Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 3/2 vẫn biến động theo chiều hướng tích cực, thị trường sau chuỗi điều chỉnh đã có khoảng thời gian hồi phục ấn tượng.
Tâm điểm của thị trường phiên 3/2 là nhóm cổ phiếu bất động sản, dầu khí, chứng khoán và ngân hàng khi ghi nhận rất nhiều mã bứt phá. Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE tuy không còn bứt phá mạnh như ở phiên trước nhưng vẫn giữ được mức tăng mạnh, trong đó, VIC tăng 1,5% lên 107.500 đồng/cp, VHM tăng 3% lên 97.200 đồng/cp và VRE tăng 3,6% lên 33.100 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các mã bất động sản vốn hóa lớn khác như BCM, NVL, THD hay IDC cũng đồng loạt tăng mạnh. IDC tăng kịch trần (9,9%) lên 40.000 đồng/cp, THD tăng 2,4% lên 168.000 đồng/cp, BCM tăng 2,7% lên 56.500 đồng/cp và NVL tăng 3,1% lên 83.000 đồng/cp.
Trong khi đó, số mã bất động sản tăng trần đã nhiều hơn đáng kể so với phiên trước, các cổ phiếu thanh khoản cao như CEO, BII, TCH, DXG, DRH, ASM, ITA, HQC… đều được kéo lên mức giá trần. NTC cũng tăng đến 7% lên 216.000 đồng/cp, SCR tăng 5,9% lên 8.040 đồng/cp, NTL tăng 5,9% lên 23.900 đồng/cp, SJS tăng 5,8% lên 34.600 đồng/cp, PDR tăng 5,7% lên 59.000 đồng/cp, IDJ tăng 5,6% lên 15.200 đồng/cp. Ngoài ra, các mã bất động sản thanh khoản cao khác cũng tăng tốt còn có CII (4,8%), DIG (4,7%), NDN (4,5%), TDH (4,4%), LDG (4,3%), KDH (3,6%).
Không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sâu ở phiên 3/2. FIT là cái tên đáng chú ý khi chấm dứt được 8 phiên giảm sàn liên tiếp, tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn mất 3,6% xuống 11.900 đồng/cp. HPX cũng đi ngược lại xu hướng thị trường chung và giảm 1,2% xuống 38.550 đồng/cp.
Còn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí, các cổ phiếu như PVS, VND, VPB, PVD, SSI, VCI… được kéo lên mức giá trần và giúp tạo ra tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, VIB tăng 6,1%, TPB tăng 5,9%, SHB tăng 5,4%, BID tăng 5,1%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 35,76 điểm (3,32%) lên 1.111,29 điểm. Toàn sàn có 414 mã tăng, 56 mã giảm và 26 mã đứng giá. HNX-Index tăng 8,26 điểm (3,84%) lên 223,62 điểm. Toàn sàn có 169 mã tăng, 35 mã giảm và 169 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,64 điểm (2,29%) lên 73,3 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX gia tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.725 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 837 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.785 tỷ đồng. ROS là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường với khối lượng lên đến hơn 83 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất có 2 cổ phiếu bất động sản là FLC và ITA với lần lượt 18,6 triệu cổ phiếu và 12,5 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại mua ròng đột biến 1.170 tỷ đồng trên toàn thị trường trong phiên 3/2, trong đó, VIC, VHM, KBC và TCH là 4 mã bất động sản nằm trong top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất. VIC được mua ròng gần 400 tỷ đồng, trong đó, đa phần được khối ngoại thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. VHM được mua ròng 154 tỷ đồng. KBC và TCH có giá trị mua ròng lần lượt 31 tỷ đồng và 16 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE là mã bất động sản duy nhất lọt top 10 về giá trị bán ròng toàn thị trường với 34,5 tỷ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực trong ngắn hạn. Nếu VN-Index đóng cửa cao hơn vùng 1.115 - 1.118 điểm trong những phiên còn lại của tuần, chỉ số sẽ hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm trong thời gian tới. Dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường bất chấp kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần là một tín hiệu tích cực cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bắt đầu lạc quan trở lại đối với xu thế thị trường. Về tổng thể, chỉ số đang dần xác lập lại xu hướng tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, diễn biến thị trường có thể sẽ bắt đầu có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong những phiên tiếp theo./.