Để gây dựng được rừng ở trung tâm Hà Nội là điều không hề dễ. Nhưng làm sao quản lý, tu bổ, vận hành, khai thác hiệu quả và phát triển để không rơi vào cảnh "cha chung không ai khóc" còn khó gấp trăm lần.

Ngày 13/6, trong buổi chủ trì họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đưa ra đề nghị nghiên cứu mô hình nhà xây nén, đô thị nén, nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng ở trung tâm Hà Nội.

Mới đây, ngày 31/7, làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà một lần nữa lưu ý xu thế nhà ở tương lai cần mang thông điệp môi trường, trong nhà có vườn, trong đô thị có rừng, trong rừng có thành phố, và dự thảo Luật Nhà ở cần có tầm nhìn về xu thế trên.

Rừng trong phố - Có rừng không dễ, quản lý còn khó hơn- Ảnh 1.
Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Việc Phó Thủ tướng liên tục nhấn mạnh đến “rừng trong phố” đối với Hà Nội không chỉ phản ánh xu hướng của thời đại, nhu cầu của cuộc sống mà còn nói lên tính cấp thiết của vấn đề.

Khắc phục “hiệu ứng đô thị”

Nói đến rừng trong phố trước tiên là đề cập đến vấn đề môi trường. Do mật độ dân cư, mật độ xây dựng lớn cùng sự gia tăng của các phương tiện giao thông và tốc độ đô thị hóa cao, nhiều thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội ngày càng lâm vào ô nhiễm trầm trọng, nhất là ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó còn là ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng… Đồng thời, việc xây dựng nhiều công trình nhân tạo, đặc biệt là công trình sử dụng bê tông sắt thép và việc gia tăng các phương tiện, thiết bị…, đã gây hiệu ứng đô thị như hiện tượng “đảo nhiệt”, tạo sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa đô thị lõi với khu vực ngoại ô, nông thôn. Do đó, rừng trong đô thị sẽ là lá phổi xanh, không những cung cấp dưỡng khí, giảm ô nhiễm môi trường mà còn hạn chế hiệu ứng đô thị và hiện tượng đảo nhiệt.

Nhưng, “hiệu ứng đô thị” không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực tự nhiên như sự nóng lên, đảo nhiệt, ô nhiễm không khí…, mà còn tác động cả về xã hội. Đó là sự bức bối trong các đô thị, người dân thiếu trầm trọng chỗ vui chơi giải trí, thư giãn, tập thể dục… Áp lực cuộc sống cộng với hiệu ứng do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng xã hội làm cho thời gian cũng như cơ hội giao tiếp giữa người với người trong cộng đồng, trong từng nhóm cư dân hay ngay cả trong từng gia đình… ngày càng suy giảm một cách nhanh chóng.  

Rừng trong phố - Có rừng không dễ, quản lý còn khó hơn- Ảnh 2.
Công viên được trồng nhiều cây không những là lá phổi xanh cho đô thị mà còn là không gian giao tiếp cần thiết cho cộng đồng dân cư.

Thậm chí, các ứng dụng chát trên điện thoại đã dần thay thế ngay cả các cuộc gọi điện thoại. Trong dân gian từng lưu truyền câu chuyện khôi hài, rằng có bốn người bạn thân gọi điện hẹn đến quán cafe để hàn huyên vì “lâu quá chưa gặp nhau để trò chuyện”. Nhưng khi đến quán rồi thì sau khi gọi đồ uống, mỗi người lại cắm mặt vào chiếc điện thoại của mình và “nói chuyện” với nhau bằng cách chát trên smartphone… (!!!).

Thậm chí, gần đây đã xuất hiện và ngày càng lan rộng “hội chứng sợ nghe điện thoại”, nhiều bạn trẻ chỉ muốn nhắn tin chứ không muốn nghe gọi điện. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả tai hại là các thế hệ sau sẽ ngày càng kém về khả năng nói; và điều đó dẫn đến hệ quả còn tai hại hơn là tiếng nói sẽ thoái hóa. Trong khi đó, ở công trình nghiên cứu “Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người”, Ph. Enghen đã chứng minh, trước tiên là lao động và đồng thời với lao động là tiếng nói đã sáng tạo ra xã hội loài người.

Do đó, rừng trong phố còn giải quyết một vấn đề không kém phần quan trọng, nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn, đó là môi trường xã hội, là tạo không gian công cộng, không gian giao tiếp… khi mà mật độ dân số trong các đô thị hiện đại ngày càng cao trong xu thế đô thị nén, tỷ lệ không gian công cộng và diện tích cây xanh trên đầu người có xu hướng bị co hẹp lại.

