UBND tỉnh Thanh Hoá mới đây vừa ban hành quyết định chấp thuận Công ty TNHH Bất động sản Ciputra Thanh Hóa là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư mới Hồng Phong tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá.
Dự án khu dân cư mới Hồng Phong được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương đầu tư hồi tháng 2/2022. Đây là dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 12,69ha. Tổng vốn đầu tư hơn 910 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí thực hiện dự án là 876 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 33,8 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất). Tiến độ thực hiện dự án không quá 3 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư.
Trước đó vào đầu tháng 3/2023, dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa công bố danh mục mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện. Qua quá trình đóng/mở hồ sơ dự án thu hút 2 nhà đầu tư quan tâm là Công ty TNHH Bất động sản Ciputra Thanh Hóa và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai đăng ký thực hiện dự án.
Sau khi đánh giá hồ sơ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai đã bị loại do không đáp ứng năng lực. Qua đó, nhà đầu tư thắng cuộc thực hiện dự án là Công ty TNHH Bất động sản Ciputra Thanh Hóa.
Theo tài liệu của Reatimes, Công ty TNHH Bất động sản Ciputra Thanh Hóa được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2022. Đăng ký địa chỉ trụ sở tại Số nhà 412, ngõ 07, thôn Làng Trù, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.
Ciputra Thanh Hóa có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê… Hiện tại, bà Nguyễn Thị Yến (SN 1958, Hà Nội) là người đại diện theo pháp luật, kiêm giám đốc công ty.
Thủa mới thành lập, Ciputra Thanh Hóa có vốn điều lệ theo đăng ký là 200 tỷ đồng. Đến ngày 26/9/2022, doanh nghiệp này quyết định tăng vốn điều lệ lên mức 300 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm này, bà Nguyễn Thị Yến lên nắm quyền điều hành công ty.
Lần theo dấu thông tin ở những lần thay đổi đăng ký kinh doanh, được biết, vị trí do bà Nguyễn Thị Yến gánh vác hiện tại, trước đó thuộc về một nữ doanh nhân trẻ, đó là Trần Minh Phương (SN 1996, có cùng địa chỉ cư trú với bà Yến tại Hà Nội).
Ngoài Ciputra Thanh Hoá, bà Nguyễn Thị Yến và bà Trần Minh Phương được biết đến là đã và đang đại diện cho loạt doanh nghiệp/chi nhánh liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng... tại tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Thái Nguyên.
Về Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai Group), doanh nghiệp này được biết đến đã hoạt động từ cách đây hàng chục năm tại tỉnh An Giang và là một trong những doanh nghiệp "có số má" hoạt động đa ngành. Trong đó chọn "Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê" làm ngành nghề kinh doanh chính.
Sao Mai Group có cấu trúc doanh nghiệp 12 công ty con và 10 công ty liên doanh, liên kết. Người đại diện theo pháp luật hiện tại là doanh nhân trẻ Lê Tuấn Anh sinh năm 1994. Ông Tuấn Anh được bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc vào ngày 20/4/2023.
Đáng chú ý, Sao Mai Group là công ty đại chúng hiện đang niêm yết trên sàn HoSE (mã chứng khoán: ASM) với giá tham chiếu tại ngày 11/01/2024 là 10.650 đồng/cổ phiếu. Trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của họ lên đến hơn 9.850 tỷ đồng.
Hiện nay, họ đã tham gia đầu tư phát triển hàng chục dự án bất động sản trải dài khắp cả nước. Đồng thời sở hữu Nhà máy Thủy sản với công suất 600 tấn nguyên liệu/ngày; Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản với công suất 378,000 tấn/năm và 2 Nhà máy điện mặt trời...
Trước thông tin, Sao Mai Group "kỳ cựu" có tổng tài sản lên đến hơn 9.850 tỷ đồng và đang niêm yết trên sàn chứng khoán "bỗng dưng" thua một Ciputra Thanh Hóa vừa mới thành lập cách đây chưa lâu với vốn điều lệ 300 tỷ đồng với lý do "không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm". Điều này đã khiến giới đầu tư bất động sản không khỏi bất ngờ.