Aa

Sàn giao dịch bất động sản đìu hiu trong “cơn bão" cuối năm

Thứ Tư, 14/12/2022 - 06:28

Trong tháng cuối cùng của năm 2022, thị trường bất động sản đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhiều sàn giao dịch, văn phòng môi giới không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp mua bán như trước mà rất ế ẩm.

Thị trường thanh lọc

Dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, nguồn cung thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.

Tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2021. Dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại...

Báo cáo của VARS trong 9 tháng đầu năm cho biết, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào giao dịch, bằng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay, khoảng 30%.

Thị trường khan hiếm nguồn cung. (Ảnh minh hoạ: Reatimes)

Trao đổi với PV, anh N.T. Hùng - Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội cho biết, cuối năm 2019 sàn giao dịch có gần 40 nhân viên thì đến nay chỉ còn gần 10 người làm việc. Số nhân viên giảm đi không phải do sàn cắt hợp đồng lao động, mà do họ tự chấm dứt hợp đồng để chuyển sang làm công việc khác.

“Sàn chúng tôi cũng chỉ trả được lương cơ bản cho nhân viên, còn chủ yếu thu nhập là từ tiền hoa hồng khi bán được sản phẩm cho khách, nhưng nhiều tháng nay gần như không bán được căn hộ nào, đất thổ cư thì chỉ giao dịch bằng 15% so với đầu năm. Hiện những nhân viên còn lại chủ yếu là người nhà hoặc những nhân sự chủ lực nên cần phải giữ chân và sàn đang cố gắng lo cho được tháng lương thứ 13 để nhân viên có Tết”, anh Hùng than thở.

Anh P.V. Hoàng - một môi giới tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức cũng chia sẻ, thị trường khó khăn, tín dụng cũng bị thắt chặt trong khi giá nhà đất tăng cao nên không có khách mua, anh em môi giới phải xoay sang nghề khác đợi khi nào thị trường nóng mới tiếp tục hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của số đông thị trường. Đặc biệt, số lượng hàng tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp. Giá nhà, đất hiện tại đang bị đẩy lên quá cao, bỏ xa khả năng thanh toán của người dân.

“Trước tình trạng khó khăn như hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, cho nhân viên nghỉ việc bớt, để giảm áp lực tài chính, trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống”, ông Đính nói.

Sàn giao dịch ế ẩm

Ông Trần Trọng Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư AuLand hoạt động tại Hưng Yên cho biết, thời gian này thị trường đang sàng lọc các nhà đầu cơ không dùng đòn bẩy tài chính và các nhà đầu cơ dùng đòn bẩy và cả những người mua để ở nên tình hình giao dịch, thanh khoản đang rất kém. Lượng giao dịch nếu có thì chủ yếu ở các khu đấu giá giãn dân có giá thấp hoặc những lô đất chỉ bán giá cắt lỗ sâu.

“Giờ đa phần các công ty đều trong tình trạng ngủ đông, hoạt động cầm chừng, phần nhiều sale cũng tìm 1 công việc khác để có dòng tiền ổn định cho qua thời gian này. Hiện tại và thời gian tới công ty vẫn phải bám thị trường để chờ thời điểm thị trường nóng trở lại. Đồng thời, công ty cũng có chính sách giảm giá sản phẩm để kích cầu người mua nhưng cũng không hiệu quả. Do đó, để cầm chừng, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự, những nhân sự còn bám trụ cũng phải chịu cắt giảm lương để duy trì", ông Trung cho biết thêm.

Còn theo anh N.M. Cường, giám đốc một sàn môi giới bất động sản tại Móng Cái, lượng giao dịch đang đếm trên đầu ngón tay, 2 tháng nay chỉ có 12 giao dịch thành công và cơ bản là những lô cắt lỗ sâu. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư không gồng được lãi ngân hàng sẽ phải bán giá giảm khoảng 20 - 30% so với lúc đỉnh.

“Các giao dịch chủ yếu hiện nay đến từ những sản phẩm giá tốt của khách gửi và cần ra hàng. Cơ bản nhà đầu tư vẫn chờ bất động sản tiếp tục xuống giá”, anh Cường nói.

Trao đổi với Reatimes, ông Trần Mạnh Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Big Dream cho biết, tình trạng giao dịch tháng 12 này chậm hơn so với thời điểm này năm ngoái. Lượng giao dịch đang tập trung vào phân khúc nhà riêng lẻ, nhà phố.

Nhiều sàn bất động sản rơi vào tình trạng chậm giao dịch. (Ảnh minh hoạ: Reatimes)

“Ở bất kỳ ngành nghề lĩnh vực nào, sẽ đều có những chu kỳ lên xuống, có những thời điểm khó khăn hay thuận lợi, những thời điểm chuyển giao và quá độ... nên công ty luôn coi đó là những bước đệm của thị trường, của nghề, của chính công ty. Giai đoạn này chính là giai đoạn "lửa thử vàng" đối với nghề môi giới bất động sản nói riêng và ngành kinh doanh bất động sản nói chung”, ông Hoàn chia sẻ.

Ngoài ra, ông Hoàn còn cho biết thêm, "trong nguy có cơ" - trong nguy nan, chúng ta sẽ luôn tìm thấy cơ hội để bứt phá. Năm 2023 đã cận kề, công ty cũng đã chuẩn bị những chiến lược, mục tiêu và kế hoạch mới để thích ứng với mọi khó khăn của thị trường, của nền kinh tế. Đồng thời, chuẩn bị những nguồn lực, nhân tố sẵn sàng đón đầu sự phát triển bùng nổ trở lại của thị trường. Và nhân tố tiên quyết vẫn luôn là con người, lấy nhân sự làm trung tâm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top