Aa

Sau công bố áp đặt khoản thuế mới lên nhôm thép, thị trường bất động sản Mỹ sẽ đi về đâu?

Thứ Tư, 14/03/2018 - 06:00

Vào ngày 8/3 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đã ký sắc lệnh áp đặt khoản thuế mới ở mức 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Ngay sau khi công bố của Tổng thống Mỹ được đưa ra, gần như ngay lập tức trong nội bộ nước Mỹ và các nước đồng minh thân cận đã có nhiều tiếng nói phản đối mạnh mẽ hành động này.

Ông Trump ký sắc lệnh áp đặt các rào cản thương mại mới tại Nhà Trắng

Ông Trump ký sắc lệnh áp đặt các rào cản thương mại mới tại Nhà Trắng

Theo thông cáo báo chí từ Nhà Trắng thì những khoản thuế trên nhằm: "Bảo vệ ngành công nghiệp luyện kim của nước Mỹ trước việc cạnh tranh không công bằng của sắt và nhôm nhập khẩu". Đã có khoảng hơn 94.000 công nhân Mỹ bị sa thải từ năm 2000 đến nay do các nhà máy luyện kim bị đóng cửa vì không chịu được cạnh tranh với hàng nhập khẩu nước ngoài. Hiện nay, nước Mỹ đang nhập khẩu gấp 5 lần nhôm so với số lượng sản xuất nội địa. Còn trong ngành thép, chỉ còn một nhà sản xuất Mỹ còn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực nguyên liệu cho các ngành công nghệ cao.

Cán cân xuất nhập khẩu mặt hàng thép của một số nước

Cán cân xuất nhập khẩu mặt hàng thép của một số nước

Ngoài hy vọng về việc những khoản thuế mới sẽ giúp một phần vào việc hồi sinh ngành luyện kim nội địa, nước Mỹ còn có thể bảo đảm được khả năng an ninh quốc phòng của mình, do một lượng lớn thép và nhôm nhập khẩu vào nước này được sử dụng trong ngành công nghiệp vũ khí. Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn là nhà xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất thế giới, đây là một mục tiêu cực kì quan trọng với Mỹ.

Đã có rất nhiều tín hiệu phản đối những rào cản thương mại mới này của Mỹ. Cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng, ông Gary Cohn, đã từ chức vào hôm 7/3 vừa rồi do sự bất đồng với động thái của Tổng thống Trump. Trong khi đó, EU và Nhật Bản hiện đang xem xét việc khiếu nại lên tổ chức Thương mại Thế giới, và ba bên đã có cuộc họp chung với Mỹ mới đây để tìm cách giải quyết vấn đề. Mục đích của các nước đồng minh của Mỹ hiện tại là nhận được sự đặc cách khỏi các khoản thuế này. Theo tiết lộ mới đây của bà Sarah Huckabee Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng, khả năng này đang được để ngỏ Mexico và Hàn Quốc, 

Trường hợp xấu nhất là Mỹ sẽ bị kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do vi phạm các quy định về mậu dịch tự do. Tuy việc này nhiều khả năng sẽ không xảy ra, nhưng bản thân nước Mỹ cũng đã và đang chịu rất nhiều tổn hại từ những rào cản này. Vì thuế nhập khẩu đánh vào nguyên liệu đầu vào, các nhà sản xuất nội địa có thể phải tăng giá hàng hóa tiêu dùng đến tay người tiêu dùng Mỹ lên đến 35%.

Số công việc mới tạo được việc hạn chế nhập khẩu kim loại cũng có khả năng sẽ không thể nào bù vào số nhân công bị sa thải do các ngành công nghiệp như chế tạo máy bay chịu ảnh hưởng. Và hiện các nước đang xem xét việc đáp trả lại bằng các khoản thuế áp đặt vào hàng nhập khẩu từ Mỹ - nếu các khoản thuế này được áp đặt, chắc chắn nước Mỹ sẽ chị tổn hại thêm hàng trăm triệu USD và làm phá sản kế hoạch cân bằng cán cân thương mại của Tổng thống Trump.

Riêng với thị trường bất động sản Mỹ, ảnh hưởng lớn nhất đối của những rào cản thương mại này là chi phí xây dựng, vốn đã tăng liên tục trong vài năm gần đây do việc thiếu trầm trọng nguồn nhân công có tay nghề. Chắc chắn các nhà thầu Mỹ sẽ phải xem xét việc liệu có nên tiếp tục đầu tư hay không, và trong bối cảnh khan hiếm nhà ở trầm trọng, gần như chắc chắn giá nhà sẽ phải tăng từ 10 - 25% theo như nhận định của các chuyên gia.

Hiện nay có thể còn quá sớm để nói về tác động của những rào cản thương mại mới này lên nền kinh tế thế giới. Tổng thống Donald Trump ngoài việc ký sắc lệnh áp đặt thuế nhập khẩu, còn phát động một cuộc điều tra mới lên tác động của thép và nhôm nước ngoài lên nền kinh tế Mỹ theo khoản mục 223 của Luật Thương mại sửa đổi năm 1962. Kết quả của cuộc điều tra này chắc chắn sẽ có tác động lên khả năng những khoản thuế trên có thể tồn tại lâu dài hay không. Trong bối cảnh bản thân Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, gần như chắc chắn rằng các rào cản thương mại này sẽ chịu sự phản đối sâu sắc ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top