Báo Pháp luật TP. HCM cho biết, trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. HCM về công tác di dời nhà ven kênh, TP đã đặt ra chỉ tiêu bồi thường, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo: Tiến hành di dời 6.500 nhà trên và ven kênh rạch. Tuy nhiên đến nay, công tác di dời nhà ven kênh vẫn gặp khá nhiều khó khăn nên thời điểm hiện tại chỉ bồi thường và di dời được 2.984/6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Hiện nay, TP đang có 5 dự án đã hoàn tất công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các cơ quan, đơn vị thực hiện đầu tư xây dựng kè bờ, hệ thống thoát nước dọc tuyến, cải tạo môi trường.
Ngoài ra, 6 dự án khác hiện đang được triển khai công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng. Trong đó có những công trình trọng điểm như dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm, Bờ Bắc Kênh Đôi.

TP. HCM lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thi, trong đó có việc di dời gần 40.000 hộ dân sống ven bờ kênh, rạch trên địa bàn. Ảnh: Internet
Theo phương án bố trí vốn, tính đến hết năm 2025, TP dự kiến sẽ bồi thường và di dời được 5.548 căn/6.500 căn, đạt tỉ lệ 85,35% chỉ tiêu đề ra.
Cùng với những thành tựu đã đạt được, UBND TP cũng xác nhận vẫn còn nhiều thách thức: Trên địa bàn TP hiện còn khoảng 39.000 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch thuộc 398 dự án/tuyến sông, kênh, rạch trải rộng trên địa bàn khu vực chưa được triển khai thực hiện.

Việc cải tạo hệ thống kênh, rạch hướng đến việc khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị cũng như khai thác quỹ đất 2 bên kênh rạch để phát triển kinh tế. Ảnh: Internet
Đánh giá về hiện trạng này, UBND TP. HCM cho rằng do nguồn lực hạn chế, TP hiện đang tập trung vốn cho các dự án có mặt bằng hoặc các dự án dễ thực hiện công tác bồi thường, trong khi các dự án di dời nhà ven kênh có phần vốn bồi thường là chủ yếu nên đa số các dự án này chưa được bố trí vốn hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, khiến kết quả di dời nhà trên và ven kênh rạch còn khiêm tốn, chậm tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Trước đó theo thông tin trên Tạp chí Nhịp sống Thị trường, thời điểm cuối tháng 5/2025, Sở Xây dựng TP. HCM đã gửi UBND TP. HCM tờ trình phê duyệt đề án chỉnh trang đô thị khu vực trên và ven sông, kênh, rạch (ven kênh) giai đoạn 2025-2030 sau khi tiếp thu các góp ý và hoàn thiện đề án.

TP. HCM sau sáp nhập đơn vị hành chính sẽ là siêu đô thị giàu có của Việt Nam. Ảnh: Internet
Dự thảo đề án này đặt mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030 cơ bản sẽ di dời và tái định cư cho toàn bộ người dân sống ven kênh với số lượng sơ bộ khoảng 39.000 căn.
Ngoài việc cải thiện đời sống của người dân, việc triển khai đề án còn hướng đến việc khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị cũng như khai thác quỹ đất 2 bên kênh rạch để phát triển kinh tế.
Theo lộ trình được nêu trong đề án, năm 2025 đề án sẽ được phê duyệt. Giai đoạn 2025-2026 sẽ nghiên cứu và điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 các khu vực dự kiến sẽ chỉnh trang đô thị kết hợp khai thác quỹ đất để phát triển kinh tế; thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Giai đoạn 2026-2027, TP. HCM sẽ hoàn tất các thủ tục xây dựng và tiến hành khởi công các dự án nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội nhằm tạo quỹ nhà bố trí tái định cư cho người dân khi di dời hay giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn 2028-2030 sẽ tập trung công tác bồi thường, tiến hành thu hồi đất cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, bờ kè, phát triển công viên và không gian công cộng.
Từ ngày 1/7, Sự kết hợp giữa TP. HCM cũ, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên địa phương mới hội tụ hệ sinh thái công nghiệp - cảng biển - logistics toàn diện. TP. HCM sau khi sáp nhập đơn vị hành chính được định hướng trở thành trung tâm kinh tế - công nghiệp - cảng biển lớn nhất cả nước, phấn đấu lọt TOP 100 thành phố đáng sống nhất trên thế giới, dẫn đầu khu vực vào năm 2045.