Aa

Sang Ấn Độ đi tàu...

Thứ Hai, 24/02/2020 - 06:30

Nhớ và viết bài này để khẳng định tiếp: Hôm nào sẽ đi tàu Việt Nam một chuyến, cho đỡ... nhớ tàu, nhớ một thời chen chúc toa đen...

Cũng gần mười năm rồi, tự nhiên tôi được một chuyến đi tàu lửa ở Ấn Độ, đất nước hết sức xa lạ về mọi thứ. Riêng khoản đi tàu thì trước đấy có được xem mấy cái ảnh tàu hỏa Ấn Độ, nói thật là hết sức kinh hãi. Trần đời mới thấy, người bu đặc quanh tàu, từ đầu tới đuôi, như những con kiến bu trên sợi lạt dính mỡ buộc giò thủ ngày xưa. Thuở bao cấp, tàu lửa Việt Nam cũng thuộc loại khủng khiếp, nhưng là mới nằm la liệt trong khoang, leo lên nóc ngồi và bám ở... cửa lên xuống, và còn đếm được người, chứ nó không đen đặc như mấy cái ảnh tôi thấy...

Nên ngay từ khi cô nhà văn Di Li xúi chúng tôi đi một chặng tàu lửa trong chuyến "phượt" đa phương tiện xuyên Ấn Độ sang tận Nepal, thì ban đầu có hơi hãi. Nhưng sau nghĩ, đi tàu Việt Nam bao cấp được thì sợ gì đi tàu ở bất cứ đâu nữa, kể cả ở... âm phủ. Nói thế nhưng vẫn rụt rè, bởi chỉ nghĩ, ken đặc như thế, lỡ bụng dạ biểu tình thì không biết tính sao. 

Và thế là tôi có dịp đi tàu lửa Ấn Độ, tuyến Kolkata tới Bodgaia.

Ngay khi cầm cái mã số vé tàu thì tôi đã hết sức ngạc nhiên. Ơ như vé máy bay ấy chứ chả đùa. Phi taxi ra ga. Người như kiến thật, nhưng qua vài chỉ dẫn (bằng biển báo chứ không phải người, đặc biệt là loa), chúng tôi tìm ra đoàn tàu của mình giữa nghìn nghịt các đoàn tàu.

Và ngạc nhiên kế tiếp ngạc nhiên.

Tác giả (bìa phải) cùng khách đi tàu.
Chó đi kiểm tra trên tầu.

Rằng là nếu Việt Nam mà học được Ấn Độ thì ngành đường sắt sẽ giảm biên chế được chừng một nửa hiện nay. Thứ nhất, đoàn tàu hết sức dài, tức nhiều toa gấp 3 đến 4 lần tàu Việt Nam (Chả hiểu sao nó lại có thể kéo được nhiều toa đến như thế, chúng tôi đi dọc tàu cứ thấy hun hút). 

Thứ hai, điều này mới hết sức lạ, vào cửa ga không soát vé, dù người đông như cỏ. Đến cửa toa cũng không soát vé luôn (ở Việt Nam cả cửa vào ga và cửa lên toa tàu đều có người đứng soát vé, xuống tàu ra ga cũng soát), nhưng ở đây, ngay cửa toa lại có tờ giấy dán tên hành khách, oách hơn lên tàu bay chưa? Khách lên tàu cứ tìm chỗ, rồi lên đúng giường mà nằm. Giường rất thân thiện chứ lại cũng không như ở... Việt Nam, là nó không có từng buồng riêng mà ngăn bằng rèm. Một ô 2 giường 3 tầng, vị chi là 6 người nằm, khi ngồi thì treo cái tầng giữa lên. 

Tàu sắp chạy thì thấy một nhân viên an ninh đeo súng và dắt con chó to đi qua. Hồi này Ấn Độ mới bị khủng bố nên họ phải kiểm tra vũ khí và ma túy, chỉ đi lướt qua chứ không làm phiền ai, và tàu chạy một lúc thì nhân viên nhà tàu mới xuất hiện, lặng lẽ hỏi vé rồi đi. Tàu rất yên lặng, không có loa liếc "nhà ga thông báo" rồi "đoàn tàu thông báo" hoặc hát ầm ĩ theo gu của nhà tàu... Khách ngủ say sưa và không ồn vì hệ thống cách âm cực tốt. 

