Sau phiên tăng tốt hôm 22/6, tâm lý nhà đầu tư có phần khởi sắc đã góp phần giúp giao dịch đi theo chiều hướng tích cực ở đầu phiên 23/6. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, tăng giá mạnh và có công lớn trong việc kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, trong lúc hưng phấn nhất, lực bán bất ngờ dâng cao đã khiến nhiều cổ phiếu trụ cột suy yếu, chính điều này gây ra phản ứng dây chuyên và hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ khác cũng chịu áp lực bán mạnh. Các chỉ số đã xóa tan những nỗ lực tăng điểm trước đó và nhanh chóng đảo chiều giảm điểm trở lại. Nửa sau của phiên giao dịch là sự giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán. Các chỉ số đều biến động hẹp ở dưới mốc tham chiếu.
Hàng loạt cổ phiếu lớn như GVR, VCG, VCS, LPB, PVS, BVH, PVD... chìm trong sắc đỏ và gây áp lực lên đường đi của các chỉ số. Trong đó, GVR là mã có tác động xấu nhất đến VN-Index. Cổ phiếu này giảm 2,5% xuống 33.500 đồng/cp và lấy đi của VN-Index 0,96 điểm (-0,07%). MSN giảm 1,6% xuống 106.800 đồng/cp và cũng lấy đi của chỉ số này 0,56 điểm (-0,04%).
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác vẫn duy trì được sự tích cực và đôi lúc giúp các chỉ số có những nhịp hồi phục. Trong đó, VPB tăng 4,5% lên 69.000 đồng/cp, đây cũng là nhân tố quan trọng giúp khởi đầu cho sự bứt phá của nhiều mã ngân hàng khác trong phiên 23/6. Bên cạnh đó, VCB cũng tăng 2% lên 109.700 đồng/cp, CTG tăng 1,5% lên 52.700 đồng/cp. Ngoài ra, các cổ phiếu lớn như SAB, ACV, PNJ... cũng giữ được sắc xanh.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, diễn biến đi theo chiều hướng không tốt do ảnh hưởng từ sự rung lắc của thị trường chung. Trong đó, các mã lớn như VIC, VHM, NVL, PDR hay BCM đều chìm trong sắc đỏ. PDR giảm 2,6% xuống 86.100 đồng/cp. PDR đã có 3 phiên giảm liên tiếp từ mức 92.100 đồng/cp xuống còn 86.100 đồng/cp.
VRE đứng giá tham chiếu 31.500 đồng/cp. Sáng 23/6, VRE tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, trong đó, công ty này đặt kế hoạch doanh thu thuần 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 5% so với thực hiện năm trước. Doanh thu chuyển nhượng bất động sản dự kiến chiếm 13 - 15%, dịch bệnh không ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ áp đảo hoàn toàn. Trong đó, các mã thanh khoản cao như FLC, HAR, CEO, HQC, DIG, DRH, DXG, CII, LDG, TCH... đồng loạt giảm sâu. FLC giảm 5,8% xuống 13.700 đồng/cp, HAR giảm 6,6% xuống 5.400 đồng/cp, HQC giảm 4,3% xuống 3.970 đồng/cp, DIG giảm 3,7% xuống 25.700 đồng/cp.
DXG giảm 2,9% xuống 23.700 đồng/cp. Công ty con của DXG là Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services - DXS) cho biết, do hệ thống giao dịch trên HoSE đang quá tải nên cổ phiếu DXS sẽ giao dịch tạm trên HNX. Việc này sẽ diễn ra cho đến khi hệ thống giao dịch HoSE thông thoáng, ổn định theo hướng dẫn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
TIG giảm 1,3% xuống 14.700 đồng/cp. Công ty này vừa thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng 30 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 33% trên số cổ phần đang lưu hành. Giá chào bán cho nhà đầu tư là 10.500 đồng/cp. Doanh nghiệp dự kiến phát hành riêng lẻ cho 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong nước. Trong danh sách nhà đầu tư này có Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phúc Long. Ông Long hiện là cổ đông lớn nhất của TIG với hơn 15,2 triệu cổ phiếu nắm giữ (tỷ lệ 16,7% vốn).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6, VN-Index giảm 3,1 điểm (-0,22%) xuống 1.376,87 điểm. Toàn sàn có 94 mã tăng, 298 mã giảm và 51 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,29 điểm (-0,41%) xuống 315,8 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 133 mã giảm và 75 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,07%) xuống 90,04 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh trên 3 sàn đạt 23.400 tỷ đồng. FLC vẫn đứng đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 47 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, HQC cũng là mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 21,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại mua ròng khoảng 155 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 23/6, trong đó, VRE và FLC là 2 mã bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh. Trong khi đó, VHM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 108 tỷ đồng. DXG và VIC cũng là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại với lần lượt 28,5 tỷ đồng và 13,2 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), phiên chốt lời này không làm xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường bị ảnh hưởng, một phiên hạ nhiệt là điều cần thiết để giúp giải phóng lượng hàng T+ và giúp thị trường có mức tăng bền vững hơn. Tín hiệu tích cực lúc này là khối ngoại mua ròng trở lại và thanh khoản hạ nhiệt khi chỉ số giảm điểm. MBS tiếp tục giữ nguyên quan điểm thử thách đối với thị trường trong những phiên tới là ngưỡng 1.400 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.370 điểm./.