Tôi đã từng tham dự nhiều cuộc rượu với các cách uống khác nhau mang tính hội hè cộng đồng và đậm nét bản sắc của từng vùng đất: Uống rượu cần với đồng bào Tây Nguyên, uống rượu “chéo cổ tay” với dân tộc Thái ở Tây Bắc hay uống ly xoay vòng với các anh Hai Nam Bộ theo nhịp “Đờn ca tài tử”. Nhưng ấn tượng nhất là các cuộc rượu với dân làng chài quê tôi mà tôi gọi là: Rượu Ngư phủ.
Trước hết, cái món rượu này được nấu bằng nước chảy ra từ cái khe trong vắt chảy bên núi Nam Giới. Khe này do một thầy địa lý người Tàu tìm ra đã lâu, đặt tên là khe “Hảo Hảo” (tốt tốt). Nhưng dân làng tôi nghe tiếng chảy róc rách êm đềm của khe nước tạo ra một nhịp điệu cạn vơi và sóng sánh trong mình nên thuận miệng quen gọi là “Hao Hao”.
Hao Hao lạ lắm, người uống rượu say chỉ cần một bát nước khe Hao Hao là tỉnh như sáo. Hao Hao tinh tế và đa cảm lắm! Rượu ngon phải do phụ nữ hứng nước từ khe đá chảy trong các ống bương dẫn nước vào các chum sành. Phụ nữ càng trẻ, càng xinh, rượu càng ngon, càng thơm.
Đó là tôi nghe nói thế, nhưng nghiệm ra cũng có lý, cái lý bắt đầu từ cái đa tình của ngư phủ. Vì thế làng tôi có o Thủy chuyên chở nước khe Hao Hao bán cho các lò rượu. Nước khe o Thủy chở đắt khách lắm. Bởi o là người cao ráo, trắng trẻo, ăn nói có duyên, mà số lại cao, cứ ở thế mà không lấy chồng. Có vài đám ướm hỏi nhưng rồi cũng không thành.
O ở vậy với cái thuyền nhỏ làm bạn, với những chum, những vại, những vò như các dáng người cao thấp ngất ngưởng xếp cạnh nhau. Cái nguồn mạch lên men cứ thế từ o Thủy chạy vào huyết quản hồng cầu của ngư phủ làng tôi để vật lộn với sóng gió biển khơi, thu về bao nhiêu là tôm cá. Và họ cũng thường dành biếu o Thủy những cặp cá nướng thơm phức – loại cá ăn sát đất nhiều phù du hay dành cho các bà mẹ mới sinh con giàu sữa...
Có rượu nấu nước khe Hao Hao ngon và thơm nồng, say êm dịu rồi, thì các món mồi đưa cay của ngư phủ cũng lạ lắm. Họ chữa bệnh đau dạ dày kinh niên bằng kinh nghiệm lâu đời khá hiệu quả và độc đáo. Đó là lấy những con cá nhỏ còn nguyên con trong dạ dày những con cá lớn còn dính các dịch vị cứ thế rán lên cho thêm gia vị vào thơm nức, bày ra đĩa với chai rượu trắng thành vị thuốc ngon lành và hiệu nghiệm.
Dân biển thích ăn gỏi cá. Tôi đã từng được thưởng thức những bữa gỏi cá trích tươi sốt trên thuyền sau đêm kéo lưới nặng vó. Cá trích lấp lánh ánh bạc được người “nuôi quân” dùng lưỡi dao mảnh sắc lật từng lát mỏng đem ướp với các thứ gia vị mang theo như chanh, ớt, hạt tiêu, hạt lạc và các loại rau thơm bóp nhuyễn từ tai tái và chín.
Nhưng phải là bàn tay ấy, bàn tay ngư phủ sần sùi những vết chai, những vết sẹo ngấn vòng như chiếc nhẫn cước cứa vào ngón tay câu cá hằn sâu; Phải là bàn tay ấy đã ngấm đằm vị muối của nước biển của rượu khe Hao Hao biến thành máu thịt của mình bóp gỏi mới ngon. Có cái gì đó hòa trộn như linh khí đất trời, như huyết mạch tiềm ẩn mà những người khác trên bờ không có. Gỏi ngư phủ nhâm nhi với rượu ngư phủ chứ không rời rạc, nhàn nhạt và lạnh tanh.