Tóm lại là, nếu ở Việt Nam thì Ấn Độ sẽ phải tuyển nhân viên soát vé ở cửa ga, cửa toa và nhân viên alo liên tục. Theo vé thì 6h30 tàu đến Bodgaia, 6h tôi dậy mọi người vẫn ngủ mê mệt. Một ông khách người Anh thấy tôi dậy thì uể oải cũng ngồi dậy lấy kem bót đi đánh răng. Tôi bảo còn có 30 phút nữa, kịp không, lão chỉ cười cười. Đúng 6h30 thì y quay lại giường thông báo tàu chậm 30 phút rồi lại leo lên... ngủ. Tay này đúng là dân phượt chuyên nghiệp. Trong khi kem bót khăn mặt của tôi bỏ trong va ly đút dưới gầm giường thì lão bỏ trong túi xách. Trong khi mình chộn rộn thì lão yên tâm đánh răng rửa mặt rồi nằm khò lại. 

Mấy bà nhà văn Việt Nam cũng ham ngủ, đến 7h tàu dừng mới nháo nhào dậy thì tay người Anh này lại giúp các bà chuyển đồ xuống, và lão xuống sau cùng. Tàu Ấn chạy rất nhanh và dừng lâu hơn bên ta, và khi sắp đến ga tới khi xuống tàu cũng chả thấy loa đài thông báo gì, không thấy nhân viên nhà tàu xuất hiện, và ra cửa ga cũng không thấy nhân viên nhà ga soát vé xem ai đi lậu, ai đi có vé...

Đến giờ tôi vẫn ngơ ngác không thể hiểu là, thế người Ấn họ kiểm soát khách đi tàu như thế nào mà có vẻ... tin người đến thế. Khi xuống, tôi để ý thấy cái danh sách khách có tên chúng tôi đã được thay, một danh sách khác được dán lên, và một tốp khách khác tiếp tục thay chúng tôi.

Người Ấn có mùi rất đặc trưng, và một số trong họ cũng... ở bẩn nữa, ít nhất là trông thấy thế, cảm giác thế, bởi màu da, bởi trang phục và những đôi dép loẹt quẹt... nhưng giường, gối, chăn trên tàu thì lại rất thơm. Mấy bác Việt Nam thấy giường là leo lên nằm. Té ra nó còn có ga trắng muốt bỏ trong bì nilon như trên máy bay ấy, thơm lừng, lấy ra tự trải, rồi còn lớp lót chăn cũng thế... Tóm lại là không đùa được, hết sức chỉn chu, hết sức vệ sinh, hết sức ngăn nắp, và đầy tinh thần tự giác.

Ơ thế dân Ấn thật thà hơn ta à? Chưa chắc, tỉ lệ ăn xin gấp đôi của ta, thậm chí là gấp 3, và họ làm gì cũng xin tiền, kể cả... chỉ đường (tiền tip khách sạn là đương nhiên, không kể ở đây). Các điểm du lịch ở Ấn Độ, người ăn xin có khi đông hơn... khách, và hết sức... ngoan cường đeo bám, có khi đi theo cả cây số, cứ lẵng nhẵng thế, mủi lòng một người là sẽ có cả tốp quây lại, thế mà họ quản lý chạy tàu như là tàu là của hành khách ấy, chả thấy ai ra mặt cả? Tài thật, thế mới tài. Lạ nữa, lạ thật...

Nhưng sau nghe bảo, những đoàn tàu khách bu đen đặc vẫn còn, là tàu địa phương, tàu tuyến ngắn, như kiểu tàu chợ ở Việt Nam ấy.

Tôi thú đi tàu, nhưng quả là, lâu lắm rồi chưa đi tàu Việt Nam. Giờ nghe nói có rất nhiều cải tiến rồi, tàu oách hơn ngày xưa rất nhiều rồi, định hôm nào đi lại, nhưng rồi cứ lần lữa mãi mà chưa đi. Nhớ và viết bài này để khẳng định tiếp: Hôm nào sẽ đi tàu Việt Nam một chuyến, cho đỡ... nhớ tàu, nhớ một thời chen chúc toa đen, và nhớ một giáo sư văn học đã dạy: Muốn hiểu đời sống, muốn thành nhà văn, hãy đi tàu chợ, toa đen. Mấy ai còn nhớ toa đen, tàu chợ Việt Nam một thuở?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top