Không chờ hết tháng Tư, hoa sấu nhỏ li ti trên đường Phan Đình Phùng, Bà Triệu đã bắt đầu rụng như rắc muối trên lối đi. Không giống hoa cơm nguội không hương sắc phía đường Yên Phụ, hoa sấu thơm dịu, phả hương chua mát để sang tháng Năm có thể ngước mắt nhìn thấy chùm sấu non.
Vẻ đẹp của hoa sấu không lay động như mùa lá đổ. Lá sấu vàng hay đánh thức ký ức, những tay máy săn ảnh đẹp hay chọn mùa lá vàng đổ xuống đường để bấm những khoảnh khắc vàng. Nhất là khi lá sấu cuốn theo gió, khi cuộn thành hình một chiếc sâu kèn bằng lá rõ to dưới chân. Bấm được những tích tắc ấy, ảnh đẹp ấy, là phút giây thăng hoa nhất của nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà Nội.
Ảnh: Internet
Ảnh đẹp cũng là bụi vàng, bụi thời gian. Mới đây, tôi có một người bạn tên Tùy, mới từ một nước Bắc Âu về thăm Hà Nội, lại đi tìm một thứ bụi vàng trên phố theo cách của bà. Bà Tùy, nhà ở gần bốt Hàng Đậu xưa, sau theo chồng con đi mòn gót trời Âu, Bắc Âu, cuối cùng chỉ mong trở về chốn cũ tìm lại những ký ức vàng mà thôi. Nhớ lại những mảnh đời, mảnh nghề đây đó, vì ai cũng có thời thiếu nữ, vì ai cũng có thời trai trẻ.
Nhưng khi trượt tới bến cuối đời người, bà Tùy biết quỹ thời gian của mình hạn hẹp, với một căn bệnh tim được báo trước, có thể đi vắng bất chợt. Bà chọn cách trở lại Hà Nội, giống như chiếc lá rơi về cội, giống như xem lại "Phố Phái" không phải trong hội họa, mà tìm về phố xưa? Những gì còn lại hay đánh mất trong trái tim của bà? Bà Tùy đi tìm gì, hóa ra là tìm bụi vàng trên chiếc cân tiểu ly nơi phố Hàng Cân.
Bà Tùy đi bộ hết phố Phan Đình Phùng, qua chợ Hàng Mã, tìm về phố Lò Rèn còn nguyên một cái bễ góc phố, rồi đi xuống phố Hàng Cân, qua đình Đông Môn - đình xưa lâu lắm rồi bị ẩn khuất sau phố. Trước kia chỗ này có một cửa hàng bé tin hin, dùng bán cân tiểu ly của ông Nguyễn Đình Dũng từ năm 2000, đã dẹp bỏ từ lâu. Ông Dũng vốn là con trai cụ Nguyễn Đình Nghiên, người duy nhất làm cân tiểu ly ở giữa thế kỷ XX. Cân tiểu ly để bán cho các cửa hàng kim hoàn cân vàng.
Đấy là khoảng năm 2000, năm 2001. Năm đó bà Tùy về nước, vẫn còn gặp ông Dũng làm cân tiểu ly. Giờ thì ông Dũng không rõ còn hay mất và phố Hàng Cân chẳng có ai làm cân tiểu ly nữa. Cái nghề làm cân tiểu ly không thể công nghiệp hóa cho được vì cần độ chính xác, đòi hỏi sự tỉ mỉ tới từng mi-li-mét. Xưa kia, ông Nguyễn Đình Dũng có nói với bà Tùy về việc mua đồng lá ở phố Hàng Đồng để làm đĩa cân, riêng cán cân tiểu ly phải làm bằng gỗ mun đặt mua mãi tận Sài Gòn. Rồi phải đi tìm kiếm mua cả thiếc trộn với thủy ngân để dùng cho việc “chấm” trên cán cân tiểu ly, dây cân tiểu ly phải làm bằng chỉ tằm mua ở làng Đơ Đồng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Dẫu chỉ là cái cân tiểu ly có trọng lượng từ 1 gam đến 500 gam, làm xong nếu thử nặng hay nhẹ tay một ly là tuột đi một khắc. Phải bỏ cân, bỏ bao công sức, tiếc lắm. Ấy vậy mà người “phố Hàng” vẫn đặt mua cân để cân nhân sâm, thuốc bắc, các loại thuốc độc dược khác, rồi đến việc cân bạc hay cân vàng đều cần dùng đến cái cân này. Nghe nói, những người đi đào vàng ở Thái Nguyên, Nghệ An hay Yên Bái đều tìm đến ông Dũng mua cân tiểu ly trên phố Hàng Cân. Bây giờ thì Hà Nội đã mất đi người làm cân tiểu ly duy nhất, cân để cân những hạt bụi vàng ký ức của bà Tùy... Bà cứ tiếc nghề làm cân tiểu ly mà không có ai kế thừa. Thật tiếc xót biết bao cho một Hà Nội cổ xưa, cho nghề thủ công 100% cân tiểu ly phố Hàng Cân.
