Trong chuyến công tác tại huyện Côn Đảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại buổi làm việc này, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xây dựng đề án phát triển Côn Đảo thành đặc khu, trở thành đảo tiền tiêu về quốc phòng an ninh; phát triển kinh tế biển, phát huy tối đa các tiềm năng, điều kiện thuận lợi, trọng tâm phát triển là du lịch tâm linh và sinh thái; phải xây dựng chính quyền đặc khu mang tính đặc thù; có cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở, bảo đảm vẫn quản lý tốt.
Theo Thủ tướng Chính phủ, hiện nay một trong những "nút thắt" chưa được tháo gỡ tại đây chính là vấn đề về hạ tầng, trong đó đặc biệt là sân bay Côn Đảo.

Cảng hàng không Côn Đảo dự kiến sẽ được nâng cấp lên thành cảng hàng không quốc tế. Ảnh: Internet
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, kêu gọi đầu tư bằng hình thức hợp tác công - tư để nâng cấp sân bay Côn Đảo thành cảng hàng không quốc tế.
Song hành cùng với đó là công tác phát triển hạ tầng y tế, văn hóa - xã hội; nâng cấp và chỉnh trang các nghĩa trang và sớm hoàn thành việc cấp điện lưới ra Côn Đảo đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh ngày 2/9/2025.
Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Viettel triển khai hoàn tất việc phủ sóng viễn thông trên toàn địa bàn Côn Đảo. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm quy hoạch, bảo đảm cung ứng ổn định và bền vững nguồn nước sạch cho huyện đảo.
Cùng với đó, Chính phủ cũng chỉ đạo xúc tiến xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công, khuyến khích các doanh nghiệp đến Côn Đảo đầu tư, đồng thời đề ra cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của địa phương.
Trước đó vào tháng 1/2025, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến phương án đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo. Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trình bày, Phó Thủ tướng đã thống nhất chủ trương đầu tư nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của tỉnh.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) phối hợp cùng UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chịu trách nhiệm nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo. Hồ sơ quy hoạch phải được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2025.

Côn Đảo từng lọt TOP 10 hòn đảo đẹp nhất hành tinh. Ảnh: Internet
Tại Công văn số 18960/UBND-VP ban hành ngày 20/12/2024, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiến nghị Thủ tướng xem xét phương án quy hoạch, đầu tư nâng cấp và mở rộng sân bay Côn Đảo theo hình thức đối tác công – tư (PPP), nhằm từng bước đưa sân bay đạt chuẩn quốc tế.
Theo đề xuất, toàn bộ dự án sẽ được đầu tư đồng bộ, bao gồm khu bay, các công trình bảo đảm hoạt động bay, hạ tầng thiết yếu của khu hàng không dân dụng và hệ thống dịch vụ hàng không. Mục tiêu là nâng cấp cảng hàng không đủ điều kiện tiếp nhận các dòng máy bay thân rộng như Airbus A320, A321, A350 và Boeing 787.
Căn cứ theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Côn Đảo được định hướng đạt công suất 2 triệu lượt khách/năm vào năm 2030 và khoảng 3 triệu lượt vào năm 2050.
Được xây dựng từ thế kỷ XIX, thời Pháp thuộc, sân bay Côn Đảo hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế nghiêm trọng về hạ tầng. Đường băng ngắn, chiều rộng chỉ 30m, bao quanh bởi địa hình núi và biển, khiến sân bay không đủ điều kiện khai thác tàu bay code C.
Hiện nay sân bay chỉ có thể phục vụ các loại máy bay nhỏ như ATR72 hoặc Embraer E190/E195 với tải trọng giới hạn. Việc này buộc các hãng hàng không muốn khai thác đường bay đến Côn Đảo phải đầu tư thêm dòng tàu bay riêng, cùng với chi phí đào tạo phi công, kỹ thuật viên... dẫn đến gia tăng đáng kể chi phí vận hành.
Bất chấp những hạn chế về hạ tầng, du lịch Côn Đảo vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê từ báo Bà Rịa – Vũng Tàu, trong năm 2024, Côn Đảo đón tổng cộng 586.000 lượt khách, trong đó có 24.000 lượt khách quốc tế – tăng 41% so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Sự gia tăng khách quốc tế phần lớn nhờ vào chiến lược quảng bá tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, cùng với nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường.
Trong tổng số khách quốc tế, có tới 14.521 lượt người tham gia các hoạt động trải nghiệm sinh thái đặc trưng của Côn Đảo như: Xem rùa biển đẻ trứng, thả rùa con về biển, lặn ngắm san hô, đi bộ xuyên rừng (trekking), cắm trại và tham gia tour đi bộ kết hợp nhặt rác, làm sạch môi trường biển – tạo nên sức hút bền vững cho du lịch sinh thái tại hòn đảo này.
Côn Đảo là quần đảo nằm ngoài khơi vùng biển Nam Bộ, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từng được biết đến như "địa ngục trần gian", nơi ghi dấu những câu chuyện bi thương nhưng đầy tự hào trong lịch sử oanh liệt của Việt Nam. Trở mình từ quá khứ đau thương, Côn Đảo ngày nay đang phát triển mạnh mẽ, trở thành "thiên đường thiên nhiên" với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, được vinh danh trong top 10 hòn đảo đẹp nhất hành tinh.