Cũng lạ, người ngư phủ luôn là người được hưởng thành quả lao động đầu tiên của mình bằng cách riêng của họ, thật hồn nhiên và vô giá. Tôi đã từng chứng kiến cảnh cả thuyền xúm lại để đánh vật với con cá cờ nặng hơn tạ cắn câu. Bao kinh nghiệm nghề nghiệp của từng người được chia sẻ, được góp vào để chọn một phương án tối ưu nhất.
Cá cờ có cái mũi dài như cán cờ, như lưỡi kiếm nhọn, cá nhảy vọt lên từ mặt biển đâm thẳng như mũi lao trông ngạo nghễ và thách thức, để rồi phải chịu khuất phục với tài trí mưu mẹo và quả cảm của các ngư phủ. Kéo được cá lên thuyền, chiến công đầu tiên được bù đắp bằng một lưỡi dao sắc nhọn và chính xác mang cả sức mạnh của toàn thuyền, người thuyền trưởng đã kéo cả bộ lòng cá ra và bữa cơm hôm đó là một mâm nhôm đựng toàn lòng cá ngông ngộn bốc khói.
Ngon đã đành, béo đã đành, nhưng nhìn vào thích mắt, ngon mắt hơn nhiều, bởi bộ lòng cá hôi hổi xuýt xoa quyến rũ con tì, con vị lắm. Bao nhiêu tinh lực của cá được ngấm vào huyết mạch của ngư phủ bằng rượu đưa cay.
Say ư, thì cũng say. Họ nhìn nhau nghiêng ngả, vai đẩy vào vai, tay thì bốc lòng cá chấm vào đĩa ớt, muối tiêu, chanh và tất nhiên không thể thiếu rổ rau sống, rau thơm các loại. Hương vị làng quê đất liền được sẻ chia, được chan hòa, được đưa đẩy cũng sóng sánh chia bùi sẻ ngọt với nhau như thế.
Kiểu uống rượu của ngư phủ cũng lạ. Không chén thì đúng rồi, chẳng bát cũng không sao vì thuyền chao đảo sóng lớn, rượu sẽ tràn ra hết. Họ sáng tạo một kiểu chén rượu đặc biệt đó là chiếc be nhựa hoặc thủy tinh mà nắp be được gắn với một ống hút. “Nuôi quân” đổ đầy rượu vào các be và cắm ống hút phân phát đầy đủ cho các thuyền viên ngồi vòng tròn quanh mâm, cứ thế mà “hút rượu”. Vòng chẻo cổ tay cũng hút được mà chuyền tay nhau như kiểu anh Hai Nam Bộ cũng xong. Và đây là một một hình thức rượu cần cá thể khá độc đáo.
Tôi nhiều lần quan sát, khi ăn cá, họ gắp hết phần nửa cá trên còn kẹp với xương nhưng không bao giờ lật cá lên, vì sợ thuyền bị lật. Vì thế cuộc sống ngư phủ rất ghét người tráo trở Có cá cháo, có cơm thì cũng có cá chai, có cá đục.
“Rượu Ngư phủ” ít khi ngâm các loại thuốc Bắc và các loại động vật như tắc kè, bìm bịp, nhung hươu... Tất cả đều tinh khiết, trong veo cũng có khi sủi tăm như tăm cá. Tôi cứ nghĩ, trong dòng máu của họ có nhiều tăm như tăm sóng, cứ li ti, cứ dào dạt, cứ mênh mông, chứ không phải cái tăm mỡ máu dính bệt vào hồng cầu.
Lạ thế, ngư phủ bắp tay, khuôn ngực cuồn cuộn, bắp chân thì bé, vì họ ít đi lại, chỉ quanh quẩn mấy chục mét vuông trên thuyền nhưng con mắt lại nhìn nheo nheo. Nheo nheo mà tinh tường lạ lắm, có thể nhìn qua sắc nước đổi thay mà đoán luồng cá dưới đó, nhìn đám mây đổi màu để đoán luồng gió, luồng bão. Và trong ánh nhìn, tia nhìn của họ, tôi nhận ra chất men say đắm – Đắm đuối nữa của cuộc đời họ gắn với biển bằng chất xúc tác đặc biệt kì lạ: Rượu Ngư phủ.
Hà Tĩnh, ngày 3/2020