Thị trường chứng khoán tiếp tục có sự hồi phục tốt trong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 2/9 với thanh khoản vẫn duy trì tốt và không có sự sụt giảm như những lo ngại trước đó. Kết thúc tuần giao dịch từ 28 - 31/8, VN-Index đứng ở mức 1.224,05 điểm, tăng 40,68 điểm (3,44%) so với tuần trước đó. Tương tự, HNX-Index tăng 6,85 điểm (2,82%) lên 259,75 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 2,31 điểm (2,54%) lên 93,32 điểm.
Thanh khoản trên thị trường vẫn có sự cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 23.831 tỷ đồng/phiên, tăng 4,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 6,4% lên 21.706 tỷ đồng/phiên.
Rất nhiều cổ phiếu đã về lại hoặc thậm chí vượt mức giá tại thời điểm thị trường bắt đầu nhịp điều chỉnh hôm 18/8, trong đó, nhiều mã bất động sản cũng có sự hồi phục tốt. Thống kê 124 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 28 - 31/8 có 76 mã tăng và chỉ có 28 mã giảm giá.
Danh sách tăng giá mạnh ở nhóm này gồm các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao (thanh khoản cao). Trong đó, HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát đứng đầu danh sách tăng giá với gần 20% chỉ sau 4 phiên giao dịch. Sau khi liên tục bị HoSE nhắc nhở, Đầu tư Hải Phát đã công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2023. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý II đạt hơn 624 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cao gấp gần 3 lần khiến khoản lợi nhuận gộp giảm mạnh 42% về còn 157 tỷ đồng. Công ty báo lãi sau thuế hơn 84 tỷ đồng trong quý II/2023, đi ngang so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu trên báo cáo tài chính riêng của HPX tăng 50% lên 667 tỷ đồng. Song khoản lỗ quý I khiến lợi nhuận sau thuế riêng vẫn giảm 48% so với cùng kỳ năm trước về còn hơn 51 tỷ đồng.
Tiếp sau đó, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai cũng tăng hơn 19%. Đứng thứ 3 danh sách tăng giá mạnh nhóm bất động sản là PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt với 12,2%. Đà tăng của PDR đi ngược lại với thông tin kết quả kinh doanh mới được công bố của doanh nghiệp này. Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và cung cấp dịch vụ PDR đạt 195 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ. Đồng thời, báo lãi sau thuế gần 298 tỷ đồng, giảm 57%.
Cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng gây được sự chú ý khi tăng hơn 9% trong 4 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8. Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Công ty bị phạt tiền 85 triệu đồng do có hành vi vi phạm không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Đơn vị này đã không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020; gửi nội dung công bố thông tin không đúng thời hạn cho HNX các tài liệu gồm báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã được soát xét, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2021.
Ngoài ra cũng phải kể đến đà tăng khá tốt của các mã như HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô (tăng 8,2%), HDC của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 8,04%)…
Chiều ngược lại, vẫn còn một số cổ phiếu bất động sản giao dịch không được tốt trong tuần vừa qua. Hai mã LSG của CTCP Bất động sản Sài Gòn VINA và PLA của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng dầu đều có mức giảm giá trên 10%, trong đó, LSG giảm 16,4% còn PLA giảm 12%. Hai mã này có điểm chung là đều trong diện thanh khoản thấp.
Trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản đa phần là các mã có thanh khoản thấp và ít có sự ảnh hưởng từ tâm lý thị trường chung. Một vài mã thanh khoản tốt có thể kể đến VPI của CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (giảm 4,3%), TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (giảm 2%)…
Tại nhóm vốn hóa lớn, đa phần các mã trong top 10 vốn hóa đều có sự tăng trưởng so với tuần trước. Tuy nhiên, VIC của Tập đoan Vingroup gây bất ngờ khi giảm 2,2% xuống 62.100 đồng/cp. Trong khi đó, hai mã thành viên của Vingroup gồm VHM của CTCP Vinhomes và VRE của CTCP Vincom Retail tăng lần lượt 1,1% và 5,6%.
NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng tăng 5,4%. Công ty vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, Novaland lỗ 1.094 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tức lỗ thêm 483 tỷ đồng so với báo cáo trước soát xét. Theo giải trình của doanh nghiệp, việc này chủ yếu do Novaland trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên, đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483,2 tỷ đồng nêu trên.
Thị trường sẽ duy trì đà tăng, có thể xuất hiện một vài nhịp rung lắc
Theo CTCP Chứng khoán Asean (Asean SC), thị trường hôm thứ Năm tuần trước có phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp và tiệm cận trở lại mức điểm cao nhất của phiên 18/08 (1.229 điểm). Sắc xanh bao phủ thị trường với điểm nhấn là các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng, Bất động sản, Đầu tư công, Dệt may. Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện so với phiên liền trước cho thấy dòng tiền vẫn hoạt động tích cực trên thị trường bất chấp kỳ nghỉ lễ kéo dài. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mua ròng mạnh 491 tỷ đồng.
Với những tín hiệu tích cực nêu trên, Asean SC cho rằng thị trường sẽ duy trì đà tăng sau kỳ nghỉ lễ, tuy nhiên có thể xuất hiện một vài nhịp rung lắc khi tiếp cận vùng đỉnh cũ 1.240 - 1.250 điểm. Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu mạnh, có triển vọng kết quả kinh doanh lạc quan trong quý III và đặc biệt hạn chế mua đuổi các cổ phiếu đầu cơ giai đoạn hiện tại.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC) dự báo trong phiên đầu tuần, thị trường có thể tiếp tục quán tính tăng điểm, giúp VN-Index kiểm định vùng đỉnh cũ tại 1.240 - 1.245 điểm. Sau đó, áp lực bán chốt lãi có thể gia tăng sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp của thị trường sẽ tạo nên sự giằng co, thậm chí điều chỉnh giảm từ ngưỡng kháng cự. Mặc dù vậy, nếu lực mua đủ mạnh giúp VN-Index vượt đỉnh, chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng tăng, hướng lên vùng đỉnh 1 năm quanh 1.300 điểm./.