Như vậy, rừng trong đô thị hay nói chung là cây xanh, không gian công cộng trong đô thị…, là giải pháp nhằm cải thiện môi trường, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, mang cả tính khoa học và tính nhân văn, mang giá trị nhân sinh cao cả và sâu sắc. Nó giải quyết “hiệu ứng đô thị” cả về tự nhiên và xã hội.

Quan trọng là thế, nhưng để có rừng trong đô thị, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội, lại không hề dễ.

Trăm cái khó

Cái khó đầu tiên là quỹ đất.

Ở các đô thị lớn nói chung và Hà Nội nói riêng, quỹ đất khu vực trung tâm đã cạn kiệt, việc tìm quỹ đất cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách như trường học đã khó, nên việc tìm và dành quỹ đất cho rừng còn khó hơn gấp trăm lần, nếu không muốn nói là không tưởng.

Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý một số vấn đề. Khi nói đến rừng, người ta thường nghĩ đến những cánh rừng già bạt ngàn rộng hàng trăm, hàng ngàn héc ta. Nhưng ở Hà Nội, nhất là khu vực trung tâm, rừng không nhất thiết phải rộng lớn như vậy. Ngay trong Từ điển Tiếng Việt cũng định nghĩa “rừng là vùng đất rộng có nhiều cây cối mọc lâu năm”. Do đó, quy mô của rừng cũng mang tính chất rất… tương đối, chỉ cần một vùng đất đủ rộng đến mức độ nào đó trồng toàn cây là đã có thể được coi là rừng rồi.

Cũng phải chấp nhận, khái niệm rừng trong phố sẽ giao thoa khá nhiều với công viên. Điểm phân biệt ở đây có lẽ cũng chỉ là rừng sẽ ưu tiên cho cây xanh, chủ yếu là cây dạng cổ thụ, mang tính tự nhiên, mà không có công trình nhân tạo, hoặc nếu có cũng rất ít và chỉ là những công trình phục vụ nhu cầu rất thiết yếu chứ không thiên về tính thương mại.

Rừng trong phố - Có rừng không dễ, quản lý còn khó hơn- Ảnh 3.
Hồ Bẩy mẫu trong Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Nếu thống nhất như thế thì ngay ở trung tâm Thủ đô Hà Nội vẫn có thể tạo ra rừng. KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam đề xuất, có thể sử dụng quỹ đất bãi sông Hồng theo đề án Quy hoạch phân khu sông Hồng năm 2022 để tạo rừng. Đây là đề xuất có tính khả thi cao bởi những lẽ sau:

Thứ nhất là quỹ đất lớn. Theo quy hoạch được phê duyệt, tổng diện tích phân khu là 11.000 ha, trong đó riêng đất bãi sông Hồng là hơn 5.400 ha. Trong quy hoạch, một trong những chức năng của phân khu này được định hướng là phát triển không gian sinh thái, công viên chuyên đề, không gian cảnh quan, công trình công cộng văn hóa… Như vậy, việc xây dựng rừng trong phố ở đây là hoàn toàn phù hợp quy hoạch.

Thứ hai, đất trong khu vực này chủ yếu là đất bãi, đất nông nghiệp nên công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng sẽ rất thuận lợi và nhanh chóng, rất ít tốn kém về cả thời gian, tài chính và công sức.

Thứ ba, khu vực này vừa tách biệt với khu dân cư đông đúc trong nội thành bằng đường đê, vừa trông ra mặt nước sông Hồng, nên việc phát triển rừng và cây xanh vừa hợp thổ nhưỡng, vừa hợp cảnh quan vì tạo lập được không gian sinh thái riêng có tính đặc thù. Điều đó cũng rất phù hợp cho chức năng nghỉ ngơi, thư giãn của một khu “rừng trong phố” và đáp ứng nhu cầu ngày càng bức thiết của cư dân.

Như vậy, có thể tạm coi vấn đề nan giải đầu tiên là quỹ đất vốn đang khan hiếm ở khu vực trung tâm thành phố đã được giải quyết. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Làm sao đừng để “cha chung không ai khóc”

Có đất rồi nhưng kinh phí để tạo lập rừng cũng không đơn giản. Trong khi nguồn ngân sách còn rất hạn hẹp, đang phải dành cho rất nhiều nhu cầu và nhiệm vụ cấp bách khác, thì để có được nguồn ngân sách dành ra cho rừng trong thành phố là rất khó. Nhưng ngay cả khi tìm được nguồn kinh phí để tạo lập rừng rồi, thì khó khăn lớn nhất vẫn còn phía trước: Đó là việc bảo vệ, quản lý, duy trì, tu bổ và vận hành như thế nào để rừng không những được khai thác một cách hiệu quả, mà còn tiếp tục phát triển.