Đi ngược lên một chút, rẽ phải sang phố Hàng Bạc, phố hàng vẫn còn những người làm nghề chạm bạc. Ngôi nhà cổ số 114 của bà Hoàng Thị Khuê, con dâu cụ Nghĩa Lợi xưa vẫn giữ được nếp nhà cổ. Đây là ngôi nhà lâu đời nhất phố Hàng Bạc. Anh Trịnh Minh Thắng, cháu nội cụ Nghĩa Lợi vẫn làm nghề chạm bạc. Vốn là con nhà nòi, bà nội của anh, cụ Nghĩa Lợi từ miền đất Châu Khê, Hưng Yên đã sang Hà Nội buôn bán và làm nghề chạm bạc từ khi chưa giải phóng Thủ đô, trước năm 1954.
Theo sử sách lưu trữ, vào cuối thế kỷ XV, ông Lưu Xuân Tín thời đó làm đến chức Thượng thư Bộ lại, từng được Nhà Vua cho phép xây lên xưởng đúc bạc nén, bạc đĩnh ở miền đất Kinh thành Thăng Long. Chính ông đã đưa 5 giáp từ quê Hưng Yên sang đất Kinh Kỳ, đó là: giáp Nhất, giáp Nhị và giáp Đông, Tây, Trung về lập nghiệp ở phố Hàng Bạc. Sau đó, dân Đồng Xâm (Thái Bình) cũng lên Hàng Bạc làm bát đĩa chạm bạc; người Định Công Thượng (Thanh Trì, Hà Nội) cũng lên phố làm thuê đồ kim hoàn.
Sau rất nhiều thế kỷ trôi qua, sau rất nhiều mùa lá sấu đổ vàng trên phố Phan Đình Phùng, phố Hàng Bạc gần đó vẫn tồn tại và giữ được nghề kim hoàn, nghề bạc, nghề đổi tiền tệ. Việc đổi tiền tệ không phải như ngày xưa, cửa hàng phố nghề chuyên trao đổi bạc nén, bạc đĩnh mà giờ đây được thay thế bằng ngoại tệ gồm: Đô la, tiền Yên, đồng Euro…
Những món nữ trang tinh xảo, mỹ nghệ bạc khác được truyền lại cho con cháu như cụ Tú, cụ Phạm Đình Tân (cửa hàng bạc Tân Dung) rồi cụ Phạm Đình Dậu cũng từng rất nổi tiếng ở thế kỷ trước. Đến nay, phố vẫn còn giữ nghề, có thể gọi là phố nghề. Người mua đến đây còn có thể đặt theo sở thích cá nhân. Người Hà Nội cũ, các bà hay đặt những loại ống vôi, dây chuyền, vòng tay, vòng chân, xuyến, đạt đến kỹ nghệ tinh xảo của chạm bạc. Thời xưa, bạc dùng đánh kiềng hay vòng cổ có trọng lượng khá dày, nặng tới 5 lượng bạc, nữ trang nhỏ cũng đến 2 lượng.
