Giá trị TPCP tháng 5/2021 đạt 44.200 tỷ đồng, cao nhất 8 tháng qua
Tháng 5/2021, làn sóng Covid thứ 4 bùng phát và Việt Nam đang phải ứng phó với đợt dịch nặng nề nhất kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện. Tính tới tháng 4/2021, Việt Nam chỉ có 3.000 ca nhiễm được ghi nhận, nhưng sau tháng 5, tổng số ca nhiễm đã tăng gấp 3 lần, vượt qua mốc 12.000 ca.
Việt Nam vốn được đánh giá cao về khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19, song đợt bùng phát dịch lần này tạo ra nhiều thử thách hơn. Các khu công nghiệp trở thành những ổ dịch mới, tập trung tại khu vực phía Bắc (chủ yếu tại Bắc Giang và Bắc Ninh) - vốn là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Foxconn…, gây ra mối quan ngại về khả năng duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng. Riêng tại Bắc Giang, 4/6 khu công nghiệp buộc phải đóng cửa vào ngày 18/5 và dù đã mở cửa trở lại 10 ngày sau đó, song những dây chuyền quan trọng của họ vẫn hoạt động dưới công suất.
Trao đổi với PV thời điểm đó, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) không giấu sự lo ngại bởi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại, khi đợt dịch lần này không chỉ mang đến rủi ro đáng kể cho sự phục hồi mới đây của thị trường lao động và tiêu dùng cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến ngành sản xuất và giao thương quốc tế.
Trong bối cảnh đó, giá trị trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành của tháng 5/2021 đã tăng vọt, đạt 44.200 tỷ đồng, tăng 68% so với tháng liền trước và là mức tăng cao nhất trong 8 tháng qua. Giao dịch trên thị trường sơ cấp tiếp tục xu hướng sôi động với tỷ lệ trúng thầu đạt khoảng 92%, cao hơn so với mức 83% của tháng 4/2021 và 71% của cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công khoảng 44.000 tỷ đồng trên tổng số 48.000 tỷ đồng gọi thầu trong tháng 5/2021, nâng tổng giá trị gọi thầu lũy kế từ đầu quý II/2021 đến nay lên hơn 70.000 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch gọi thầu của quý này. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm giảm khoảng 2 - 9 điểm cơ bản so với tháng trước, ở mức lần lượt là 1,13%/năm; 2,27%/năm và 2,54%/năm, tương đương với mặt bằng lãi suất trên thị trường thứ cấp.
Tương tự, giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng sôi động trở lại với giá trị bình quân phiên đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 17% so với mức của tháng 4/2021. Mặt bằng lãi suất các kỳ hạn chính 10 - 15 năm tiếp tục giảm khoảng 5 - 10 điểm cơ bản so với cuối tháng trước, trong khi các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm lại có xu hướng tăng khoảng 10 - 20 điểm cơ bản. Tại thời điểm cuối tháng 5/2021, lãi suất TPCP các kỳ hạn 2, 5, 10 và 15 năm lần lượt ở mức 0,57%/năm; 1,14%/năm; 2,27%/năm và 2,55%/năm.
Nhận định về tình hình trên, một lãnh đạo cao cấp OCB cho biết, TPCP do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách Nhà nước hoặc phục vụ cho các chương trình, dự án thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước đã có kế hoạch cụ thể từ trước và được quản lý chặt chẽ.
“Không phải là khi nào cần tiền Bộ Tài chính mới phát hành TPCP, mà được dự toán chi cho ngân sách trong một chu kỳ dài. Chúng tôi theo dõi rất sát sao việc phát hành TPCP và thời điểm hiện tại dòng tiền trong nước đang rất tốt”, vị lãnh đạo cao cấp OCB cho biết.
Lãi suất liên ngân hàng tăng làm giảm dư thừa thanh khoản
Được biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 109.700 tỷ đồng TPCP và ước tính có khoảng 102.600 tỷ đồng TPCP đã đáo hạn, tương đương giá trị phát hành ròng đạt 71.00 tỷ đồng (cao hơn nhiều lần so với con số 800 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020). Bên tham gia trong các phiên đấu thầu TPCP vẫn chủ yếu là các ngân hàng với tỷ lệ lên tới 80%.
Trao đổi với PV, vị lãnh đạo cao cấp OCB cho biết, mua TPCP cũng là cách để các ngân hàng xử lý tình trạng thanh khoản dư thừa, vừa được hưởng lãi, vừa có thể chuyển thành tiền để thanh toán khi cần, đó là chưa kể có thể mang về cho ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận khi đầu tư lớn.
