Aa

Tùy

Thứ Năm, 30/04/2020 - 06:30

Xem ra, thời này là thời của những chuyện “tùy”. Thôi thì các loại “tùy”. Làm cái gì cũng cứ là “tùy” tuốt. Đương nhiên “tùy” chưa hẳn tất cả là xấu...

Có một từ được sử dụng khá phổ biến, trong nhiều tình huống đều có thể áp dụng suôn sẻ, đó là “tùy”. Dường như trong cuộc sống, cái gì, việc gì người ta cũng đều có thể “tùy”: “Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”, “Tùy cơ ứng biến”, “Tùy nghi di tản”... Và rồi còn tùy thích, tùy tiện, tùy người, tùy việc… 

Nghĩa là mọi chuyện lớn bé, to nhỏ, cứ dựa vào ý chí chủ quan cá nhân mà định đoạt, không có rào cản, cấm kỵ. Sự “tùy” đôi khi có ý thức mục tiêu rõ rệt, đôi khi lại như vô thưởng vô phạt. Chính trong cái phóng khoáng vô biên của “tùy” nên từ đây sinh ra vô vàn tốt xấu, lợi cũng có mà hại cũng khôn lường, thế mới phiền phức, mới rối tinh, không biết đâu mà lần…

Thời chiến tranh, một đại đội bộ binh trên đường tiếp cận căn cứ địch, bị lộ, cả đơn vị lọt vào giữa vòng vây. Cấp trên ra lệnh “án binh bất động”, chờ lực lượng giải vây. Đơn vị chấp hành mệnh lệnh. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần, hai tuần. Quân chi viện “biệt vô âm tín”. Địch tăng cường vây rát, quân ta thương vong nhiều, đói, sốt, vũ khí đạn dược vơi cạn. Trong lúc gay cấn, đơn vị tự cứu lấy mình, đột phá vòng vây… Sau này nghe kể lại, lần ấy thương vong cũng khá nhưng nếu máy móc “y lệnh” thì "xóa sổ" cả đơn vị là hiển nhiên… Trong trường hợp sống chết chỉ là gang tấc, việc “tùy cơ ứng biến” thật đáng khen. 

Một chuyện khác, hồi năm 2000, tôi được chứng kiến tổ công tác của Chính phủ sang Liên bang Nga dàn xếp về khoản nợ nhiều năm trước đây. Về mặt nguyên tắc “vay thì phải trả” và “vay gì trả nấy”. Nhưng do được giao “tùy” xử lý, tổ công tác linh hoạt, thu được kết quả lớn. Nga đồng ý xóa phần lớn khoản nợ cho ta, số còn lại chuyển sang tài trợ các lĩnh vực khác. Đó là một kết quả hiếm có trong ngoại giao.

Thực tế cho thấy, cuộc sống càng sinh động thì cái sự “tùy” càng đa dạng phong phú và từ đó cũng nảy sinh muôn vàn biến báo. Dường như, cái sự “tùy” đã được phổ cập khắp nơi như không có giới hạn và cũng như không luật lệ nào ngăn cấm. Người ta không chỉ tùy trong các quan hệ hàng ngày mà sự “tùy” còn được rốt ráo áp dụng trong làm ăn kinh tế, chạy chức chạy quyền. 

Ví như, thời bao cấp một doanh nghiệp muốn có quota xuất khẩu nhiều hay ít, lập tức người ta nghĩ ngay đến việc “tùy” đơn vị ấy có “quan hệ” thế nào. Một công ty muốn nhận thầu một dự án màu mỡ, nhiều tiền, đương nhiên phải “tùy” vào khả năng “phong bao” nhiều hay ít. Một cán bộ yếu kém năng lực nhưng lại khát khao thăng tiến, nếu anh ta không phải là người có tài “bắt rắn thổi kèn” siêu giỏi thì chí ít cũng là tay lão luyện trong chuyện “tùy thời”. Người trung nghĩa, tài đức bằng mấy mà không biết cách “tùy” thì trước sau cũng bật ra ngoài cơ chế…

Tranh minh họa.                                                                                                                               Nguồn: INTERNET

Nói về chuyện “tùy” ở thời này thì vô thiên lủng và không bút mực nào ghi hết. Nhưng có chuyện “tùy” mà tôi nghe một lần cứ nhớ mãi. Ấy là câu chuyện do một ông là chủ doanh nghiệp có máu mặt kể lại. Chuyện rằng: Trong một lần đi công tác lên miền núi khảo sát một dự án kinh tế lớn. Một quan chức chóp bự ngồi "chén chú chén anh" với mấy doanh nhân tham gia đấu thầu dự án tầm cỡ trên. 

Dự án này nếu thực hiện đúng địa điểm như thiết kế ban đầu, thì doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền lớn đền bù cho dân. Nhân lúc rượu vào lời ra, chủ doanh nghiệp này rót hai ly đầy chúc quan chức chóp bự. Rượu xong, anh chủ doanh nghiệp tặc lưỡi: Hãy dẹp cái địa điểm cũ đi anh ạ, chuyển dự án sang địa điểm khác không có dân, dự án làm lại một tý nhưng đỡ tốn tiền đền bù mà lại khỏi dây dưa phức tạp… Thế là chóp bự gật gù. Chuyện nhỏ ấy mà, có gì quan trọng đâu. Dự án quan trọng ngay lập tức được quyết định di chuyển trên bàn nhậu theo ý muốn của nhà doanh nghiệp. 

Vậy là ôi thôi... Bao công sức của các kỹ sư thiết kế, các nhà chuyên môn, rồi tiền của bỏ ra đầu tư điều tra khảo sát, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án thiết kế thi công, chỉ trong nháy mắt đã tiêu tan. Hỏi, người ta trả lời: Chuyện nhỏ ấy mà, mất vài chục tỷ chứ vài trăm tỷ cũng đáng gì so với công trình hàng ngàn, hàng ngàn tỷ. Họ quên rằng vài chục tỷ, vài trăm tỷ ấy là tiền thuế của hàng triệu người dân lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt chắt chiu đóng góp cho chính quyền này. Chỉ trong cơn “tùy hứng” mà làm thế ư?… Mà xử lý cứ như trẻ con chơi trò cá cược thì có đáng sợ không, có nguy hại không?...

Xem ra, thời này là thời của những chuyện “tùy”. Thôi thì các loại “tùy”. Làm cái gì cũng cứ là “tùy” tuốt. Đương nhiên “tùy” chưa hẳn tất cả là xấu. Vì “tùy” vốn là thuộc tính người “đói thì ăn khát thì uống”, đơn giản vậy thôi. Nhưng mọi sự cứ “tùy”, chuyện quốc gia đại sự cũng cứ “tùy”.  “tùy” lợi ích phe nhóm, “tùy” cách chơi, cách sống, “tùy” ý thích, tùy tiện, tùy hứng lung tung thì có ngày thành món... thắng cố biết chừng…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top