Aa

Sắc đỏ áp đảo nhóm bất động sản trong phiên 21/10, VRE bất ngờ bứt phá

Thứ Năm, 22/10/2020 - 06:15

Diễn biến của nhóm cổ phiếu bất động sản không mấy tích cực trong phiên 21/10, nhưng một số mã vẫn bứt phá như VRE hay OGC.

Thị trường chứng khoán tăng điểm tốt ở khoảng thời gian đầu phiên ngày 21/10 với việc nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có sự dẫn dắt. Tuy nhiên, lực tăng dần yếu đi khi về cuối phiên sáng và các chỉ số đã đảo chiều vào thời gian cuối phiên khi áp lực bán ở nhiều cổ phiếu trụ cột là rất lớn. Sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã chiếm ưu thế hoàn toàn và khiến các chỉ số kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có biến động rất tiêu cực trong phiên 21/10 khi những cái tên chủ chốt như SSI, HCM, VCI đều đồng loạt giảm sâu. Trong đó, SSI giảm 2,7% xuống 17.700 đồng/cp, HCM giảm 4,3% xuống 22.000 đồng/cp, VCI thậm chí còn giảm sàn xuống 37.200 đồng/cp.

Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu trụ cột như BVH, GVR, VCB, HVN… đồng loạt giảm giá sâu và là các nhân tố chính đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. VCB giảm 1,7% xuống 86.200 đồng/cp sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III không tốt khi lãi sau thuế ghi nhận chỉ ở mức 3.991 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, nhà đầu tư vẫn có thể thấy một số cổ phiếu trụ cột tiếp tục thay nhau nâng đỡ thị trường và phần nào kìm hãm lại đà giảm của các chỉ số. Trong đó, VRE tăng 1,6% lên 27.900 đồng/cp, VHM tăng 0,3% lên 76.400 đồng/cp, VPB tăng 1,2% lên 25.100 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Còn đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ cũng áp đảo khi ghi nhận những cái tên thanh khoản cao nhưng giảm sâu là LDG, DXG, DIG, ITA, ASM, FLC, PDR… Trong đó, LDG giảm đến 4,5% xuống 6.740 đồng/cp và khớp lệnh 7,4 triệu cổ phiếu, DXG giảm 3,7% xuống 11.800 đồng/cp và khớp lệnh 9 triệu cổ phiếu, DIG giảm 2,6% xuống 19.100 đồng/cp và khớp lệnh 2,6 triệu cổ phiếu.

Một số cổ phiếu bất động sản khác vẫn gây được sự chú ý khi tăng giá rất mạnh, bất chấp thị trường chung rung lắc, trong đó, SGR, TIX và OGC đều được kéo lên mức giá trần, IDV tăng 4,5% lên 55.800 đồng/cp, LGL tăng 3,1% lên 4.680 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,39 điểm (-0,57%) xuống còn 939,03 điểm. Toàn sàn có 166 mã tăng, 240 mã giảm và 72 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,25%) xuống 139,98 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 75 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (0,06%) lên 63,75 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn xấp xỉ so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 9.103 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 464 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.253 tỷ đồng. DXG là mã bất động sản duy nhất lọt vào top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 21/10.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch vẫn tiêu cực trên sàn HoSE nhưng lại có được sự tích cực ở HNX và UPCoM. Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 358 tỷ đồng (giảm 61% so với phiên trước) - đây cũng là phiên bán ròng thứ 20 liên tiếp của khối ngoại sàn này. VRE, VHM và KDH là 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Trong khi đó, DXG được mua ròng mạnh với gần 26 tỷ đồng. NLG cũng được mua ròng 8 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index giảm trở lại sau chuỗi tám phiên tăng điểm liên tiếp với mức giảm vừa phải và thanh khoản thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán hiện tại là không quá mạnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ quanh 940 điểm (fibonacci extension 61,8%), qua đó mở ra dư địa giảm với ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 925 điểm (MA20). Vậy là như các thị trường chứng khoán khác trên thế giới (trừ Trung Quốc), thị trường Việt Nam mà tiêu biểu là chỉ số VN-Index đã gặp khó khăn tại vùng giá trước khi Covid-19 xảy ra, những rung lắc ở đây đã diễn ra 5 phiên liên tiếp trước khi áp lực bán dần trở nên chiếm ưu thế.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 giảm nhẹ hơn so với chỉ số cơ sở VN30 qua đó nới rộng mức basis dương lên thành 2,4 điểm, cho thấy nhà đầu tư vẫn lạc quan về xu hướng hiện tại. SHS dự báo VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 925 điểm (MA20). Những nhà đầu tư đã chốt lời các vị thế ngắn hạn trong khoảng 940 - 950 điểm trong năm phiên trở lại đây có thể quay trở lại mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 925 điểm (MA20).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top