Cứ nhìn vào hệ thống công viên ở Thủ đô là thấy rõ. Khu vực nội đô Hà Nội thiếu công viên trầm trọng, nhưng ngay với diện tích công viên ít ỏi ấy cũng không được sử dụng hiệu quả. Dẫn chứng như công viên Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai), công viên khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) đã hoàn thiện các hạng mục nhưng bỏ hoang, trở thành nơi chăn gà của người dân.

Một loạt công viên khác đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai hoặc xây dựng dang dở như công viên Chu Văn An (huyện Thanh Trì), công viên Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), công viên Hello Kitty nằm trên khu đất vàng Hồ Tây, dự án công viên Kim Quy (huyện Đông Anh)…, không ít điểm trở thành nơi đổ rác thải, phế liệu.

Ngay cả những công viên lớn ở khu vực trung tâm như Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) cũng không được khai thác, sử dụng hiệu quả, hạ tầng đã ít lại còn xuống cấp, sập sệ… Đặc biệt, khi thực hiện chủ trương chuyển thành công viên mở, thành phố cũng chỉ dám dỡ bỏ hàng rào ở một phía thông ra phố đi bộ Trần Nhân Tông, còn lại vẫn rào kín. Lý do có lẽ chính quyền sở tại sợ nếu mở toang cả bốn phía này sẽ không đủ sức quản lý, bảo vệ, dẫn đến mất an ninh trật tự và mất vệ sinh…

Rừng trong phố - Có rừng không dễ, quản lý còn khó hơn- Ảnh 4.
Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Cũng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, công viên Tuổi trẻ rộng tới 26ha, được xây dựng từ năm 2002 với khá nhiều các hạng mục công trình phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí như vòng quay mặt trời, cầu trượt nước, hồ tạo sóng, sông lười, bể vầy… nhưng đến nay các hạng mục này đều đã xuống cấp, rỉ sét, hư hỏng đến mức chính quyền phải đặt biển báo nguy hiểm ở một số điểm. Hãy tạm đặt sang bên những sai phạm trong quản lý, khai thác dẫn đến việc lấn chiếm, xây dựng công trình không phép, sai mục đích…, thì việc những khu vực không bị lấn chiếm nhưng vẫn không có người đến chơi cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Công viên là địa điểm sinh hoạt, vui chơi công cộng, thường được chọn ở những vị trí trung tâm khu dân cư hoặc thuận tiện cho việc di chuyển, có ban quản lý, có bảo vệ mà vẫn còn bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, thì rừng trong thành phố thường được quy hoạch ở nơi vắng vẻ và không có hàng rào bảo vệ, ngăn cách…, thì sao để quản lý và bảo vệ được chặt chẽ, hiệu quả sẽ không dễ.

Công viên cũng là nơi đông người, nhưng thường xuyên hoạt động mà chuyện bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường đã rất phức tạp, thì rừng trong thành phố còn phức tạp gấp nhiều lần. Nếu không quản lý, bảo vệ tốt, “rừng” sẽ rất dễ trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội và mất vệ sinh môi trường. Nếu để điều đó xảy ra người dân sẽ xa lánh, từ đó sẽ càng trở nên mất an ninh trật tự và dẫn đến bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Còn nếu để quản lý, bảo vệ và vận hành hiệu quả lại cần một nguồn kinh phí rất lớn, nhất là khi trình độ dân trí và ý thức của người dân chưa phải đã cao. Nhưng nếu thiết lập hàng rào thì rừng không còn mang tính chất tự nhiên, sẽ hạn chế người dân tiếp cận và không đạt được mục đích khi lập rừng.

Ai cũng đều thấy, ở những góc khuất nơi công cộng, chỉ cần ngơi mắt là lập tức trở thành nơi đổ rác, đổ phế thải xây dựng, nơi phóng uế… Và điều này đã “giết chết” không ít không gian công cộng, trong đó có vườn hoa, công viên. Ý thức của người dân chưa cao là thách thức vô cùng lớn trong việc quản lý và sử dụng rừng trong phố.

Vấn đề tiền đâu

Ai cũng biết, tìm được quỹ đất và sau đó là kinh phí để làm được một cánh rừng trong phố đã khó biết chừng nào, nhưng không phải có rừng là đã xong. Rừng là một thực thể sống, nên nó cần được nuôi dưỡng, bảo trì, tu bổ và phát triển thì mới có thể phục vụ con người được một cách tốt nhất. Nhưng để làm được những điều đó thì lại cần một nguồn kinh phí đáng kể, không phải một lần mà là hằng năm và mãi mãi để duy trì sự tồn tại của rừng. Vậy nguồn kinh phí ấy lấy ở đâu là cả một bài toán hóc búa.

