Aa

BRT và năng lực lắng nghe

Thứ Bảy, 22/09/2018 - 06:01

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, tuyến BRT đã không đạt được hiệu quả như mong đợi, mặc dù được đầu tư hơn 1000 tỷ đồng. Mới đây, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến đấu thầu và triển khai gói thầu trong dự án BRT. Có lẽ mọi chuyện sẽ diễn ra theo một chiều hướng khác nếu như ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành về dự án BRT không bị ngó lơ.

Dự án BRT ngay từ khi còn trong "trứng nước" đã gặp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia giao thông, quy hoạch, kiến trúc liên quan đến tính hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, tuyến BRT vẫn tiếp tục được triển khai và chính thức đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1000 tỷ đồng. Sau gần 2 năm thông tuyến, BRT đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Không những thế, mới đây TTCP còn chỉ ra hàng loạt sai phạm của nhà thầu và chủ đầu tư - Sở Giao thông vận tải Hà Nội gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao ý kiến đóng góp của các chuyên gia về dự án BRT không được ghi nhận? Cơ quan quản lý đang gặp vấn đề về "năng lực lắng nghe" hay bị chi phối bởi lợi ích nhóm?

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia: PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế; ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT (Đại học GTVT) và luật sư Vũ Quang Bá - Công ty Luật TNHH Khải Hưng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

PV: Sau gần 2 năm dự án BRT đi vào hoạt động, trên góc độ của một nhà quy hoạch giao thông đô thị, ông Vũ Anh Tuấn đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của dự án BRT?

Ông Vũ Anh Tuấn: Để đánh giá một dự án thành công hay không thì chúng ta phải nhìn nó chi tiết hơn và đánh giá nó bằng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật ví dụ như: So với xe buýt thường thì xe buýt nhanh có thời gian lưu thông, vận tốc lưu thông tại các hành lang này lớn hơn so với xe buýt thường đặc biệt vào giờ cao điểm. Mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận dưới góc độ của những nhóm sử dụng khác nhau. Mỗi nhóm sẽ có câu trả lời khác nhau về lợi ích của dự án BRT.

Để tính hiệu quả của dự án giao thông tổng thể, chúng ta phải tính bài toán bù trừ giữa lợi ích của nhóm này được nâng lên, lợi ích của nhóm này giảm đi thì tổng lợi ích là tăng hay giảm. Có như vậy, ta mới đánh giá được dự án này có hiệu quả hay không. Cần phải có đánh giá mang tính khoa học, dự án thành công hay thất bại sẽ được thể hiện bằng các chỉ tiêu kinh tế xã hội.

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, tuyến BRT 01 đã không đạt được hiệu quả như mong đợi, mặc dù được đầu tư hơn 1000 tỷ đồng

Dự án BRT đã không đạt được hiệu quả như mong đợi, mặc dù được đầu tư hơn 1000 tỷ đồng

PV: Như vậy để kết luận một dự án thành công hay thất bại cũng như mức độ hiệu quả của nó tới đâu sẽ phải cần tới các chỉ tiêu về kinh tế xã hội. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, dự án BRT vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu. Theo ông Vũ Anh Tuấn, vì sao lại như vậy?

Ông Vũ Anh Tuấn: Theo tôi, lý do khiến nhiều người cho rằng dự án BRT chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu xuất phát từ một số nguyên nhân. Hệ thống xe buýt nhanh của chúng ta chưa hoàn chỉnh kể cả về dịch vụ, năng lực xe buýt nhanh cho đến tính kết nối của trên toàn hệ thống, kết nối trên trục hành lang đó với các hành lang khác.

Vùng phục vụ vẫn nằm khá xa với hành lang của xe buýt, vị trí của xe buýt. Ở đây chúng ta thấy, chỉ có dọc đoạn đường Lê Văn Lương là có khả năng tiếp cận nhà ga xe buýt nhanh thuận lợi. Còn lại, người dân muốn tiếp cận xe buýt nhanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người Việt Nam ngại đi bộ với khoảng cách xa. Ở khoảng cách 300 mét họ có thể chấp nhận được nhưng xa hơn họ có nhu cầu sử dụng loại hình trung chuyển khác để tới bến xe buýt hoặc sử dụng phương tiện cá nhân.

Để làm được điều này thì buộc phải có nhà ga xe buýt nhanh hoặc xunh quanh nhà ga phải có bãi đỗ xe để người dân tham gia giao thông công cộng. Nhưng việc bố trí bãi đỗ xe hiện nay là bất khả thi bởi quỹ đất xung quanh hành lang tuyến buýt nhanh hầu như đã sử dụng hết cho các loại hình chức năng khác.

