Aa

“Thu giữ tòa nhà Saigon One Tower là tốt cho thị trường BĐS”

Thứ Ba, 22/08/2017 - 20:01

Trao đổi với Reatimes, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, việc thu hồi dự án là rất tốt cho thị trường, tạo điều kiện để tái khởi động dự án thông qua việc đấu giá dự án bị thu hồi để chọn nhà đầu tư mới.

Hôm qua (21/8), Công ty quản lý tài sản - VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tài sản bị thu giữ là Dự án Saigon One Tower. Được khởi công từ năm 2007, dự án được kỳ vọng sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM với độ cao 195 m, gồm 42 tầng cao và 5 tầng hầm, diện tích dự kiến khoảng 6.672 m2. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được khoảng 80% phần thô thì công trình này ngưng thi công từ 2011 đến nay.

Được biết, trước khi thu hồi dự án này, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng, bao gồm: Công ty Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty Đầu tư Liên Phát; Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng Minh Quân; Công ty Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) hiện đã lên trên 7.000 tỷ đồng.

Tòa nhà vừa bị thu hồi.

Tòa nhà vừa bị thu hồi.

Liên quan đến việc VAMC thu giữ dự án này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM về những vấn đề đặt ra.

PV: Thưa ông, hôm qua (21/8), VAMC đã tiến hành thu giữ tòa nhà Saigon One Tower để xử lý nợ xấu. Đây là lần đầu tiên thị trường BĐS Việt Nam xuất hiện việc làm này. Xin được hỏi quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu: Việc đó là xử lý nợ xấu theo chức năng. Cách làm này sẽ dẫn tới chuyện đấu giá tài sản. Việc thu giữ tài sản nợ xấu, sau đó đem đấu giá tài sản sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia theo cơ chế đã được Nghị quyết của Quốc hội thông qua.

Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực từ 15/8. Đây là hành động đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Khi VAMC thu hồi dự án này về quản lý, điều đó có nghĩa là tài sản này hiện nay đã sẵn sàng cho việc đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư khác. Việc đấu giá này được áp dụng theo cơ chế có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn số nợ. Hiện theo sổ sách, số nợ của công ty khoảng 7.000 tỷ đồng.

Việc thu hồi dự án là rất tốt cho thị trường. Thứ nhất, việc này giúp thực hiện cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội. Thứ hai, nó tạo điều kiện để tái khởi động dự án thông qua việc đấu giá dự án bị thu hồi để chọn nhà đầu tư mới.

Mặt khác, các bên có liên quan sẽ được giải quyết các khoản công nợ tại dự án một cách minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt hơn và tái khởi động dự án đắp chiếu. Dự án này là một trong bốn công trình làm xấu bộ mặt TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM.

PV: Thưa ông, hiện nay tình trạng khi mới bắt đầu xây dựng móng, chủ đầu tư đã đôn đáo huy động vốn từ khách hàng. Vậy việc thu hồi dự án này, quyền lợi của khách hàng góp vốn (những nhà đầu tư thứ cấp) sẽ được giải quyết thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu: Việc này quyền lợi của khách hàng vẫn được đảm bảo vì Nghị quyết của Quốc hội đã nói rõ các bên tiếp nhận dự án phải thực hiện các nghĩa vụ của chủ đầu tư trước.

Việc này giống như hoạt động đầu tư có rủi ro, do đó, đơn vị nào tham gia đấu giá dự án phải biết rằng mình có nghĩa vụ gì đã được công khai. Trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đã quy định rõ các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

PV: Việc thu giữ dự án để xử lý nợ xấu dự định sẽ được áp dụng trong 5 năm. Vậy ông dự đoán thế nào về kết quả của cách làm này?

Ông Lê Hoàng Châu: Trước đây tôi đã góp ý rất rõ cho vấn đề này cho dự thảo nghị quyết. Hiện nay, nợ xấu ước khoảng 300.000 tỷ. Đến năm 2020, con số này dự kiến lên tới 600.000 tỷ; trong đó 70% được bảo đảm bằng tài sản BĐS.

Do đó, với nghị quyết xử lý nợ xấu này, số tiền 300.000 tỷ đang là nợ xấu, tôi không kỳ vọng giải quyết được 100% nhưng sẽ đưa được khoảng 70% quay trở lại nền kinh tế; trong đó có khoảng 70% BĐS. Nếu làm được điều đó thì rất tốt cho nền kinh tế và tốt cho thị trường.

Khi đó thị trường BĐS tăng thêm nguồn cung và rõ ràng người tiêu dùng sẽ có lợi. Khi nguồn cung dồi dào thì đương nhiên giá sẽ rất cạnh tranh nên về tổng thể người tiêu dùng có lợi, nhà đầu tư thứ cấp có lợi.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017. Nghị quyết có hiệu lực trong vòng 5 năm, áp dụng đối với toàn bộ nợ xấu tính đến thời điểm trước khi Nghị quyết có hiệu lực (trước ngày 15/8).

Nghị quyết gồm 19 Điều và Phụ lục xác định nợ xấu, quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.

Nguyên tắc xử lý nợ xấu là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...Ngoài ra, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top