Nếu trông chờ vào ngân sách nhà nước thì vừa khó, vừa ít và điều này khó mà bảo đảm vừa quản lý, bảo vệ, vận hành vừa chăm sóc, tu bổ và phát triển được. Mà không được quản lý, tu bổ, tôn tạo thì rừng sẽ xuống cấp và không thu hút được người dân đến dạo chơi; mà vắng người thì rừng lại càng nhanh xuống cấp và cái vòng luẩn quẩn sẽ lặp đi lặp lại với vòng quay ngày càng nhanh hơn. Điều này đã được chứng minh bằng thực tế ở các công viên.

Công viên Trung tâm – Central Park nằm chính giữa khu Manhattan đông đúc của thành phố New York (Mỹ) thường được lấy làm dẫn chứng cho một trong những kiểu mẫu về cả độ lớn và hiệu quả của công viên. Theo tác giả Nguyễn Tùng (một du học sinh Việt Nam tại New York đã có bài viết rất hay “Từ Central Park nghĩ về công viên Thống Nhất”), thì chi phí để tôn tạo và bảo vệ Central Park hằng năm là gần 30 triệu USD. Nhưng số tiền này phần lớn từ đóng góp của các cá nhân, các công ty, các quỹ bảo vệ, như là một phần trách nhiệm phục vụ cộng đồng của họ; còn chính quyền thành phố chỉ đóng góp một phần.

Ở ta cũng có thể học tập cách làm này, nhưng khó có thể đạt được như mong muốn hay đáp ứng được yêu cầu. Bởi tiềm lực các nguồn đóng góp như trên ở ta chưa đủ mạnh và bền vững để có thể cáng đáng cho việc duy trì, tôn tạo và phát triển những công trình công cộng lớn như rừng. Và một khi nguồn đóng góp giảm sút hay đứt mạch, rừng sẽ xuống cấp và suy thoái rất nhanh, trở thành gánh nặng cả về tài chính và xã hội cho chính quyền và cộng đồng.

Trong khi đó, nếu xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thì họ sẽ phải được kinh doanh đối với rừng, mà như thế thì sẽ bị thương mại hóa và không còn giữ được mục đích là công trình công cộng phục vụ xã hội nữa.

Rừng trong phố - Có rừng không dễ, quản lý còn khó hơn- Ảnh 5.
Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Như vậy, việc có rừng ở trong thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết và mang lại lợi ích nhiều mặt, cả về môi trường, sức khỏe và xã hội. Tuy nhiên, trở ngại cũng rất lớn mà đứng đầu là quỹ đất, kinh phí và ý thức người dân.

Quỹ đất tưởng là khó khăn nhất nhưng lại có thể giải quyết được nếu đưa vùng đất bãi sông Hồng vào quy hoạch cụ thể. Ý thức người dân là then chốt nhưng cũng là vấn đề lâu dài, không thể thay đổi trong một sớm một chiều, dục tốc sẽ bất đạt. Cũng không thể chờ ý thức của người dân nâng cao thì mới làm rừng, mà chính việc tổ chức nhiều không gian công cộng sẽ góp phần nâng cao dần ý thức của người dân.

Vấn đề còn lại và mang tính quyết định đó là tài chính. Cũng không phải chỉ là nguồn tài chính cho xây dựng ban đầu mà quan trọng hơn là nguồn tiền để quản lý, vận hành, tu bổ, nâng cấp và phát triển. Nguồn tiền này vừa lớn, vừa phải tương đối ổn định và bền vững. Trong tình hình hiện nay, không thể trông chờ hoàn toàn vào nhà nước nhưng cũng không thể xã hội hóa hoàn toàn.

Do đó có thể nghiên cứu phương thức kết hợp giữa một phần đầu tư từ nhà nước, một phần kêu gọi đóng góp của xã hội, doanh nghiệp và kết hợp với xã hội hóa một cách hợp lý. Chẳng hạn, có thể quy hoạch rừng trong một tổng thể các công trình mang tính thương mại xung quanh, các chủ đầu tư các công trình thương mại sẽ có trách nhiệm bảo vệ, tu bổ, nâng cấp, phát triển rừng vì rừng mang lại cảnh quan, góp phần nâng cao giá trị cho công trình của họ và họ được hưởng lợi trực tiếp từ rừng.

Đề cập đến những khó khăn như thế để không ảo tưởng về rừng trong phố, nhưng không phải để e ngại mà chùn bước. Mục đích là để nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, xác định một quyết tâm cao và bản lĩnh vững vàng, từ đó mà xây dựng đề án và phương án toàn diện, cụ thể, tỉ mỉ, khả thi. Nếu không, ý tưởng về rừng trong thành phố Hà Nội sẽ chỉ dừng lại là một ý tưởng xa xỉ. Thậm chí, kể cả có được rừng rồi mà không có phương án “nuôi dưỡng” thì sớm muộn cũng rơi vào cảnh cha chung không ai khóc, trở thành những cánh “rừng hoang” để lại hậu quả về cả tự nhiên và xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top