Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam và Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2018 cả nước có khoảng 1.000 sàn giao dịch bất động sản, trong đó TP.HCM có khoảng 300 sàn, nhưng đến cuối năm 2019 do nguồn cung sụt giảm, các sàn bắt đầu “rơi rụng”, hoạt động vất vưởng nhưng chưa đóng cửa nhiều. Tuy nhiên đến giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát thì tình trạng đóng cửa các sàn môi giới bất động sản diễn ra ồ ạt, nhất là ở Đà Nẵng, Nha Trang gần như 90% đóng cửa. Hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản, tức hơn 300 sàn phải đóng cửa.
Ngoài ra, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Một số sàn vẫn còn hoạt động do còn hàng để bán khi có hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư từ trước.
Đại diện một sàn giao dịch cho biết, nếu như trước đây nhân viên kinh doanh chỉ cần tiếp cận 2 - 3 khách hàng có thể có người mua, còn nay tiếp cận 10 khách hàng cũng chẳng bán được. Các sàn nhỏ hiện nay đa số là “chết” hết vì không chịu nổi chi phí. Một số đang phải cắt giảm nhân viên, hoạt động cầm chừng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thời gian qua các công ty môi giới bất động sản được lập ra quá dễ dàng, khi luật quy định tối thiểu chỉ cần 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới là được thành lập công ty.
"Một công ty 500 môi giới nhưng chỉ cần 2 người có chứng chỉ là được hoạt động hợp pháp. Chính vì quá dễ nên nhân viên kinh doanh chỉ mới mon men vào nghề cũng ra lập công ty. Công ty không cần văn phòng, chỉ cần ngồi quán cà phê là có thể hoạt động. Chính vì vậy, việc đóng cửa các công ty môi giới này là điều dễ hiểu và cần thiết để thanh lọc lại", ông Châu nói.
Cái khó ló cái khôn, trong bối cảnh nhiều sàn giao dịch hoạt động èo uột, thậm chí phải đóng cửa vì không tiếp cận được khách hàng, nhiều doanh nghiệp lại chủ động đưa ra những phương án ứng phó với tác động của dịch, giảm thiểu thiệt hại nên vẫn hoạt động tốt.
Tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ bán hàng trực tuyến, đưa ra các chính sách giảm giá, kéo dài thời gian thanh toán.
Tập đoàn Vạn Phúc đã áp dụng phần mềm Fastkey của Property Guru Singapore vào việc bán hàng tại dự án Van Phuc City, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
“Với phần mềm này, nhân viên môi giới sẽ sử dụng máy tính bảng để tư vấn bán hàng, các giao dịch đặt chỗ, chuyển cọc một cách thuận tiện, chính xác và minh bạch. Ngoài ra, phần mềm có thể chứa tất cả thông tin về sản phẩm bao gồm bản đồ, chính sách bán hàng, thiết kế và video nội thất, cảnh quan rất tiện lợi. Từ đây, khách hàng có thể tham khảo thông tin sản phẩm từ xa, chỉ cần cài đặt tài khoản dành cho khách hàng, đặc biệt là phần mềm được cập nhật tính năng mới và nâng cấp định kỳ, nên khách hàng luôn nhận được thông báo chính sách bán hàng mới nhất của Công ty”, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land (công ty con của Tập đoàn Vạn Phúc) cho biết.
Cũng theo bà Hương, công nghệ này được áp dụng để giúp nhân viên tiếp cận được khách hàng thời kỳ dịch bệnh Covid-19, vì khách hàng hiện nay rất sợ tụ tập đông người và Công ty không thể tổ chức bán hàng tập trung. Từ khi áp dụng phần mềm bán hàng online này, lượng khách hàng được tiếp cận và lượng hàng bán ra trên phần mềm khá tốt.
Tập đoàn Novaland, Cát Tường Group, DKRA, Phú Đông Group… cũng đã bắt đầu triển khai công nghệ bán hàng online cho nhân viên.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho rằng, việc áp dụng công nghệ bán hàng online là điều các doanh nghiệp đã tính toán từ nhiều năm nay, nhưng khi dịch cúm Covid-19 bùng phát, việc này đã được đẩy nhanh hơn.
“Độ hiệu quả so với bán hàng truyền thống thì thực sự không bằng, nhưng với thời điểm hiện tại, thì phù hợp cho cả khách hàng lẫn nhân viên môi giới và giúp doanh nghiệp bán được hàng”, ông Phúc nói.
Theo đại diện LDG Group, mới đây, doanh nghiệp này đã thông báo đến các đối tác và khách hàng cách thức giao dịch mới này. Trong đó, khách hàng sẽ được gửi các giấy tờ giao dịch qua đường bưu điện, đối tác sẽ trao đổi công việc qua ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Viber, Skype… Các nhân viên công ty được chỉ đạo triển khai hỗ trợ cho khách hàng và đối tác thông qua hệ thống trực tuyến.
Hiện tại, LDG Group đang triển khai đồng loạt 2 dự án khu căn hộ thông minh là High Intela, mức giá 35 triệu đồng/m2 và West Intela, mức giá 31 triệu đồng/m2 thông qua hình thức giao dịch trực tuyến này. Ngoài ra, dự án khu đô thị Viva Park tại Đồng Nai với mức giá khoảng 2,2 tỷ đồng/căn nhà phố xây sẵn cũng đang được áp dụng hình thức giao dịch mới.
Ngoài việc áp dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng, các doanh nghiệp cũng đưa ra đủ chính sách để kích cầu.
Cụ thể, Tập đoàn Vạn Phúc cho biết, doanh nghiệp đã thay đổi chính sách thanh toán với khách hàng mua dự án Van Phuc City. Theo đó, thay vì khách hàng phải thanh toán 30% khi ký hợp đồng, sau đó đóng theo tiến độ và khi nhận nhà sẽ đóng xong 95%, thì nay khách hàng chỉ việc thanh toán trước 25% sẽ ra hợp đồng mua bán, số còn lại sẽ thanh toán khi nhận nhà. Ngoài ra, chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng vay 70% giá trị sản phẩm với lãi suất tốt nhất.
Còn Trần Anh Group hỗ trợ lãi suất 18 tháng cho khách hàng mua sản phẩm các dự án do Công ty phát triển. Ngoài ra, tiến độ thanh toán cũng được kéo dài tới 3 năm.
Tại Hà Nội, nhiều sàn giao dịch cho biết, bên cạnh việc bán hàng online đối với các dự án đang mở bán trước đó, họ đã đổi chiến lược kinh doanh, tập trung vào những thị trường đang có nhu cầu thực hiện nay và ít chịu ảnh hưởng bởi dịch như đất nền và căn hộ.
Một sàn giao dịch tại Hòa Lạc cho biết, họ đang bán rất tốt các dự án đất nền và cả đất nền thổ cư có đầy đủ pháp lý. Thời điểm này, lượng khách hàng giao dịch vẫn đông. Bên cạnh đó, một số dự án căn hộ của các chủ đầu tư uy tín cũng được quan tâm lúc này nên việc bán hàng vẫn diễn ra đều đặn.
Nhiều dự báo cho thấy, sau mùa dịch, thị trường bất động sản sẽ khôi phục trở lại, nhu cầu của thị trường hiện đang như chiếc lò xo bị nén, đến lúc bật ra sẽ là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư và cả các sàn môi giới đã vượt qua được khó khăn và đứng vững trên thị trường.