Aa

Bất động sản 24h: Sắp đấu giá đất nhiều huyện ven đô Hà Nội, có lô khởi điểm gần 10 tỷ đồng

Chủ Nhật, 26/03/2023 - 10:05

Sắp đấu giá đất nhiều huyện ven đô Hà Nội, có lô khởi điểm gần 10 tỷ đồng; Những thương vụ doanh nghiệp ngoại "gom" bất động sản Việt: Có đáng lo ngại?... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Sắp đấu giá đất nhiều huyện ven đô Hà Nội, có lô khởi điểm gần 10 tỷ đồng

Nhiều lô đất tại huyện Đông Anh, Thạch Thất, Sóc Sơn của Hà Nội sẽ được đưa ra đấu giá trong tháng 4 tới với giá khởi điểm từ 5 đến 7 tỷ đồng, cá biệt có lô giá gần 10 tỷ đồng.

Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia vừa ra thông báo đấu giá đất của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Cụ thể, quyền sử dụng đất của 22 thửa đất có diện tích từ 89,1m2 đến 200m2 mỗi lô tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (đợt 6) sẽ được đấu giá vào sáng ngày 15/4 tại hội trường UBND huyện Sóc Sơn.

22 thửa đất trên có mức giá khởi điểm 45 - 49,7 triệu đồng/m2, cá biệt có lô 200m2 có giá khởi điểm gần 10 tỷ đồng. 

Tương tự, Công ty Đấu giá hợp danh Sơn Thịnh cũng vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh. Theo đó, vào ngày 8/4 tới, công ty này sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 27 lô đất tại 7 xã gồm Kim Nỗ, Thụy Lâm, Đại Mạch, Đông Hội, Mai Lâm, Dục Tú, Liên Hà, huyện Đông Anh. Các lô đất với diện tích từ 65,3m2 đến 124,78m2 có giá khởi điểm từ 20,8 triệu đồng/m2 đến 60,9 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, trong lần đấu giá này, không ít lô đất giá khởi điểm khoảng 4,2 - 7,3 tỷ đồng. Đơn cử, lô đất 120m2 tại điểm X1, Đông Hội và Mai Lâm có giá khởi điểm 7,3 tỷ đồng (tương đương 60,9 triệu đồng/m2).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Những thương vụ doanh nghiệp ngoại "gom" bất động sản Việt: Có đáng lo ngại?

Khi thị trường bất động sản trầm lắng, đó là cơ hội cho những doanh nghiệp ngoại "săn tìm" dự án và quỹ đất đẹp. Xu hướng này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh một số doanh nghiệp địa ốc đang cần "phao cứu sinh" giữa lúc nguồn vốn hạn hẹp.

doanh nghiệp thâu tóm quỹ đất
Ảnh minh họa (Nguồn: Nhịp sống thị trường)

Trong cuộc trò chuyện thời điểm cuối năm 2022, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc đã từng lo ngại rằng, sự trầm lắng của thị trường, tâm lý bi quan của các nhà đầu tư sẽ kéo dài gam màu ảm đạm của bất động sản. Khi các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, giá bất động sản hạ, đó là cơ hội cho những doanh nghiệp ngoại "săn tìm" và "thâu tóm" quỹ đất.

GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán.

Thực tế, kể từ đầu năm 2023 tới nay, thông tin về thương vụ mua - bán dự án lớn đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Mới đây nhất, theo nguồn tin Reuters. Tập đoàn CapitaLand đang đàm phán mua tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ Công ty CP Vinhomes. Nguồn tin này còn tiết lộ CapitaLand sẽ xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes hoặc một dự án khác ở phía bắc TP. Hải Phòng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hướng đi mới của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023

Dù thị trường bất động sản đang trầm lắng, tắc thanh khoản, nhưng ở góc độ tích cực thì đây chính là thời điểm cho một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ hơn.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, sau tác động của đại dịch Covid-19 và những khó khăn trong năm 2022, việc tái cấu trúc lại thị trường bất động sản là cần thiết và là đòi hỏi tất yếu để thị trường này có thể phát triển ổn định, lành mạnh trong dài hạn.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Kiều Oanh, Giám đốc Makerting Sun Property (Tập đoàn Sun Group) chia sẻ, bối cảnh trầm lắng, khó khăn chính là thời điểm để chứng minh được thực lực và sức khoẻ của các doanh nghiệp bất động sản.

"Tôi nghĩ đây là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận và thanh lọc thị trường. Nếu những doanh nghiệp nào có "sức khoẻ" chưa đủ tốt sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường. Những doanh nghiệp có thực lực và nguồn lực mạnh thì sẽ hoạch định lại hướng đi mới nhằm thích ứng với điều kiện của thị trường hiện nay. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ phải phân bổ nguồn lực hợp lý để đi đường dài qua các dự án mà họ phát triển", bà Oanh khẳng định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

VCCI: Giá đất "chênh" khi cách nhau một ngã ba, một cây cầu

Các quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

góp ý dự thảo luật đất đai sửa đổi
Các quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp. (Ảnh: Người lao động)

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, VCCI đã nêu quan điểm tài chính về đất đai, giá đất.

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 153. Cụ thể, Khoản 2 Điều 153 quy định "Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác".

VCCI đánh giá đây là một khái niệm rất quan trọng để xác định giá đất. Tuy nhiên, trong quy định này lại có nhiều cụm từ chưa thực sự đủ rõ ràng, như "cùng mục đích sử dụng", "tại một khu vực" và "trong khoảng thời gian nhất định", "xuất hiện với tần suất nhiều nhất".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản "ấm" dần lên, nhà đầu tư "săn tìm" những vùng đất mới

Theo các chuyên gia, khi thị trường bất động sản có xu hướng "ấm" dần lên, nhà đầu tư sẽ "săn tìm" những vùng đất mới nổi, sở hữu dư địa phát triển lớn.

Chia sẻ tại Tọa đàm: “Uông Bí - Quảng Ninh - Điểm sáng đầu tư 2023” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã đề xuất những giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển lành mạnh. 

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần hỏi học từ các nước trên thế giới trong việc đưa ra những chính sách ngắn hạn và dài hạn để giải quyết những vấn đề. 

Cụ thể, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, bao gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải tỏa, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường. 

Còn đối với vấn đề vốn cho thị trường bất động sản, nóng nhất vẫn là trái phiếu. Theo TS. Cấn Văn Lực, việc nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động ở thời điểm hiện tại là chưa phải là vấn đề cấp thiết. Bởi trong năm 2022, tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 14,5%, riêng tín dụng cho bất động sản đã tăng trưởng 24,2% nên năm 2023 không thể cao hơn. Vì vậy, vấn đề trái phiếu vẫn là vấn đề cần giải quyết hàng đầu của thị trường bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top