Hội thảo nhằm trao đổi các thông tin về những biện pháp của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cũng như những ví dụ điển hình của các công ty xây dựng Nhật Bản giúp cải thiện, nâng cao tay nghề và kỹ năng của các tu nghiệp sinh xây dựng Việt Nam tại Nhật Bản. Đồng thời, sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản, các Trường Đào tạo Nghề tìm kiếm khả năng hợp tác trong việc tham gia vào công tác phát triển các kỹ năng xây dựng của nguồn lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo chủ yếu bàn về các biện pháp nhằm phát triển các kỹ năng xây dựng của nguồn lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản, đây là điều cần thiết đối với người lao động Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo không chỉ là cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng mà còn là cơ hội hợp tác giữa Hiệp hội BĐS Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.
Tại buổi Hội thảo, ông Eiji Aoki - đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, chia sẻ: Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được củng cố và tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua. Cả 2 nước đều có mối quan tâm về nguồn lao động trong lĩnh vực xây dựng.
Từ năm 1993, Nhật Bản đã có chính sách tuyển tu nghiệp sinh nước ngoài tới học tập và làm việc. Nếu như thời gian trước, tu nghiệp sinh chỉ có thời gian ở Nhật trong 2 năm, thì từ tháng 4/2007, Nhật Bản đã nới rộng thời gian lên 3 năm. Và trong thời gian tới, có nhiều khả năng, thời gian tu nghiệp sinh ở Nhật sẽ là 5 năm.
“Quốc Hội Nhật Bản đã phê duyệt chính sách kéo dài thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản cho tu nghiệp sinh nước ngoài từ 3 lên 5 năm vào tháng 11/2016. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực hiện cần thêm một thời gian nữa”, ông Aoki chia sẻ.
Bên cạnh chính sách kéo dài thời gian cho tu nghiệp sinh, Nhật Bản còn đang thực hiện chính sách lao động tạm thời. Chính sách này được thực hiện khi Nhật Bản đang có nhu cầu lao động lớn trong việc tổ chức Thế vận hội Mùa hè Olympic 2020, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Aoki cũng lưu ý, đối với những lao động tạm thời phải đủ các điều kiện như: đã từng là tu nghiệp sinh, có kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản trên 2 năm và có sự đồng thuận giữa công ty và lao động…
Trong Hội thảo, các nội dung liên quan tới dự án phát triển nguồn nhân lực được đại điện Công ty MuKai, Công ty Sumitomo Foresty Nhật Bản giới thiệu.
Đặc biệt, ông Yu Shinjo, Giám đốc Công ty JellyFish Nhật Bản đã giới thiệu về hệ thống cơ sở dữ liệu cho các lao động về nước. Hệ thống này có ý nghĩa kết nối, hỗ trợ và tạo điều kiện cho tu nghiệp sinh khi về nước có công việc và được phát triển những kinh nghiệm mình đã làm việc tại Nhật Bản.
Qua hệ thống này, người tuyển dụng và người ứng tuyển có nhiều tương tác với nhau. Các thông tin về người ứng tuyển và người dự tuyển được hiện một cách chi tiết trên hệ thống. Người sử dụng sẽ được truy cập 24/24h và hoàn toàn miễn phí.
“Hiện nay, hệ thống mới chỉ có tiếng Anh và tiếng Nhật. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện cả bản tiếng Việt để mọi người có thể sử dụng. Với nguồn nhân lực Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản lớn, là cơ hội tốt để chúng tôi thực hiện thành công”, ông Yu Shinjo kỳ vọng.
Như vậy, khi hệ thống dữ liệu này được hoàn tất, nguồn lao động về nước sẽ có cơ hội tốt để tìm kiếm việc làm mới và cống hiến khả năng của mình xây dựng đất nước.
Trước đó, ngày 1/3, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có buổi làm việc thứ 2 với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản, tiếp tục bàn về Dự án "Phát triển Đào tạo – Giáo dục trong khuôn khổ chương trình Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài". Buổi làm việc do ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam chủ trì./.