Aa

Sách cũ như một bến đợi, một sân ga

Thứ Tư, 13/05/2020 - 06:45

Sách cũ, không phải vàng bạc gì, nhưng đó là hơi thở của ký ức đời người, là bến đợi, là sân ga, là sự thức tỉnh bất chợt giúp người ta hiểu biết, thức ngộ, để rồi tựa vào sự hiểu biết vô hình để từng trải sống tiếp.

Bạn có khi nào bị phản bội chưa? Ngay cả người ruột thịt nhất đã lừa tiền khiến bạn trắng tay, hay bị bạn thân "nẫng" mất người mà bạn thương yêu nhất. Hay vào một sớm mai, bạn nhận được quyết định mất việc sau những ngày giãn cách xã hội của một tháng 5 rực rỡ nắng. Tất thảy những ví dụ, hay chăng là những thất bại đó, hãy coi như một bước trượt của chính mình trong cuộc đời còn nhiều điều cần phải học hỏi. Có lẽ, vào những lúc cô đơn nhất như vậy, bạn có thể dựa tâm hồn mình vào âm nhạc, vào sách.

Sách cũ hay sách mới đều giống một sân ga nhỏ, ở nguyên đó đợi bạn. Nếu là cuốn sách hay, nó sẽ thức tỉnh bạn giống như tiếng còi tàu, giúp bạn bình tâm hơn để đi tiếp một chuyến tàu mới. Sách cứu rỗi bạn bất chợt, giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn để rồi bình tâm, tìm ra lối rẽ khác. 

Đành rằng ở đời chẳng phải ai cũng thích đọc sách. Tôi từng có một người bạn không thích đọc sách nhưng lại làm công việc in sách ở nhà in. Chẳng đọc sách, nhưng số bạn lại sướng, có chồng lo cho nhà cao cửa rộng, đầy đủ đến mức chỉ cần nhẹ nhàng, nhàn nhạt sống, rồi cũng qua một đời. Có lúc tôi trộm nghĩ, chắc bạn có cách tu thân từ kiếp trước nên không đọc, không học, "ngu ngơ" tận hưởng thái bình. 

Và tôi cũng có một người bạn khác, tên Thẩm, số bạn vất vả, khổ cực nhưng lại rất thích đọc sách, ngồi đâu cũng đọc, mua xôi, bỏ tờ giấy báo gói xôi ra cũng đọc, cứ như không đọc thì sẽ không sống nổi qua ngày.

Thẩm làm ở Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, từ thuở còn đi vớt rác trên mặt hồ Bảy Mẫu, rồi có ngày cắt tỉa ngọn cỏ, ngày quét lá cây vàng khô trên lối đi. Thẩm nghỉ hưu đã năm năm nay, vừa xin cho cô con gái đi làm cỏ trong công viên. Làm mẹ đơn thân nuôi con nên thời gian rỗi, Thẩm đi tìm mua sách cũ để đọc. 

Có một thời người Hà Nội kỳ thị những phụ nữ không có chồng mà có con, để tránh hàng xóm tọc mạch đời tư, Thẩm lên núi sinh nở, tựa vào rừng mà sống, vùi mình vào đọc tiểu thuyết, truyện ngắn để tiêu hao nỗi buồn, tiêu hao những khoảng thời gian rảnh rỗi. 

Sách cũ nhưng chữ nghĩa không cũ bao giờ. Hôm ngồi nhìn hồ Bảy Mẫu, sau 20 ngày cách ly toàn xã hội, khi mà cả 6 cổng công viên Thống Nhất đóng cửa, mặt hồ bất ngờ mang theo mình một vẻ đẹp nên thơ. Không một bóng người, nước và cá an nhàn bơi lội, không có người câu cá trộm, không có người dắt chó đi dạo quanh hồ và dĩ nhiên là không có những chú chó nhảy xuống hồ vớt bóng. 