“Ngân hàng nào cũng có lượng vốn nhàn rỗi nhất định để đầu tư TPCP, bởi so với lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng là 1%/năm thì lãi suất TPCP thường cao gấp đôi. Tại OCB, giá trị đầu tư TPCP mỗi năm thường duy trì ở mức 20.000 - 30.000 tỷ đồng”, vị lãnh đạo OCB thông tin.
Thực tế, đầu tư vào TPCP gần như không có rủi ro, nhưng cũng vì an toàn nên lãi suất sẽ không thể cao như khi cho vay tín dụng, mà với các ngân hàng, tín dụng mới là nguồn thu chính, bởi vậy không lạ khi có ngân hàng không tỏ ra mặn mà với kênh đầu tư này. Đơn cử, một lãnh đạo cao cấp của LienVietPostBank cho biết, ngân hàng này chỉ dành vài nghìn tỷ đồng đầu tư TPCP mỗi năm để phục vụ mục tiêu điều tiết thanh khoản chứ không phải là kinh doanh bởi lãi suất thấp, không hấp dẫn”.
Được biết, mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh khoảng 30 - 50 điểm cơ bản trong tháng 5/2021, cuối tháng lên mức 1,5 - 1,6%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần do tăng trưởng tín dụng tăng tốc những ngày cuối tháng đã làm giảm tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Tính chung cả tháng, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần ở mức 1,34%/năm, tăng 0,72%/năm so với mức bình quân của tháng 4/2021 và tương đương với mức bình quân của cùng kỳ năm 2020.
Giao dịch trên thị trường tiếp tục duy trì trạng thái sôi động với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 113.000 tỷ đồng - tương đương với tháng 4/2021 và cao hơn 114% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng giao dịch vẫn tập trung ở các kỳ hạn qua đêm - 1 tuần (chiếm khoảng 92% tổng giá trị giao dịch).
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 21/5/2021, tăng trưởng tín dụng (tính từ cuối năm 2020) đạt 4,67% - cao hơn đáng kể so với mức tăng 2% của cùng kỳ năm 2020. Vào thời điểm cuối tháng 5, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và 1 tuần lần ở mức 1,18%/năm và 1,33%/năm, tăng tương ứng 63 điểm cơ bản và 60 điểm cơ bản so với tháng trước đó.
Nhóm Nghiên cứu phân tích, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV dự báo, mặt bằng lãi suất TPCP trong thời gian còn lại của tháng 6/2021 có xu hướng đi ngang là chủ đạo, kỳ hạn 10 năm dao động quanh khoảng 2,2 - 2,25%/năm.
Một mặt, các yếu tố hỗ trợ xu hướng giảm của lãi suất TPCP trong thời gian gần đây cơ bản vẫn được duy trì: Thứ nhất, lượng đáo hạn TPCP trong 2 tháng tới (tháng 6 và tháng 7) vẫn rất lớn, xấp xỉ 40.000 tỷ đồng; thứ hai, chính sách tiền tệ kỳ vọng có thể kéo dài trạng thái nới lỏng hiện tại lâu hơn dự kiến khi làn sóng dịch lần này đang tạo ra thách thức không nhỏ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021; thứ ba, lãi suất TPCP Mỹ duy trì xu hướng tích lũy trong biên độ hẹp xoay quanh khoảng 1,55-1,65%/năm kỳ hạn 10 năm nên tạm thời chưa tạo ra tác động tâm lý đối với thị trường trong nước.
Mặt khác, đà giảm của lãi suất sẽ đối mặt với một số lực cản: Một là, dù tăng tốc trong thời gian gần đây, lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Kho bạc Nhà nước chỉ mới hoàn thành trên 30% kế hoạch phát hành của năm 2021. Theo đó, nguồn cung sơ cấp dự kiến sẽ tiếp tục dồi dào trong tháng 6 với khối lượng gọi thầu bình quân phiên ước khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng so với mức 12.000 tỷ đồng của tháng trước đó; hai là, thị trường có phần phản ứng theo hướng “quá mua” và lãi suất TPCP đã giảm nhanh hơn mức hợp lý trong tháng 5 nên có thể xuất hiện bước điều chỉnh.
Thực tế, lãi suất TPCP cũng xuống thấp kỷ lục trong trung tuần tháng 6 với kỳ hạn 5 năm là 1%/năm, 10 năm là 2,2%/năm.