Aa

Siêu cầu 19.300 tỷ kết nối 2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam thay cho hầm vượt sông dự kiến được chia nhỏ để xây dựng

Thứ Năm, 08/05/2025 - 20:43

Thành phố đang nghiên cứu phương án triển khai cầu kết nối với các dự án thành phần.

Theo báo Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai vừa thống nhất với TP. HCM về việc giao Sở Xây dựng của 2 địa phương nghiên cứu lại kế hoạch triển khai dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái) theo hướng phân chia dự án thành phần, không góp chung thành dự án lớn, để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

Theo đó, tỉnh Đồng Nai đưa ra phương án đầu tư chia dự án thành 4 hợp phần cụ thể. Trong đó, dự án thành phần 1 liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng phía TP. HCM, với tổng kinh phí dự kiến hơn 3.600 tỷ đồng, do UBND TP. HCM làm chủ đầu tư.

Siêu cầu 19.300 tỷ kết nối 2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam thay cho hầm vượt sông dự kiến được chia nhỏ để xây dựng- Ảnh 1.

Khu vực phà Cát Lái hiện nay. Ảnh: Internet

Dự án thành phần 2 là công tác giải phóng mặt bằng phía Đồng Nai, có kinh phí gần 3.000 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Nai đảm trách.

Dự án thành phần 3 - phần chính của toàn bộ kế hoạch là xây dựng cầu Cát Lái, với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức BOT có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (tỷ lệ vốn BOT 51%, vốn ngân sách 49%).

Dự án thành phần 4 gồm tuyến đường nối từ sau trạm thu phí cầu Cát Lái (khoảng Km6+300) đến cuối tuyến phía tỉnh Đồng Nai, với kinh phí gần 3.800 tỷ đồng và do tỉnh Đồng Nai triển khai.

Siêu cầu 19.300 tỷ kết nối 2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam thay cho hầm vượt sông dự kiến được chia nhỏ để xây dựng- Ảnh 2.

Dự kiến cầu Cát Lái sẽ được chia làm 4 dự án thành phần. Ảnh minh họa

Dự án cầu Cát Lái có chiều dài hơn 11km, trong đó phần cầu dài hơn 3km. Điểm đầu của tuyến nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m, điểm cuối kết nối vào đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại lý trình Km33+500. Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án khoảng 19.300 tỷ đồng.

Việc xây dựng cầu Cát Lái không chỉ nhằm thay thế tuyến phà đã quá tải, thường xuyên gây ùn tắc nghiêm trọng trong nhiều năm qua, mà còn mở ra một trục giao thông chiến lược nối liền TP. HCM với Đồng Nai - 2 địa phương nằm trong nhóm có thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu cả nước. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại khu vực Nhơn Trạch, nơi đang được định hướng trở thành một đô thị vệ tinh trọng điểm trong chiến lược mở rộng không gian vùng đô thị TP. HCM.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top