Tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11 về việc tạo sự thông thoáng, minh bạch cho thị trường bất động sản. Thực hiện chỉ thị đó, mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Quy chế quản lý vận hành officetel phát sinh.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho rằng hiện chưa có đủ cơ sở pháp lý để cơ quan này xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình căn hộ văn phòng.
Để tìm phương án giải quyết những vướng mắc này, Bộ Xây dựng đã xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trên cơ sở đó thấy rằng việc ban hành quy chế quản lý vận hành officetel theo hình thức Thông tư là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng cho phép Bộ Xây dựng thực hiện theo hướng: Nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý vận hành loại hình căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn officetel.
Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế về vấn đề này:
PV: Báo cáo mới đây nhất của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc xây dựng pháp lý của loại hình officetel vẫn còn đang vướng mắc. Đã 5 năm trôi qua kể từ khi loại hình này xuất hiện, đến hiện tại, khung pháp lý của officetel vẫn dậm chân tại chỗ. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
TS. Đinh Thế Hiển: Ở Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm kết hợp giữa nhiều hình thức như condotel là vừa ở vừa cho thuê, officetel là kết hợp giữa ở và làm văn phòng. Ở các đô thị, vấn đề này là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế chia sẻ. Thực tế, hiện đã có rất nhiều nước áp dụng mô hình officetel như vậy.
Chúng ta cần hiểu trong xã hội đang vận động nhanh như thế này, sẽ có những cái tưởng không thay đổi rồi cuối cùng sẽ phải thay đổi. Như trước đây, sổ hộ khẩu đã từng bị cho rằng “bất di bất dịch” nhưng cuối cùng buộc phải đổi mới để phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Nhiều lúc, chúng ta quá cẩn thận, luật này “đá” luật kia để cuối cùng thiếu đi trách nhiệm tìm kiếm một phương pháp ổn định.
Rõ ràng, Bộ Xây dựng là cơ quan tham mưu cao nhất về quản lý nhà ở, về quản lý quy hoạch đô thị. Họ có đầy đủ thông tin nghiên cứu nhưng phương án giải quyết hiện tại đang ở mức an toàn.
Officetel đã xuất hiện trên 5 năm nay nhưng đến giờ chúng ta vẫn chưa có bất kỳ một cơ chế pháp lý nào cho nó. Trong khi thị trường bất động sản đang phát triển mạnh mẽ không ngừng với nhiều loại hình đa dạng.
PV: Thưa ông, vì sao đến bây giờ đứa “con lai” officetel lại vẫn chưa tìm được cơ chế pháp lý và vận hành?
TS. Đinh Thế Hiển: Tôi chỉ thấy có một nghịch lý rằng, chúng ta vẫn hay nhắc đến nền kinh tế 4.0. Nhưng tư duy lại chỉ dừng lại hình dung văn phòng doanh nghiệp chỉ là nơi làm việc và giao dịch. Ở các nước khác, văn phòng được định nghĩa tùy góc nhìn của doanh nghiệp. Đó có thể là văn phòng ảo chỉ để liên lạc và kết nối. Đó có thể là căn hộ vừa ở, vừa làm việc.
Luật cho phép xây dựng văn phòng. Số lượng người di chuyển đến và dời văn phòng không ai kiểm soát. Trong khi đó, một mô hình văn phòng sẽ đảm bảo lượng di chuyển ít vì họ ở lại, tạo ra sự kết nối bằng công nghệ 4.0 nhưng không hiểu vì lý do gì lại nhận định đây là mô hình làm tăng mật độ dân số.
Đặc biệt trong thời đại 4.0, doanh nghiệp chỉ cần một phòng nhỏ để đăng ký kinh doanh hoặc họ chỉ cần sử dụng ngay văn phòng khách sạn. Đó là xu hướng phù hợp với môi trường đô thị thành phố, với cuộc cách mạng 4.0. Nhưng chúng ta cứ loay hoay vòng qua vòng lại.
Điều đáng nói, chúng ta để tình trạng xây dựng officetel tràn lan, không tính toán đến nhu cầu thực tế của thành phố. Và đến bây giờ thì cơ chế pháp lý cho loại hình này vẫn chưa có để officetel bị “tắc” lại.
PV: Nếu tính pháp lý của officetel vẫn cứ “dậm chân tại chỗ” thì điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản?
TS. Đinh Thế Hiển: Những nhà đầu tư, những người vừa mua để ở vừa mua làm văn phòng, có người mua để cho thuê lại… sẽ đều bị ảnh hưởng khi cơ chế pháp lý vẫn còn nhiều vướng mắc.
Chắc chắn nhà đầu tư e ngại khiến nhu cầu về đầu tư officetel chững lại. Còn những người thuê với mục đích vừa ở vừa làm việc sẽ cảm thấy không ổn định trong khi đây là một xu hướng có nhu cầu rất tốt.
PV: Có ý kiến cho rằng, nếu tạo một hành lang pháp lý cho officetel thì sẽ dẫn tới sự phá vỡ quy hoạch. Nhưng nếu thiếu đi hành lang pháp lý thì rõ ràng quyền lợi của khách hàng, chủ đầu tư sẽ thiệt hại không hề nhỏ. Quan điểm của ông thì sao?
TS. Đinh Thế Hiển: Quy hoạch là cái cao nhất, không ai đụng tới được. Theo đó, khu vực dân cư, thương mại và văn phòng đã có sự phân chia rõ ràng.
Thứ hai, officetel là loại hình sử dụng bất động sản phù hợp với sự phát triển kinh tế. Chỉ cần việc xây dựng officetel đáp ứng đúng quy hoạch ban đầu là hợp lý.
Tôi cho rằng dạng văn phòng officetel không ảnh hưởng đến mật độ dân số. Cần phải đặt ra câu hỏi, tại sao tối ở lại mới được gọi là chiếm dân số cao trong khi mô hình officetel sẽ giảm đi việc di chuyển trên hạ tầng giao thông.
Chúng ta cho phép đăng ký doanh nghiệp tại một ngôi nhà trong hẻm nhưng ở officetel lại ngăn cấm không được phép. Trong khi đó, officetel có tiện ích riêng, dịch vụ riêng, rất thuận lợi cho việc kết nối – chia sẻ. Đây là mô hình khá đa dạng. Trong thực tế, cái gì kết hợp nhiều thứ, tích hợp nhiều chức năng sẽ mang lại nhiều hiệu quả.
PV: Vậy theo ông, có nên cấp sổ đỏ cho officetel?
TS. Đinh Thế Hiển: Officetel đơn giản là nơi cho phép người ta làm việc và ở lại. Còn vấn đề sổ đỏ, một căn hộ có thời hạn 50 năm xây dựng thì nhà nước cấp chứng nhận quyền sở hữu 50 năm cho căn hộ đó. Cấp cho căn hộ quyền sở hữu phải dựa trên công năng của nó để thu thuế.
Tôi cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận là hoàn toàn đúng và không có lý do gì không cấp nếu như quá trình xây dựng đáp ứng đúng quy hoạch. Ở Việt Nam đang có một vấn đề là “quá mẫn cảm” với sổ đỏ. Chúng ta phải hiểu, sổ đỏ vĩnh viễn với giấy chứng nhận quyền sở hữu 50 năm là hoàn toàn khác. Và sổ đỏ căn hộ sẽ khác so với sổ đỏ của đất nền.
Chỉ cần căn cứ vào mục đích xây dựng, nhà nước thu thuế mà không cần quá “mẫn cảm” với 2 từ “sổ đỏ”.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!