Chúng ta chưa có hệ thống hỗ trợ giao thông là do quy hoạch giao thông đang được tích hợp, lồng ghép với phát triển đô thị. Có nghĩa rằng, chúng ta quy hoạch tuyến BRT nhưng những không gian tiện ích nào phải đi cùng BRT lại chưa được tính tới. Không gian về sử dụng đất như thế nào để cung cấp cho dịch vụ công cộng thì chúng ta cần phải tính đến ngay từ bước quy hoạch.

Dòng phương tiện bủa vây BRT trong giờ cao điểm tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu. Ảnh: Minh Nguyễn

Dòng phương tiện bủa vây BRT trong giờ cao điểm tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu. Ảnh: Minh Nguyễn

PV: Trở lại với hàng loạt sai phạm trong dự án BRT vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, trong đó sai phạm chủ yếu đến từ khâu đấu thầu và triển khai các gói thầu. Theo các chuyên gia đây có phải là sai phạm phổ biến trong các dự án xây dựng - giao thông hiện nay? Cơ quan chức năng nên có biện pháp xử lý cụ thể như thế nào?

Luật sư Vũ Quang Bá: Đối với các dự án đầu tư xây dựng - giao thông hiện nay việc vi phạm quy định đấu thầu, chậm tiến độ dự án diễn ra khá phổ biến. Có thể lấy ví dụ điển hình là dự án đường sắt trên cao đã chậm tiến độ rất nhiều năm dẫn đến dự án bị đội vốn rất nhiều. Với những sai phạm trong các lĩnh vực nêu trên, hiện nay đều có quy định pháp luật ràng buộc như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn đi kèm.

Đối với các vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, tùy từng sai phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự 2015 đã có quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như đối với một số hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; gian lận trong đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Mức xử phạt thấp nhất đối với tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Đối với hoạt động thi công chậm tiến độ, cần rà soát hợp đồng với nhà thầu trong việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại khi dự án chậm tiến độ đã cam kết. Đồng thời, nếu có dấu hiệu hình sự có thể xem xét trách nhiệm của các cá nhân về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng qua một số hành vi như: Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng; lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.

Những sai phạm cũng như các cá nhân, tổ chức sai phạm và số tiền thất thoát của Nhà nước đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại Kết luận thanh tra. Sai phạm và hậu quả thiệt hại đã rõ, tôi cho rằng Thanh tra Chính phủ tiếp tục chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ sai phạm của từng cá nhân để xử lý theo quy định. Các tổ chức, cá nhân mắc sai phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc truy thu tiền đã hưởng lợi bất chính từ hành vi trái pháp luật khi thực hiện dự án.

Luật sư Vũ Quang Bá - Công ty Luật TNHH Khải Hưng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Luật sư Vũ Quang Bá - Công ty Luật TNHH Khải Hưng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

PGS.TS Ngô Trí Long: Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án BRT ở Hà Nội có 2 sai phạm lớn: Thứ nhất là vi phạm về Luật Đấu thầu. Thứ hai là gây lãng phí hàng chục tỷ đồng. Chung quy lại của mọi sai phạm là gây lãng phí, thất thoát tiền của. Trong vi phạm đấu thầu, Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, kế hoạch đầu thầu không đồng bộ, gói thầu thiếu hợp lý khi chia nhỏ, phải bổ sung nhiều lần. Từ đó dẫn tới tiến độ đấu thầu chậm, tiến độ triển khai thực hiện công trình cũng bị chậm. Càng để chậm trễ càng gây thất thoát của cải lớn, trong đó chưa kể các sai phạm khác.

Số tiền thiệt hại đã được Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Đằng sau sự lãng phí và thất thoát lớn thì cần rút ra bài học là gì? Trong khâu tổ chức bị hổng thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm sai phạm. Chúng ta cần phải chỉ rõ sai phạm là gì, mức độ sai phạm ở đâu để có hình thức xử lý cho thật nghiêm. Đây mới là vấn đề quan trọng. Không những người thực thi mà ngay cả cơ quan quản lý giám sát cũng phải xử lý. Một dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, đây là con số không hề nhỏ, do đó những đơn vị tổ chức thực hiện chậm trễ, vi phạm Luật Đấu thầu càng cần phải xử lý nghiêm minh.

