Aa

Nhiều cổ phiếu bất động sản rung lắc trong tuần 19 - 23/2, VRE gây đột biến

Thứ Bảy, 24/02/2024 - 19:00

Bất chấp việc nhiều cổ phiếu bất động sản rung lắc mạnh thì VRE có biến động đi ngược và tăng giá rất mạnh.

Sau khi tăng mạnh và đạt mức cao nhất 1.240,8 điểm, tương ứng vùng đỉnh giá tháng 8, 9 năm 2023, thị trường biến động hẹp trong đa phần các phiên giao dịch của tuần từ 19 - 23/2/2024. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, VN-Index có biến động rất lớn khi bất ngờ tăng điểm mạnh từ đầu phiên dưới ảnh hưởng của các cổ phiếu ngân hàng. Sau đó, áp lực bán tăng đột biến trong phiên chiều dẫn đến chỉ số có phiên giảm điểm mạnh với khối lượng giao dịch đột biến hơn 1,3 tỷ cổ phiếu. 

Kết thúc tuần, VN-Index vẫn tăng điểm nhẹ so với phiên cuối tuần trước với 1.212 điểm, tương ứng tăng 2,3 điểm (0,19%). Trong khi đó, HNX-Index kết tuần ở mức 231,08 điểm, giảm 1,96 điểm (0,84%). UPCoM-Index tăng nhẹ 0,1 điểm (0,11%) lên 90,16 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với các tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt trên 118.100 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trung bình đạt gần 1 tỷ cổ phiếu/phiên. HNX-Index thanh khoản cũng tăng mạnh với 8.772 tỷ đồng được giao dịch.

Ngân hàng là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong tuần với mức độ phân hóa cao. Trong khi đó, đa số các nhóm ngành cổ phiếu khác có biến động không mấy tích cực. Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, số mã giảm áp đảo với những cái tên đáng chú ý như TCH của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy với mức giảm 6,2%. Tương tự, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng giảm 6,1%. Mới đây, bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT DIG, đã hoàn tất bán ra 940.000 cổ phiếu DIG trong ngày 6/2. Sau giao dịch, bà Thành hạ sở hữu tại DIG xuống chỉ còn 4.902 cổ phiếu. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn đang trực tiếp nắm giữ gần 47 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 7,68% vốn.

PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng giảm hơn 5,7%. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định về việc phê duyệt tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp bổ sung do điều chỉnh quy hoạch của dự án Đầu tư phát triển đô thị du lịch tại Phân khu số 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội. Được biết, dự án do PDR làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 8.550 tỷ đồng.

Ngoài ra, những cái tên đáng chú ý khác giảm giá của nhóm bất động sản còn có DXG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (-4,75%), HDG của Tập đoàn Hà Đô (-4,25%)...

Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản là HU6 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD6 với 13,7%. Tuy nhiên, HU6 nằm trong diện thanh khoản rất thấp. Hai mã gồm BVL của Công ty Cổ phần BV Land và PVR của Đầu tư PVR Hà Nội đều giảm trên 10% và cũng thuộc diện thanh khoản rất thấp.

Nhiều cổ phiếu bất động sản rung lắc trong tuần 19 - 23/2, VRE gây đột biến- Ảnh 1.

20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 19 - 23/2.

Tâm điểm của nhóm ngành này trong tuần qua là cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail khi tăng mạnh 13,1%. Mới đây, một số công ty chứng khoán đã công bố báo cáo về VRE, trong đó, Chứng khoán Everest (EVS) có đề cập đến việc VRE dự kiến sẽ khai trương thêm 6 trung tâm thương mại với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 160.000m2.

Trong khi đó, VHM của CTCP Vinhomes và VIC của Tập đoàn Vingroup sau khi tăng mạnh ở phiên đầu tuần thì cũng có sự chững lại sau đó. Kết tuần, VHM tăng 1,4% còn VIC tăng 2,8%.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về V11 của CTCP Xây dựng số 11 với 25%. PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương cũng tăng 20%. Dù vậy, cả hai cổ phiếu trên đều có thanh khoản rất thấp.

Nhiều cổ phiếu bất động sản rung lắc trong tuần 19 - 23/2, VRE gây đột biến- Ảnh 2.

20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 19 - 23/2.

Thận trọng quan sát cung - cầu thị trường

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết, áp lực chốt lời tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua sau khi VN-Index chạm vùng kháng cự quanh 1.240 điểm. Việc thị trường áp sát vùng kháng cự mạnh và thông tin lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong một vài phiên gần đây đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và kích hoạt làn sóng chốt lời. Đà điều chỉnh còn được thúc đẩy bởi động thái bán ròng mạnh của khối ngoại, tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Mặc dù vừa trải qua một phiên điều chỉnh khá mạnh, ông Hinh cho rằng, nhà đầu tư cũng không nên quá hoảng sợ. Chuyên gia này cho rằng những đà tăng của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời do "sự thiếu hụt thanh khoản cục bộ tại một ngân hàng" chứ không đại diện cho bức tranh chung của hệ thống. Trên thị trường một, một số ngân hàng vẫn tiếp tục hạ lãi suất huy động, trong khi tín dụng tháng 1 toàn hệ thống tăng trưởng âm do hiệu ứng đầu năm. Với việc nhu cầu tín dụng hiện chưa cao, ông Hinh cho rằng áp lực lên lãi suất huy động và cho vay sẽ chưa lớn và việc tăng gần đây của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời và sẽ sớm lắng dịu.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường vẫn chưa đánh mất xu thế tăng ngắn hạn khi VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường MA20 và vùng 1.190 - 1.200 điểm sẽ là vùng hỗ trợ của thị trường. Do đó, nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu mà nên quan sát diễn biến cung cầu thị trường ở vùng hỗ trợ 1.190 - 1.200 điểm. Đồng thời, nhà đầu tư cũng chưa nên mở vị thế mua mới khi thị trường vừa trải qua một phiên biến động mạnh và cần tìm vùng cân bằng trở lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top