Hồ Bảy Mẫu được sống phẳng lặng, mơ mộng ít ngày. Phía bên kia đường là hồ Ba Mẫu, thi thoảng trên đường một có chiếc xe tang vụt qua rất nhanh và rất ít người trên xe. Tôi nói với Thẩm về chuyện chiếc xe tang ít người, Thẩm nói, khi mình chết mình chỉ thích chết một mình, nhờ đứa con đưa xuống nhà đài Hoàn vũ là xong. Thẩm khoe mới đọc lại "Chuyện cũ Hà Nội" và không thể ngờ năm 1945 ở Hà Nội: “Những người đói, cảm thấy mình sắp chết thường lùi đi, rồi nằm xuống chốn bơ vơ, chẳng muốn ai nhìn thấy” (Chuyện cũ Hà Nội - Tô Hoài). 

Đến cái chết cũng muốn được chết một mình thì còn gì để gọi ra nỗi cô đơn kiếp người? Thẩm bảo đọc Tô Hoài: “Chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được”. Thì ra,  nhà văn viết về dịch đói cũng đau đớn, chưa kể đến những năm 1906, khi mà giặc Tây đốt cả làng Thể Giao vì nạn dịch hạch, mượn dịch để đốt làng và đốt người.

Chẳng cứ dịch bệnh, chỉ qua mấy đợt nắng nóng của ngày hè, tỷ lệ người ốm rồi ra đi cũng đông, các nhà lạnh cũng chờ xếp hàng. Vẫn biết chuyện sinh diệt là lẽ thường, nhưng có bao câu chuyện cười khóc ra nước mắt ở đài hóa thân. Sang hèn cùng trên một ngọn lửa lò thiêu. Cái còn lại duy nhất, đó là phẩm chất người. Người đó đã sống ra sao, ứng xử ra sao trong cuộc đời ngắn ngủi mà thôi.

Thẩm kể: Đọc xong nghĩ lại mới thấy dịch hạch, dịch tả, dịch Covid-19 đều đáng sợ như nhau. Sách cũ, toàn những chuyện như rơi dưới đáy hồ, vừa mới vớt lên nhớ lại. 

Những ngày mà ở nhà là yêu nước, Thẩm đọc. Tôi sững người trước sự đọc kỹ của người bạn làm nghề vớt rác trên hồ. Thẩm hỏi tôi liệu có còn nhớ hiệu sách ở phố Huế, trước cửa chợ Hôm Đức Viên. Xưa lắm, nhờ có bác Ninh bán cho bộ sách "Chiến tranh và hòa bình" giá có 4 đồng bạc một bộ, 4 tập. Nay bác Ninh đã mất. Sách đã cũ, giấy đã ố vàng mà Thẩm vẫn nâng niu không cho, không bán, thi thoảng đem ra đọc lại 1 chương để nhớ về Andray dưới gốc cây sồi già. 

Có thời, Thẩm say mê anh chàng Andray (nhân vật trong "Chiến tranh và hòa bình" của Lev Nikolayevich Tolstoy). Tưởng mê gì, chứ mê nhân vật trong tiểu thuyết thì chắc đời sống phải no đủ lắm. Nhưng ngược lại, làm mẹ đơn thân, đi làm công nhân ở công viên Thống Nhất, khi đó Hà Nội còn đặt tên là công viên Lê Nin, Thẩm mê một anh kỹ sư nông nghiệp, có với nhau đứa con gái. Anh ta thề thốt, lời nói gió bay, rốt cục Thẩm nuôi con một mình. Từng dán vỏ cao sao vàng, bóc lạc thuê, đan len, rồi dệt len thuê, để nuôi con. Làm mẹ mà cách yêu con của bạn như thể mỗi mình mình biết sinh nở vậy.