PV: Theo như luật sư Vũ Quang Bá đã đề cập ở trên, chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật ràng buộc như Luật đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn đi kèm, vậy theo các chuyên gia tại sao các thành phần tham gia dự án BRT vẫn cố tình vi phạm? Phải chăng đang tồn tại những lỗ hổng trong luật pháp, lỗ hổng trong quản lý hay lỗ hổng nằm trong chính nhận thức, hành động của một bộ phận cán bộ?

PGS.TS Ngô Trí Long: Vấn đề đặt ra không phải do luật sai, mà luật đúng nhưng con người tổ chức thực hiện chưa đúng. Điều này thể hiện ý đồ cá nhân và xuất hiện nhóm lợi ích. Bởi rõ ràng, những đơn vị tham gia dự án BRT không tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ví dụ trong gói thầu CP08, chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu, lấy giá xe nhập khẩu áp cho giá xe trong nước. Hai mức giá hoàn toàn khác nhau nhưng được lấy làm căn cứ để mời thầu. Chủ đầu tư còn tự ý thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí vượt so với hợp đồng đã ký, gây thất thoát của Nhà nước.

Luật sư Vũ Quang Bá: Tôi cho rằng, những sai phạm trong dự án BRT được kiểm tra, phát hiện quá muộn khi dự án đã được thực hiện xong, đi vào hoạt động. Do đó, việc ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc khắc phục không đảm bảo được triệt để. Nếu công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc ngay từ giai đoạn đầu dự án, có thể những thiệt hại cho ngân sách Nhà nước sẽ được hạn chế rất nhiều.

Nguyên nhân dẫn đến sai phạm không hẳn là do lỗ hổng luật pháp. Để xảy ra sự việc trên, tôi cho rằng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dự án còn chưa đảm bảo. Đồng thời, cũng xuất phát từ một phần không nhỏ từ nhận thức, hành động của mỗi cá nhân có chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện dự án.

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế

PV: Thưa PGS.TS Ngô Trí Long, ngay từ ban đầu, dự án BRT đã gặp phải sự phản đối nhưng cuối cùng dự án này vẫn được triển khai, hậu quả là BRT hoạt động kém hiệu quả, hàng loạt sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, tạo nên thiệt hại kép. Phải chăng "năng lực lắng nghe và tiếp thu ý kiến" của cơ quan có thẩm quyền vẫn đang bị bỏ ngỏ?

PGS.TS Ngô Trí Long: Ngoài vấn đề tổ chức thực hiện sai, ngay từ đầu, định hướng và chủ trương của dự án BRT đã không đúng. Thời điểm công bố thông tin, dự án đã gặp nhiều phản đối mạnh mẽ của các chuyên gia, những người có chuyên môn và công luận. Nhưng rốt cuộc, dự án BRT vẫn cố tình làm, nhưng làm lại không hiệu quả, gây thất thoát lãng phí. Cuối cùng, dự án BRT vẫn không giải quyết được mục tiêu đề ra trong việc tránh ùn tắc. Mật độ đường xá đã đông nhưng lại tạo ra một làn đường dành riêng cho xe.

Hai cái sai lớn rõ ràng thấy được: Thứ nhất là không lắng nghe, tiếp thu ý kiến của chuyên gia, người có kinh nghiệm mà tự đặt một mô hình học hỏi ở nước ngoài vào điều kiện ở Việt Nam. Thứ hai là cố tình làm sai, và hậu quả gây ra là hàng loạt vi phạm.

Nếu cho rằng dự án BRT Hà Nội là thí điểm, vậy thì không thể để tình trạng "thí điểm mãi" với sự thất thoát vô cùng lớn. Đã là thí điểm thì anh cần phải đánh giá hiệu quả của nó tới đâu. Nhưng cuối cùng, phải đến khi cơ quan thanh tra vào cuộc thì mới phát hiện ra các sai phạm. Bất kỳ một chính sách nào cũng phải có mục tiêu, nhưng mục tiêu của BRT Hà Nội đã không đạt được còn gây ắc tắc nghiêm trọng.

Cơ quan thanh tra cần xác định rõ lãng phí do khách quan hay chủ quan, tham ô ở đâu? Thất thoát có phải do nhóm lợi ích không khi mà người có chuyên môn góp ý nhưng vẫn cố làm để rồi hậu quả là rất nghiêm trọng. Xin nhắc lại một lần nữa, chúng ta phải có biện pháp xử lý răn đe rõ ràng, công ra công, tội ra tội thì mới khiến người vi phạm lấy đó là bài học để cảnh tỉnh.

Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Thiết kết: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top