Trong một nghiên cứu vừa được công bố mới đây, bà Regina Lim - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường vốn, Đông Nam Á của JLL đã phân tích, Đông Nam Á là khối kinh tế lớn thứ ba trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sau Trung Quốc và Nhật Bản. Khu vực có dân số hơn 620 triệu người và là thị trường 2,6 nghìn tỷ USD. Các xu hướng kinh tế - xã hội cơ bản mạnh mẽ củng cố nhu cầu về BĐS tại khu vực này. Độ tuổi trung bình ở khu vực là 30 tuổi, và dân số từ 15 - 39 tuổi chiếm 40%. Điều này thúc đẩy sự gia tăng dân số mạnh mẽ đạt mức 1,3% và tăng trưởng trung bình GDP là 5,0% trong giai đoạn 2017 - 2021.
Nhờ vào chỉ số tăng trưởng cao, PricewaterhouseCoopers (PwC) dự báo vào năm 2050 Indonesia sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới cùng với Philippines và Việt Nam xếp lần lượt thứ 19 và 20. ASEAN sẽ có quy mô tương đương Châu Âu với tư cách là khu kinh tế lớn thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Nền kinh tế Singapore đã gắn liền với sự phát triển của Đông Nam Á. Singapore đã có một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ với GDP tăng 5,8% mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2010. Tuy nhiên, tốc độ này đã giảm xuống 4% và thấp hơn mức tăng trưởng của Đông Nam Á do những thay đổi về chính sách và những thách thức kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2010-2016.
Theo nghiên cứu, trong Quý I/2017, tăng trưởng GDP của Đông Nam Á đạt 4,8%, tăng từ 4,5% của năm 2016 nhờ bối cảnh xuất khẩu toàn cầu được phục hồi. Xuất khẩu tính theo đồng USD tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và JLL dự báo xuất khẩu của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng 7% mỗi năm trong 5 năm tới. Riêng với Singapore, nền kinh tế nửa này đầu năm 2017 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước và các chuyên gia kinh tế dự đoán GDP của Singapore sẽ tăng 2,9% mỗi năm trong vòng 3 đến 5 năm tới trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng 5% mỗi năm.
Sự phục hồi của Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Singapore trong bối cảnh các công ty toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội để tham gia vào khu vực này và tiếp tục chọn Singapore là nơi đặt trụ sở chính.
Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế toàn cầu, nhưng mức rủi ro kinh tế của Singapore sẽ giảm bởi chính sách tài khóa và tiền tệ xuất sắc, thặng dư tài khoản vãng lai lớn và lượng dự trữ ngoại tệ cao. Singapore luôn đứng thứ nhất trong các cuộc khảo sát về Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, nhờ vào mức thuế thấp, thị trường minh bạch và tệ quan liêu không đáng kể.
Singapore đang định vị lại nền kinh tế của chính mình nhằm đưa Đông Nam Á trở thành một trung tâm sản xuất, đô thị hoá và nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Chính phủ nước này cũng đang đầu tư vào các mô hình khởi nghiệp và những ý tưởng đổi mới.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho phép các doanh nghiệp trong khối có thể giao dịch và tiếp cận các thị trường trong khu vực với mức thuế hải quan gần như bằng không.
Những quy định khắt khe cũng đã được nới lỏng trong ít nhất 80 ngành dịch vụ. Các nước ASEAN hiện cho phép những doanh nghiệp nước ngoài được sở hữu tài sản trong nhiều lĩnh vực. Lấy ví dụ, các công ty Singapore có thể sở hữu 100% cổ phần trong các dịch vụ tư vấn và thiết kế kỹ thuật tại Indonesia, cũng như các ngành dịch vụ xây dựng và kỹ thuật tại Myanmar. Trong năm 2015 - 2016, số lượng việc làm tăng 0,6% thường niên, hay 16.000 việc làm mỗi năm, nhưng chính phủ Singapore đã tuyên bố mục tiêu tăng từ 25.000 - 40.000 việc làm mỗi năm trong 5 năm tới. Những công việc này tập trung vào năm lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, viễn thông và truyền thông, kinh doanh, các dịch vụ tài chính, các dịch vụ chuyên biệt.
Những lĩnh vực này sẽ phục vụ khu vực Đông Nam Á và phát huy thế mạnh của Singapore như: trình độ học vấn cao, khuôn khổ pháp lý vững chắc, môi trường kinh doanh thuận lợi, mức thuế thấp và không tham nhũng.
JLL ước tính rằng số việc làm các lĩnh vực trên sẽ tăng trưởng 3,5% - 4,5% hàng năm ngay cả khi nền kinh tế Singapore chỉ ở mức tăng trưởng 2% - 4% mỗi năm. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu văn phòng vì các ngành nghề này luôn đòi hỏi diện tích văn phòng lớn.
Câu hỏi đặt ra là “Đầu tư vào Singapore như thế nào?”, theo bà Regina Lim có 2 hướng đầu tư. Một là mua các mặt bằng văn phòng tại Singapore và hai là mua các mặt bằng bán lẻ.
Bà Lim phân tích, giá thuê văn phòng ở những khu vực trung tâm Singapore đã giảm 27% trong 2,5 năm qua, nhưng đã có lần tăng đầu tiên trong Qúy II/2017. JLL vừa điều chỉnh thông số trong dữ liệu Triển vọng Cho thuê 2017 - 2021 và hiện tại mức giá thuê văn phòng dự kiến sẽ tăng trong 4 năm tiếp theo.
JLL dự báo nhu cầu văn phòng tại Singapore được thúc đẩy bởi các hoạt động kinh tế ở Đông Nam Á, khu vực đang tăng trưởng 5% mỗi năm.
"Chúng tôi cho rằng Singapore sẽ thúc đẩy tăng trưởng số việc làm hàng năm từ 3,5% - 4,5% vào công nghệ, kinh doanh và lĩnh vực tài chính nhằm phát huy thế mạnh của mình và phục vụ cho toàn khu vực. Theo quan sát của JLL, nguồn cung mới sẽ ở mức thấp trong thập kỷ tiếp theo. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004, Chương trình Bán đất Chính phủ trong 6 tháng cuối năm 2017 không xuất hiện các dự án văn phòng trong danh sách Đặt mua hoặc Giữ chỗ.
Chúng tôi cho rằng chính phủ Singapore sẽ tập trung bán các dự án bên ngoài trung tâm trong những năm tới, đây được xem là một phần của chiến lược mang công việc đến gần nhà hơn", bà Lim nhấn mạnh.
Về mặt bằng bán lẻ, sau 3 năm suy giảm giai đoạn 2014 - 2016, doanh thu bán lẻ trong Qúy II/2017 của Singapore (trừ hạng mục xe cơ giới) đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. JLL dự kiến con số này sẽ tăng 1% - 3% mỗi năm trong 5 năm tiếp theo nhờ vào mức lạm phát hồi phục đến 1% thường niên và mức độ tăng lương vẫn tiếp tục từ 3% - 5% mỗi năm. Nguồn cung mới trong 5 năm tới sẽ còn thấp do chính phủ đã giảm bớt xây dựng dự án mới từ năm 2013.