Thẩm kể rằng, năm 1990 của thế kỷ trước, hay đến hiệu sách cũ ở số 5 phố Bát Đàn của ông Phan Trác Cảnh. Thẩm biết ông Phan Trác Cảnh từ ngày còn ở trường đại học Tổng hợp văn (cũ), khi nghỉ hưu, ông dồn hết tâm sức cho sách. Đến với hiệu sách cũ số 5 Bát Đàn, ngoài những bộ sách bằng tiếng Pháp như quyển Bắc Kỳ Tạp lục, bộ sách Viễn đông bác cổ, Hà Nội Chỉ Nam, toàn những người mê sử Hà Nội, ở đó còn gặp gỡ những người mê sách một thời, các sách sử học của tác giả Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, sách nghiên cứu, họ vừa là tác giả vừa là bạn đọc, và nhiều nhà nghiên cứu xã hội học khác cũng đến đây. 

Những sinh viên người Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hà Lan cũng tìm đến đây để tìm sách nghiên cứu khi thư viện trường thiếu tư liệu. Họ trở thành bạn đọc, bạn mê sách của ông Cảnh, bà Mão. Thẩm nhờ mê sách, đọc sách, vượt qua những trống vắng của người mẹ nuôi con một mình. Sau này khi đến chơi và xem sách thôi, thì thấy ông Cảnh về già mong có người lưu trữ hàng vạn cuốn sách kia, thật là một công trình không nhỏ của nửa thế kỷ tìm kiếm và mua sách cũ của ông. 

Sách cũ, không phải vàng bạc gì, nhưng đó là hơi thở của ký ức đời người, là bến đợi, là sân ga, là sự thức tỉnh bất chợt giúp người ta hiểu biết, thức ngộ, để rồi tựa vào sự hiểu biết vô hình để từng trải sống tiếp. 

Hiệu sách cũ số 180 phố Bà Triệu, của anh Lương Ngọc Dư, cũng có một giá trị khủng về tư liệu và sách quý hiếm. Có quyển sách quý giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn có người tiêu tiền bạc cho sách. Sách quý cũng có cách chơi của sách, không thể so sánh với cách chơi cá cảnh hay chơi cây cảnh, càng không thể so với cách chơi xe cổ hay người chơi xe hơi. 

Có người Hà Nội thích mua sách cũ về đọc, đọc chán lại bán hoặc đổi, có người chỉ mê đọc và ngấm giá trị tinh thần vào người rồi đem bán, hoặc trả sách thư viện chứ không lưu giữ. Hà Nội có người không lưu giữ sách, đó là nhà văn Tô Hoài, nhưng Hà Nội lại có những nhà văn có cả vạn cuốn sách như một thư viện quốc gia, phải kể đến nhà thơ Lữ Huy Nguyên, nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Ngọc Thiện, nhà nghiên cứu phê bình văn học Phong Lê, dịch giả Phạm Xuân Nguyên, Dương Tường. Cách lưu giữ sách của họ, cách đọc của họ, thật đáng kính nể.

Dù muôn nẻo đường đời, dù ngàn kiểu cách tiêu khiển của con người, nhưng sách cũ nhỏ bé, trang giấy ố vàng vẫn như một sân ga, hay một bến đợi. 

Mới đây thôi, ở hiệu sách cũ đường Láng, tôi gặp một người tìm mua được cuốn "Trên mảnh đất đời người" của Anatoli Stepanovich Ivanov. Người mua sách hớn hở ra mặt, rồi ông nói bằng giọng thật trầm: “Tôi rất thích cuốn này mà lâu nay không lưu giữ được, khi nào mình sống ích kỷ, không biết tha thứ thì nên đọc lại cuốn này”.

Ở mỗi hiệu sách cũ, dù đọc hay chưa đọc sách, nó vẫn giống như một sân ga, một bến đợi, có bao điều hay, sự lạ lẫm mà cả khi ta đọc rồi ngủ quên, rồi nhớ lại nhặt lên cũng là cần thiết cho sự từng trải của mỗi cuộc đời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top