Trên thị trường bất động sản đầy biến động luôn có một số yếu tố được lựa chọn để đánh giá giá trị của một bất động sản là không gian, môi trường, khí hậu, cảnh quan. Để tìm được một khu đất có không gian trong lành, hòa với thiên nhiên giữa các thành phố chật chội đông đúc như Hà Nội và TP.HCM là điều không dễ dàng.
Tại Hà Nội, nơi tập trung nhiều bất động sản thỏa mãn được yêu cầu về không gian, tầm nhìn và tiện ích đẳng cấp chính là khu vực ven hồ Tây. Tập trung hàng loạt các căn hộ cao cấp nhưng vẫn luôn khan hiếm, cầu nhiều hơn cung, đất ở ven hồ Tây thậm chí còn được mệnh danh là "đất kim cương".
Được hầu hết các chuyên gia phong thủy, bất động sản kiến trúc lựa chọn là khu vực đáng sống nhất Hà Nội bởi khí hậu trong lành, hài hòa quanh năm nhưng quỹ đất ở đây hạn hẹp, các chủ sở hữu lại chỉ muốn giữ mà không muốn bán nên bất động sản ven hồ Tây cũng vì thế mà có giá cao vượt trội so với các khu "đất vàng" khác ở Hà Nội.
Trải qua rất nhiều thăng trầm theo thị trường nhưng bất động sản ven hồ Tây chưa bao giờ nguội sức hút. Kể cả trong giai đoạn trầm lắng nhất, giá bất động sản ở khu vực này vẫn lên tới 350 - 500 triệu đồng mỗi m2 đất nền và 45 - 50 triệu đồng mỗi m2 căn hộ.
Dù đắt đỏ là vậy, nhiều người vẫn cố gắng săn lùng các biệt thư hoặc căn hộ ven hồ Tây. Ngoài người bản địa gốc, chủ sở hữu các bất động sản ven hồ Tây hiện tại hầu hết là giới thượng lưu, nhà ngoại giao, chính khách, doanh nhân nước ngoài... Những người chủ giàu có thể hiện "đẳng cấp" của mình ngay trong thiết kế ngôi nhà đến nội thất trang trí bên trong...
Ngoài những giá trị vô hình về môi trường, khí hậu... chủ trương quy hoạch đô thị, hạn chế phát triển thêm các dự án mới trong nội đô (ngoài các dự án đã được phê duyệt và đang triển khai) cũng là một trong những yếu tố khiến các chủ đầu tư thi nhau săn lùng đất ven hồ Tây để phát triển dự án mới, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. Hàng loạt các "ông lớn" như Tân Hoàng Minh, Sun Group... đều đã "trình làng" các dự án của mình. Hàng loạt các dự án căn hộ cao tầng để bán và cho thuê đã mọc lên ở khu vực quanh hồ Tây, trong bán kính từ vài trăm mét đến khoảng 1 - 2 km.
Ở phân khúc thấp hơn, nhiều nhà đầu tư nhỏ lại "nhảy vào" thuê các mảnh đất hay biệt thự bỏ không sát hồ (do không mua được vì chủ sở hữu không có nhu cầu bán). Sau đó cải tạo, chia nhỏ hoặc xây chung cư "mini" để cho thuê.
Dù là phân khúc bán căn hộ cao cấp hay cho thuê các căn hộ mini thì các chủ đầu tư cũng nhắm đến đối tượng khách hàng là người có thu nhập cao hay người nước ngoài... nên khả năng sinh lợi của các dự án này là rất lớn.
Đến hiện tại, nguồn cung bất động sản ở khu vực hồ Tây không tăng nhưng giá trị đất cũng chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" mà được dự báo sẽ còn tăng theo thời gian khiến thị trường bất động sản khu vực này lúc nào cũng trong tình trạng sôi nổi và "cuộn sóng", sóng sau cao hơn sóng trước. Dù các giao dịch bất động sản ở đây thường là giao dịch "ngầm", không công khai hoặc khép kín trong các mối quan hệ quen biết nhưng các tay "săn đất" vẫn tìm được chiêu thức gom các mảnh đất hiếm hỏi bằng cách trả giá cao ngất ngưởng, đây cũng được coi là cuộc đua tiềm lực tài chính và các mối quan hệ cực lớn của các "đại gia".