Aa

Sau tuần giao dịch khởi sắc, rủi ro cả ngắn và trung hạn với VN-Index đang tăng lên?

Chủ Nhật, 03/03/2024 - 06:15

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì được sự tích cực, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản ghi nhận mức tăng tốt trong tuần từ 26/2 - 1/3. Xu hướng thị trường chứng khoán trong tuần tiếp theo sẽ như thế nào?

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động tích cực trong tuần giao dịch từ 26/2 - 1/3. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 1/3, VN-Index kết phiên ở mức 1.258,28 điểm, tăng 46,28 điểm (3,82%) so với tuần trước, vượt lên trên mốc 1.255,11 - là mức điểm số cao nhất tháng 9/2023. Tương tự, HNX-Index tăng 5,35 điểm (2,32%) lên 236,43 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 1 điểm (1,11%) lên 91,16 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức tương đương so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 25.967 tỷ đồng/phiên, giảm 2,2%. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt tương đương tuần trước ở mức 24.167 tỷ đồng/phiên.

Tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như sự kiện quan trọng. Theo đó, CPI tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 19,2%, nhập khẩu tăng 18%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD. PMI tháng 2 của Việt Nam tiếp tục duy trì trên ngưỡng 50 điểm, đạt 50,4 điểm. Đáng chú ý, ngày 28/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Ngoài ra, ngày 26/02, Nga đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng, hiệu lực từ ngày 1/3/2024. 

Trong tuần, dòng tiền luân chuyển nhịp nhàng và giúp các dòng cổ phiếu thay nhau tăng giá. Ở nhóm bất động sản, diễn biến tích cực đã giúp đa phần các mã thuộc nhóm này đi lên.

Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là cổ phiếu IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật với mức tăng hơn 16%. Mới đây, IJC đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền phát hành thêm cổ phiếu tỷ lệ 50% (2 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới), khối lượng dự kiến phát hành là 125,9 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.259,2 tỷ đồng. Trong đó, thời gian đăng ký mua và nộp tiền từ ngày 5/3 đến ngày 25/3. Becamex IJC cho biết, số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 466 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước; 628,7 tỷ đồng trả nợ gốc/lãi vay ngắn hạn, dài hạn, trái phiếu và trả nợ khách hàng; còn lại bổ sung vốn kinh doanh.

Cổ phiếu KDG của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền gây bất ngờ khi lọt top tăng giá ở nhóm bất động sản với hơn 10% chỉ sau một tuần giao dịch. Doanh nghiệp này mới đây cũng công bố tài liệu thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành riêng lẻ hơn 110 triệu cổ phiếu. Trong đó, số tiền huy động hơn 3.000 tỷ đồng, công ty dự kiến dùng 300 tỷ đồng trả nợ vay giải ngân trong năm 2024 và năm 2025; 2.700 tỷ đồng đầu tư góp thêm vốn vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc để đơn vị này thanh toán các khoản nợ ngân hàng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 7.993,1 tỷ đồng, lên 9.094 tỷ đồng.

Sau tuần giao dịch khởi sắc, rủi ro cả ngắn và trung hạn với VN-Index đang tăng lên?- Ảnh 1.

20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 26/2 - 1/3.

Bên cạnh đó, có khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tăng giá mạnh như HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô (9,65%), CEO của Tập đoàn C.E.O (6,6%), NTL của CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm tăng 6,4%...

Trong tuần qua, bộ ba cổ phiếu "họ" Vin biến động không quá lớn nên không gây ra những tác động đáng kể lên thị trường, trong số này chỉ có VRE của CTCP Vincom Retail tăng tốt nhất với 4,7%. Hai mã VHM của CTCP Vinhomes và VIC của Tập đoàn Vingroup tăng lần lượt 1,5% và 0,11%.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản giảm mạnh hầu hết thuộc nhóm có thanh khoản thấp. Trong đó, XDH của CTCP Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội giảm mạnh nhất với gần 11%, tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này trong tuần qua chỉ vỏn vẹn 21 đơn vị/phiên.

Tương tự, MGR của CTCP Tập đoàn MGROUP cũng giảm 10,4%, HU6 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD6 giảm 9,5%, EFI của CTCP Tài chính giáo dục giảm 9,1%..., đây đều là những cổ phiếu có thanh khoản rất thấp.

Sau tuần giao dịch khởi sắc, rủi ro cả ngắn và trung hạn với VN-Index đang tăng lên?- Ảnh 2.

20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 26/2 - 1/3.

Trong danh sách giảm giá mạnh ở nhóm bất động sản, ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo gây chú ý khi giảm 4,6%. Cổ phiếu ITA bất ngờ giảm trong tuần qua bất chấp những diễn biến tích cực của thị trường chung cũng như nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp nói riêng. Mới đây, công ty đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc xin tạm hoãn công bố BCTC kiểm toán 2023 và báo cáo thường niên 2023, với nguyên nhân liên quan đến kiểm toán viên. 

Theo công văn, ITA cho biết ngày 5/5/2023, công ty đã ký hợp đồng kiểm toán về soát xét BCTC kiểm toán 2023 với Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính kế toán và Kiểm toán phía Nam (công ty kiểm toán AASCS). Nhưng vào ngày 29/12/2023, AASCS đã gửi thông báo không thực hiện nội dung kiểm toán cho ITA do không thu xếp được nhân sự và thiếu thời gian, đồng thời thanh lý hợp đồng kiểm toán đã ký vào ngày 5/5/2023. Cụ thể, AASCS ngừng kiểm toán bởi hai kiểm toán viên là ông Phùng Văn Thắng và Tạ Quang Long đã thực hiện kiểm toán cho ITA với BCTC năm 2022 và bán niên soát xét năm 2023 đã bị UBCKNN tước giấy phép hành nghề trong 2 năm. ITA cho rằng, đây là trường hợp bất khả kháng nên xin tạm hoãn công bố các báo cáo nêu trên và cho biết, dù đã liên hệ với 30 công ty kiểm toán được chấp thuận trên thị trường, nhưng các công ty này đều lo sợ khi các công ty kiểm toán cho ITA đều bị UBCKNN và HoSE cố tình gây khó khăn và tước giấy phép hành nghề như hai cá nhân nêu trên tại AASCS và kiểm toán viên cho ITA tại Ernst & Young Việt Nam trước đó cũng bị tước giấy phép.

Xu hướng thị trường chứng khoán trong tuần tiếp theo ra sao?

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, VN-Index vượt vùng cản mạnh 1.250 điểm chưa đủ độ tin cậy dù đà hưng phấn có thể tiếp tục đẩy thị trường tiếp diễn đà tăng để tiệm cận cản mạnh 1.300 điểm. Giai đoạn hiện tại, rủi ro cả ngắn và trung hạn đối với VN-Index đang tăng lên, do vậy nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng và hạn chế giao dịch cũng như mua đuổi. Với tầm nhìn trung, dài hạn, thị trường đang vận động trong nhịp tăng của kênh tích lũy nhưng đã tiệm cận cản trên nên có thể sẽ rung lắc mạnh.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết thị trường tiếp tục có trạng thái giằng co và thăm dò vùng 1.250 điểm. Thanh khoản giảm kèm diễn biến nâng đỡ cuối phiên, cho thấy nguồn cung đang có động thái hạ nhiệt. Tín hiệu hiện tại cho thấy vùng 1.250 điểm đang có động lực hỗ trợ và diễn biến kiểm tra lại vùng 1.250 điểm vẫn đang theo chiều hướng khả quan. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và có cơ hội nới rộng xu thế tăng trong tuần giao dịch tiếp theo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top