Thị trường chứng khoán phiên 5/2 khởi sắc hơn so với các phiên trước. Dù vẫn có lúc vấp phải áp lực rung lắc mạnh nhưng thị trường vẫn biến động theo chiều hướng tốt nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu trụ cột.
Tâm điểm của thị trường phiên 5/2 là nhóm cổ phiếu thuộc ngành tài chính khi những cái tên như SSI, VIB, SHB, STB, TCB, BVH, CTG, MBB... đều tăng giá mạnh.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có những dấu ấn khi bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup đều tăng giá, trong đó, VIC tăng mạnh đến 2,4% lên 107.500 đồng/cp và là một trong những nhân tố chủ chốt trong việc nới rộng sắc xanh của VN-Index. VRE tăng 0,3% lên 32.700 đồng/cp, VHM tăng 0,9% lên 99.300 đồng/cp. Ngoài ra, một cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác là BCM cũng tăng 4,8% lên 58.700 đồng/cp.
Chiều ngược lại, NVL và THD phiên 5/2 bất ngờ giảm sâu, trong đó, NVL giảm 1,6% xuống 80.200 đồng/cp, còn THD giảm 5% xuống 160.000 đồng/cp. Việc THD giảm sâu cũng gây ra áp lực rất lớn cho HNX-Index.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn, trong đó, PPI, FLC, CIG, ITC hay PVL đều được kéo lên mức giá trần. Ngoài ra, NRC tăng 7,1% lên 22.500 đồng/cp, DRH tăng 6,8% lên 9.750 đồng/cp, NLG tăng 6,2% lên 34.500 đồng/cp, IDC tăng 5,6% lên 41.200 đồng/cp, DXG tăng 5,6% lên 22.500 đồng/cp.
Dù vậy, vẫn còn một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ giảm giá, trường hợp đáng chú ý có NBB giảm 4,5%, PFL giảm 5,6%, FIT giảm 3,9%, CII giảm 1,9%, VPI giảm 1,5%, SIP giảm 1,2%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 14,72 điểm (1,32%) lên 1.126,91 điểm. Toàn sàn có 297 mã tăng, 134 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,16 điểm (0,07%) lên 223,84 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 53 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,23%) xuống 73,89 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cũng tương đối thấp so với thời điểm trước khi thị trường tạo đỉnh ngắn hạn với tổng khối lượng giao dịch đạt 699 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 15.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2.400 tỷ đồng. FLC khớp lệnh mạnh nhất thị trường với gần 39 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, DXG cũng là cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất với 9,9 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch tích cực khi mua ròng trên cả 3 sàn giao dịch với giá trị 440 tỷ đồng.
Như vậy, VN-Index tăng trở lại trong tuần qua sau hai tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch ngày 5/2, VN-Index tăng 70,3 điểm (6,7%) lên 1.126,91 điểm; HNX-Index tăng 9,63 điểm (4,5%) lên 223,84 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 15.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 20,6% xuống 67.547 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 22,1% xuống 3 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 24,7% xuống 8.634 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 31,6% xuống 564 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm hai phiên giao dịch tuần tới. Sau khi vượt qua vùng 1.115 - 1.118 điểm, VN-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm trong ngắn hạn. Dòng tiền vào thị trường có thể bị suy giảm đôi chút do các nhà đầu tư hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần. Điều này có thể khiến diễn biến thị trường có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu dịp cận Tết.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50 - 70% cổ phiếu. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục xem xét giải ngân tăng tỷ trọng trong các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và có sử dụng margin, vẫn nên tận dụng các phiên tăng điểm mạnh của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn./.