Phố Hàng Bạc có lẽ là phố hàng có nghề cổ truyền lâu năm nhất kinh thành. Nhưng bác Hoàng Thị Khuê cho hay, vào năm 1956 - 1960 của thế kỷ XX, nghề bạc cũng bị ngắt quãng trong thời kỳ nhà nước chuyển đổi sang công tư hợp doanh. Nghề bạc đã không sống nổi trong khoảng thời gian này. Anh Trịnh Minh Thắng và những người thợ bạc trong phố phải đi làm thợ dệt, thợ giấy kiếm sống qua ngày.
Thời đó, chỉ có ông chủ Phạm Đình Tân ở cửa hàng vàng bạc Tân Dung phố Hàng Bạc vẫn có người chuyên nhận đánh lắc, vòng. Tuy có năm đóng cửa vì vắng khách, con cháu ông Tân vẫn giữ được nghề ngay cả khi thất bát.
Không giống như phố nghề, làng nghề ở Triều Khúc làm chổi lông gà còn xuất đi Tây mới hay. Người Việt vẫn có thói quen dùng chổi lông gà hay phất trần để dọn ban thờ, sập gụ, tủ chè. Có người thì lại không dùng chổi lông gà để phất bụi mà chỉ treo góc nhà, để nhớ quê kiểng mà thôi.
Ngay cả cái nghề làm chân chỉ hạt bột của cụ Nguyễn Thị Dằng cũng đã biến mất khi nghề làm ô lọng, y môn treo ở gian giữa đình và chùa không còn nữa. Bà Tùy về chơi làng lần này, còn nhớ cả việc đan và thêu các bức rồng phượng ở làng Triều Khúc. Khi cụ Dằng mất thì nghề cũng mai một hẳn. Không còn người ở cung đình Huế xưa, không còn người ở miền Trung hay Sài Gòn ra làng Triều Khúc đặt chân chỉ hạt bột nữa.
Thời gian đã nhòa mờ bao nghề thủ công ghi vào ký ức bà Tùy, người là khách của quê nhà, phố hàng. Bà tìm về Hà Nội để nhặt nhạnh ký ức bỏ quên trên phố, bỏ quên nơi làng quê có tiếng chuyên nghề làm chổi lông gà. Tuy làng lên phố nhưng vẫn còn duy trì được một vài nhà làm chổi lông gà, thế cũng gọi là bụi vàng của làng đấy nhỉ?
Bà Tùy vào nhà ông Nguyễn Huy Dễ ở làng Triều Khúc từ lần về nước trước, hồi năm 2000, cốt chỉ để mua một chiếc phất trần nhỏ, một chiếc chổi lông gà làm kỷ niệm tận xứ Bắc Âu. Thân vùi trong tuyết của phận xa xứ, biệt ly, chuyến đi này đã làm cho bà Tùy ngoảnh lại một thời từng sống, từng bỏ xa Hà Nội. Chuyến đi cuối của lữ khách Việt tìm về quê hương chỉ để được nhấp cốc sấu đá vỉa hè, thấy mùa hoa sấu và những chiếc lông gà nhuộm đủ màu ở làng Triều Khúc vẫn chập chờn bay trong mỗi bước đi.
Hoa sấu non đang rụng, nó rơi cùng với gió tháng Tư mùa dịch Covid. Rồi ít ngày nữa, bà sẽ trở lại xứ người, nằm lại đất quê người, mùa lá sấu vàng sẽ cuộn như chiếc sâu kèn trên phố những năm sau. Cũng một kiếp người xa xứ trở về Hà Nội, chỉ là nhặt nhạnh những bụi vàng xưa trên cán cân tiểu ly phố Hàng Cân, hay một chiếc ống vôi bằng bạc của mẹ cho đến giờ vẫn giữ.
Sau rất nhiều mất được trong đời sống, hình như vật chất nhà cửa, xe sang với bà Tùy chẳng có gì đáng giữ bằng những hiển hiện vô hình của phố, nghề ở Hà Nội. Những người “muôn năm cũ” là những hạt bụi vàng mà bà Tùy thấy mình luôn giàu có, vô chừng. Tài sản của bà, có dãy phố Hà Nội để nhớ, để ghi chép và truyền lại cho con cháu ở phía trời Âu, dù phận có trượt dài trong visa người Việt về thăm quê đấy!