Bữa ấy, phóng viên theo cụ đi hết phường, quận, rồi Văn phòng quản lý đất đai thành phố, rồi những gương mặt những công chức liên quan hiện lên màn hình (chắc là quay lén), lạnh lẽo có, lúng túng có, chân tình và thông cảm cũng có... Để rồi kết cục lại là một lời hẹn.
Khi phân tích vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là do tại các cơ quan công quyền này đã không thực hiện việc công khai, minh bạch những thông tin về thủ tục cần thiết cho người dân, khiến người dân phải đi lại nhiều lần mà không có kết quả.
Tuy nhiên, chuyện cũng không đơn giản như vậy.
Ai cũng biết rằng mỗi cái sổ đỏ là một tài sản quan trọng của mỗi gia đình. Mặc dù hệ thống luật pháp xung quanh cái sổ đỏ đã tầng tầng lớp lớp, nào là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, rồi Luật Kinh doanh BĐS, Luật Dân sự... nhưng cũng không thể đáp ứng thỏa mãn yêu cầu của cuộc sống khi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Xin nêu 2 ví dụ về cảnh đời và sự ứng xử của các cơ quan có thẩm quyền xung quanh cái sổ đỏ.
Đầu tiên là câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Tuân, cán bộ quân đội nghỉ hưu, hiện trú tại số nhà 14 phố Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Để làm được cuốn sổ đỏ cho gia đình mình, “khổ chủ” nọ đã phải chạy khắp các cửa suốt 8 năm trời, viết không biết bao đơn khiếu nại, gặp gỡ không biết bao nhiêu lần với các cơ quan công quyền, có cả những cuộc đối thoại công khai, vậy mà vẫn chưa đâu vào đâu.
Cứ ngỡ mọi nguồn cơn là do sự thiếu hiểu biết pháp luật từ người dân, nhưng khi tìm hiểu kỹ, thì ra lại xuất phát từ những khiếm khuyết của các cơ quan công quyền.
Cuối năm 1990, Cty ăn uống và dịch vụ Từ Liêm có công văn đề nghị UBND huyện Từ Liêm xin bán thanh lý một số gian nhà kho và văn phòng của công ty tại cửa hàng ăn uống Nông Lâm để trả nợ. UBND huyện chấp nhận và ra quyết định số 20QĐ-UB ngày 15/01/1991 do Chủ tịch Ngô Văn Nâu ký. Gia đình ông Tuân là một trong 9 hộ được mua.
Hợp đồng mua bán diễn ra đúng các quy định của pháp luật. Để bảo đảm tính pháp lý cho các gia đình, Cty đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và nộp thuế trước bạ “cả gói” cho 9 gia đình tại Chi cục thuế Từ Liêm, phiếu thu số 005531 ngày 29/1/1991, có danh sách mỗi hộ kèm theo.
Nếu chiểu theo các quy định của pháp luật thì mặc nhiên, gia đình ông Tuân được cấp sổ đỏ bởi các lẽ: thứ nhất là hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp, thứ hai là đã làm nghĩa vụ nộp thuế trước bạ và đóng thuế sử dụng đất từ ngày đó đến nay, tiếp nữa là đã sử dụng từ năm 1991 và các gia đình trong khu vực sống yên ổn, không xảy ra bất cứ một tranh chấp nào.
Thế nhưng kể từ năm 2007, khi gia đình ông Tuân kê khai xin cấp sổ đỏ mà đến nay vẫn chưa được.
Trong cuộc đối thoại gần đây với gia đình ông Tuân, không hiểu tại sao có một câu hỏi mà các cơ quan chức năng ở Bắc Từ Liêm chưa giải đáp được: Nhà ông Tuân hiện là nhà riêng, nhà tự quản hay nhà thanh lý?
Câu chuyện thứ hai xảy ra tại phường Ngô Mây (thị xã An Khê, Gia Lai).
Gia đình bà Vương Thị Hương Lan ở trên mảnh đất của cha ông để lại từ thời trước giải phóng. Ngôi nhà của gia đình xây dựng đã lâu năm, một phần xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm luôn luôn rình rập.
Nay về già, nhờ con cái giúp sức, bà có cơ hội đập bỏ nửa ngôi nhà cũ, xây lại ngôi nhà cấp 4 mới nhỏ hơn. Thế là chính quyền phường đến lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ, “dọa” nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Lý do mà các “bản nha” đưa ra là mảnh đất của bà chưa được cấp sổ đỏ. Lý do chưa được cấp sổ đỏ là do giấy tờ chứng minh đất đai của chính quyền cũ cấp đứng tên một người, nay người sử dụng và sửa nhà là tên một người khác mà không có một giấy tờ thừa kế nào để lại.
Nghe thoáng qua thì thấy có lý, nhưng soi kỹ vào chủ trương, chính sách và các quy định pháp luật của Nhà nước thì thấy rằng, quyền lợi hợp pháp của người dân đang bị vi phạm.
Lẽ thứ nhất, theo quy định về thừa kế, người thừa hưởng không nhất thiết phải có di chúc, mà có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật. Gia đình bà Lan là con ruột của người chủ mảnh đất thì việc tiếp tục được sử dụng mảnh đất ấy được pháp luật bảo hộ.
Lẽ thứ hai, ngôi nhà cũ được xây và tồn tại trên mảnh đất đã hơn 20 năm không có tranh chấp. Quyền sửa chữa là của người dân. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ về mặt pháp lý và tư vấn kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho bản thân gia đình và các hộ liên quan, chứ không thể cấm đoán.
Lẽ thứ ba,việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cấp chính quyền địa phương. Việc này trăm sự đều trông cậy vào sự giỏi giang và cái tâm của các “bản nha”.
Đấy, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” là như thế! Vậy nên khắc phục tình trạng trên đây như thế nào?
Cách đây khoảng 15 năm, trước những lúng túng trong quản trị doanh nghiệp của nhiều doanh nghiệp, tôi cùng luật gia Vũ Xuân Tiền đã cùng biên soạn một cuốn sách dày khoảng 500 trang có tựa đề “500 tình huống quản lý và các quy định của pháp luật khi xử lý”. Trong cuốn sách có rất nhiều chương, từ bắt đầu thành lập cho đến các tình huống xử lý từng chuyên môn cụ thể. Chẳng hạn, việc to như “Khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị” đến việc nhỏ như “Khi buộc thôi việc nhân viên”... Sách được đông đảo doanh nghiệp khi ấy hoan nghênh và bán rất chạy.
Nay cái chuyện sổ đỏ nó phức tạp như vậy, xin có một sáng kiến nhỏ đề đạt với Bộ Tài nguyên & Môi trường rằng, nên xuất bản một cuốn sách tương tự về các tình huống có thể xảy ra khi người dân đến làm thủ tục cấp sổ đỏ.
Cuốn sách ấy vừa có chức năng phổ biến kiến thức pháp luật, vừa công khai thủ tục và trình tự hành chính, lại vừa tư vấn cho không chỉ người dân mà còn cho ngay cả cán bộ thừa hành tìm được con đường hoàn thành công vụ ngắn nhất.