Đây là một trong những thông tin được Chính phủ đưa ra trong Báo cáo số 207/BC - CP gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tại Thông báo số 983/TB – TTKQH ngày 15/5/2022 và Báo cáo thẩm tra số 884/BC – UBKT15 ngày 10/5/2022 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Liên quan đến thứ tự ưu tiên đầu tư Dự án trong bối cảnh các dự án đường Vành đai khác của TP. Hà Nội còn chưa bảo đảm tiến độ, Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hà Nội xác định việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là hết sức cấp thiết vì sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho hệ thống giao thông vận tải thủ đô (giảm tải lưu lượng trên hệ thống đường vành đai, giảm tải lưu lượng phương tiện quá cảnh qua trung tâm thành phố, kéo dãn mật độ dân cư tại khu vực đô thị trung tâm, giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường...); tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô nói chung và của TP. Hà Nội nói riêng; kích hoạt nguồn lực đầu tư phát triển từ việc quy hoạch và sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường...
Tuy nhiên, song song với việc tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4, TP. Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch và đã bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 để đầu tư hoàn thiện, thông tuyến các tuyến vành đai khác để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch.
Hiện nay, trên địa bàn TP/ Hà Nội, trong phạm vi phía trong đường Vành đai 4 đang triển khai lập, trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, thì TP. Hà Nội đã, đang và có kế hoạch triển khai đầu tư đối với 5 tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị trung tâm (Bao gồm: Vành đai 1; Vành đai 2; Vành đai 2,5; Vành đai 3 và Vành đai 3,5) xác định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 được HĐND TP. Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021.
Theo đó, TP. Hà Nội cơ bản sẽ hình thành và thông tuyến được khoảng 154 km/179 km (đạt khoảng 86%) của 5 tuyến đường vành đai. Cụ thể như sau:
Tuyến đường Vành đai 1: Hiện nay đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được 4,71 km/7,21 km và phần còn lại đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng theo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Dự án này đã được khởi công xây dựng, song do khó khăn về giải phóng mặt bằng (khoảng 2.000 hộ dân), tồn tại nhiều khó khăn như: các hộ dân không hợp tác, có nhiều nội dung kiến nghị về diện tích, đơn giá đền bù... tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện và giải quyết các khó khăn vướng mắc.
Tuyến đường Vành đai 2: Hiện nay đã hình thành toàn tuyến và khép kín đường vành đai, trong đó đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch 28,46km; đang thi công mở rộng với quy mô quy hoạch 6,54km theo Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Dự án đường vành đai 2 trên cao thực hiện theo hợp đồng BT. Như vậy, tại thời điểm hiện tại, tuyến đường vành đai 2 đã được khép kín và thông tuyến toàn bộ. Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành việc đầu tư theo quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (35 km/39 km, tương ứng khoảng 90%).
Tuyến đường Vành đai 2,5: Chiều dài khoảng 19,41km. Hiện nay đã đầu tư theo quy hoạch được 9,59 km, đang thực hiện đầu tư 5,97km và xác định đầu tư đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng dài khoảng 1 km tại tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, tuyến Vành đai 2,5 sẽ hoàn thành việc đầu tư theo quy hoạch được 16,56km/19,41km (đạt khoảng 85%). Phần tuyến vành đai 2,5 dài khoảng 2,85km là các đoạn đi qua các cụm dân cư lớn, trong trường hợp triển khai thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân khu vực đi qua, việc giải phóng mặt bằng triển khai dự án có thể kéo dài, dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cũng như hiệu quả dự án sẽ không cao. Theo đó việc nghiên cứu triển khai đoạn tuyến này sẽ được tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
Tuyến đường Vành đai 3: Chiều dài khoảng 68km. Hiện nay đã được đầu tư, thông tuyến được 54km từ Nội Bài đến Việt Hùng, Đông Anh. Như vậy, tại thời điểm hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đã được thông tuyến toàn bộ từ Nội Bài đến Việt Hùng, Đông Anh, phục vụ nhu cầu di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, sang phía Đông thành phố và ngược lại. Việc đầu tư đoạn tuyến vành đai 3 phía Bắc dài khoảng 14km từ cao tốc Hà Nội Thái Nguyên - Nội Bài để khép kín tuyến đường Vành đai 3 sẽ được UBND TP. Hà Nội nghiên cứu thực hiện tổng thể cùng với việc phát triển đô thị phía Bắc Sông Hồng.
Tuyến đường Vành đai 3,5: Chiều dài khoảng 45,64km. Hiện nay đã đầu tư theo quy hoạch được 9,5km (từ Đại Lộ Thăng Long - Trục phía Nam); đang thực hiện đầu tư theo quy hoạch 5,5km từ Quốc lộ 32 - Đại Lộ Thăng Long theo 2 dự án và đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 25,1km theo 5 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18.526 tỷ đồng. Các dự án đang thực hiện đầu tư và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đã được xác định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của TP. Hà Nội. Như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025, tuyến đường vành đai 3,5 sẽ được đầu tư theo quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (40,1km/45,64km tương ứng khoảng 88%), riêng đoạn tuyến còn lại từ cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ - Cầu Ngọc Hồi - Hưng Yên sẽ được tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
Về khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ cho biết, việc đầu tư hình thành, thông tuyến các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm (Vành đai 1; Vành đai 2, Vành đai 2,5; Vành đai 3 và Vành đai 3,5), trong đó cơ bản tập trung cho tuyến vành đai 2,5 và 3,5 với nhu cầu vốn khoảng 17.000 tỷ đồng được cân đối từ nguồn 36.000 tỷ đồng được xác định dành do các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xác định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của TP. Hà Nội.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Cụ thể, tuyến đường thuộc phạm vi Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua địa phận TP. Hà Nội dài 58,2km; Hưng Yên dài 19,3km; Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối 9,7km.
Dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với bề rộng từ 90 - 135m, thực hiện đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17m (bề rộng cầu 17,5m); các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng và các lối ra vào đường cao tốc.
UBND TP. Hà Nội đề xuất đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên rộng 12m; tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.341ha.
Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư đầu tư công kết hợp đầu tư PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư là khoảng 85.813 tỷ đồng. Dự án được chia làm 7 dự án thành phần độc lập với nhau, trong đó Dự án thành phần 3 - đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT do UBND TP. Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong tờ trình mới nhất, mốc thời hạn hoàn thành Dự án đã được lùi thêm 1 năm so với các tờ trình gửi Quốc hội trước đó.
Tại Báo cáo số 207/BC – CP về việc tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết là quyết tâm của Chính phủ và các địa phương là cơ bản hoàn thành Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và khả năng cân đối, bố trí vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách khác, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian thực hiện “siêu dự án” này được xác định là cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2027.