Chia sẻ tại hội thảo “Sốt bất động sản – Cơ hội và rủi ro” mới đây, các chuyên gia kinh tế và bất động sản cho rằng, chỉ có "bong bóng" bất động sản nếu có 3 yếu tố: giá, thanh khoản, giao dịch thứ cấp tăng mạnh.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thị trường bất động sản hiện chưa có gì phải hốt hoảng.
Thứ nhất, về thanh khoản, mức độ thanh khoản của thị trường hiện nay vẫn tương đối tốt. Báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, thanh khoản tốt nhất ở TP.HCM cho đến thời điểm này vẫn là nhà thương mại giá vừa phải và bình dân. Giao dịch ở một số phân khúc có phần giảm nhưng không nhiều.
Thứ hai, về giá. Đây sẽ là một vấn đề rất lớn nếu giá tăng và giảm quá 30%. Nhìn vào thị trường trong thời gian qua, phân khúc đất nền tăng rất mạnh ở một số khu vực, trong khi các phân khúc khác mức tăng giảm không nhiều, chỉ từ 3-5%.
Thứ ba, về giao dịch. Giao dịch sơ cấp hay thứ cấp cũng là yếu tố rất quan trọng. Khi mà các nhà đầu tư thứ cấp chiếm khoảng 40% thì thị trường có tính đầu cơ quá mạnh. Có những giai đoạn, ở một số phân khúc đất nền tại TP.HCM và một số nơi kỳ vọng được quy hoạch thành đặc khu, tính đầu cơ này rất rõ nét. Nhưng bây giờ thị trường đã chững lại. Nhìn vào những tín hiệu đó trên thị trường để thấy rằng, chúng ta có những mối lo ngại và rất cần thận trọng nhưng không nên quá hốt hoảng.
Nhận định về 3 dấu hiệu của "bong bóng" bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho rằng cần nhận thấy mức độ thanh khoản của thị trường có tốt không, khả năng mua và bán lại như thế nào? Giá của thị trường, giá có tăng hay giảm quá mạnh không và phải nhìn tổng thể, không chỉ một vài khu vực. Thị trường thứ cấp có quá "nóng" không?
Theo bà Dung, về mức độ thanh khoản của thị trường, theo chu kỳ 10 năm từ 2007 - 2017, trong đó từ năm 2007-2014 thị trường phát triển chậm, nhưng trong 4 năm trở lại đây từ 2014 - 2017 thị trường bất động sản lại phát triển tốt, dự án đất nền không tăng quá cao.
Mỗi năm, tính cả TP. HCM và Hà Nội có tới 80.000 căn hộ chào bán mới, có tỷ lệ hấp thụ: 65-85% tùy thuộc phân khúc, lớn nhất ở phân khúc bình dân và trung cấp. Nhưng người mua thực chứ không phải đầu cơ.
Theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam khá cân bằng trong 12 tháng trở lại đây. Tỷ lệ căn hộ thuộc phân khúc trung cấp (giá bán 800-1.500 USD/m2), trước đây chỉ chiếm 35%, đến nay chiếm tới 60% tổng số dự án trên thị trường, căn hộ bình dân chiếm 25%. Tính cả phân khúc trung cấp và bình dân đã chiếm 75-80% tổng nguồn cung, các chủ đầu tư đã hướng đến người mua để ở. Thanh khoản thị trường bất động sản vẫn lành mạnh.
Thống kê của CBRE cũng cho thấy, giao dịch online có đến 85 triệu lượt “search” (tìm kiếm) có đến 44% tìm kiếm căn hộ có giá 1.000 – 1.500 USD/m2, mức giá gần với nguồn cung trên thị trường.
Trong số 3 sản phẩm được ưu ái: căn hộ, đất nền, nhà phố, cho thấy giao dịch trên thị trường giao dịch căn hộ vẫn sôi động nhất đối với mua để ở và cho thuê. Còn đầu cơ tập trung vào đất nền. Nguồn cung phân khúc căn hộ cao cấp có giảm trong 3 năm qua dù vẫn cao. Nếu tính mức tăng giá cho toàn bộ phân khúc: cao cấp, trung cấp, bình dân, hạng sang thì giá bình quân chỉ tăng 3-5%.
Giá đất nền, đâu đó tại khu vực có dự án đất nền tốt và cơ sở hạ tầng tốt thì giá tăng 40-50%, nếu cơ sở hạ tầng tốt hơn giá tăng 70-80%. Khu vực quận 2, quận 7 tại TP.HCM giá tăng từ 12-14%.
Lý giải về nguyên nhân "sốt" đất nền vùng ven TP.HCM như: huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, bà Dương Thùy Dung cho rằng do tại Hóc Môn dự kiến có dự án vệ tinh, hay sẽ có dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) đã tác động đến tâm lý người mua chọn đất nền.
Bên cạnh đó, rủi ro xảy ra cháy tại chung cư Carina cũng như tại thời điểm này không có nhiều dự án căn hộ được tung ra cũng khiến người lựa chọn đất nền. Nhưng đến tháng 5 – 6/2018, tâm lý người mua đã được trấn an, không chạy theo đám đông như những chu kỳ trước. Như vậy, khó có khả năng bong bóng bất động sản.