Chứng khoán tuần 7 - 11/5: Rộng mở cơ hội đầu tư
Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 vẫn với sự sụt giảm của các chỉ số chính. Thị trường tiếp tục lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần khi hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị kéo xuống mức giá sàn. Đà hồi phục chỉ được kích hoạt khi VN-Index về sát với ngưỡng 1.000 điểm. Mặc dù với việc thanh khoản thấp cũng như khối ngoại bán ròng mạnh đã khiến đà hồi phục bị ảnh hưởng đáng kể.
Liệu rằng thị trường có thể tiếp tục đà hồi phục trong tuần sau hay các phiên trước đó lại là hiện tượng 'bull-trap'?
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), các nhóm cổ phiếu tiếp tục suy giảm mạnh nhưng đã dần hình thành nền giá ngắn hạn khiến VN-Index vận động quanh vùng 1.020 điểm. Kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng rất tốt nhưng dường như thị trường đã kỳ vọng quá cao để nhóm này rơi tự do mặc cho những thông tin tốt liên tục được công bố. Áp lực bán margin vẫn còn lớn khi thanh khoản chưa thực sự trở lại tại những cổ phiếu nóng trong thời gian qua như ở nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Mặc dù chỉ số VN-Index đã có phiên hồi phục ngay khi chạm ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm nhưng giao dịch trong phiên vẫn còn rải rác và khối ngoại bán ròng mạnh tại cổ phiếu trụ dẫn đến tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư trong nước. Chỉ số VN-Index cần thời gian để kiểm tra lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Liều lĩnh làm giàu trong cơn sốt đất
Một sàn giao dịch BĐS tại quận 9 tự đặt tên cho dự án gồm 25 nền đất tầm 50m2/nền tại khu vực Long Trường rồi rao bán. “Dự án” đã nhanh chóng cháy hàng chỉ sau 4 ngày ra quân.
Cũng không ít nhà đầu tư mù quáng mua vào trong cơn sốt đất với tâm lý sợ mất cơ hội và tin tưởng vào lời cam kết của môi giới. Anh Thuận, một nhà đầu tư lâu năm cho biết đã gặp nhiều trường hợp khách mua không thèm đi xem đất, không xem pháp lý, hoàn toàn tin vào môi giới. Nhóm đối tượng này chủ yếu là các nhà đầu tư phía Bắc.
Nhiều người tin lời môi giới sợ mất cơ hội còn vội vã xuống tiền 40-50% giá trị đất dù không có hồ sơ pháp lý nào của dự án. Không thiếu người mua chỉ cần thấy đất bán là mua vào, bất chấp việc lô đất đó có thật sự hoàn thiện pháp lý hay chưa. Họ phần nhiều là dân đầu cơ lướt sóng, hi vọng mua nhanh bán nhanh trong lúc đất nóng sốt để kiếm lời.
Hệ lụy của việc liều lĩnh làm giàu trong cơn sốt đất là dính vào các chiêu lừa đảo của cò đất. Đại diện một công ty BĐS tại Tp.HCM cho biết, có khá nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ, chưa rành thị trường rơi vào các chiêu lừa mua đất của cò.
Thị trường bất động sản và quy hoạch phát triển đô thị như “hình với bóng”
KTS. Trương Văn Quảng nhận định, dự án phát triển bất động sản vừa phải phù hợp với quy hoạch lại vừa phải thu được lợi nhuận. Nếu phù hợp với quy hoạch nhưng không đem lại lợi nhuận thì dự án sẽ không đủ hấp dẫn các đối tượng kinh doanh bất động sản. Ngược lại, dự án tuy có khả năng đem lại lợi nhuận lớn nhưng không phù hợp với quy hoạch được duyệt, có nguy cơ làm tổn hại đến chất lượng không gian đô thị thì chính quyền đô thị cũng sẽ không chấp nhận.
Vì vậy, giữa quy hoạch đô thị với thị trường bất động sản, giữa chất lượng không gian đô thị với chất lượng dự án bất động sản có quan hệ mật thiết, khăng khít. Ở Việt Nam, trong quá trình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhà quy hoạch và phát triển đô thị, kể cả người kinh doanh bất động sản dường như đang thiếu sự phối hợp, trao đổi, tham khảo ý kiến lẫn nhau... dẫn đến sự tổn hại chung cho cả hai phía.
Mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và thị trường bất động sản phản ánh mối quan hệ giữa chính quyền và khu vực thị trường. Theo xu hướng chung, thị trường tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ, làm cho nền kinh tế vận hành linh hoạt, có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường cũng có những điểm yếu như làm cho sự cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn, môi trường sinh thái bị ô nhiễm...
Sợ bong bóng bất động sản, ngân hàng siết vay tiền
Lo ngại vỡ bong bóng bất động sản (BĐS) gây ra nhiều hệ lụy như trước đây, một số ngân hàng đã tung ra nhiều chiêu để hạn chế dòng tiền chảy ồ ạt vào thị trường này. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đổ vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là lĩnh vực địa ốc.
Hiện nay một số ngân hàng đã đẩy mức lãi suất cho vay mua, sửa chữa, xây mới nhà cửa cao hơn so với giai đoạn trước 1%-2%/năm tùy từng ngân hàng.
Cụ thể, theo nhân viên tư vấn tại Ngân hàng Techcombank, hiện khách hàng khi có nhu cầu vay vốn để mua nhà, sửa chữa hoặc xây mới nhà thì sau mức lãi suất ưu đãi, khách hàng sẽ phải chịu lãi suất lên tới 13%/năm. “Lãi suất cho vay đối với BĐS thời gian gần đây chỉ có tăng chứ không giảm” - nhân viên tư vấn giải thích.
VN-Index tăng hơn 35 điểm, thanh khoản vẫn yếu
Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn được kéo lên mức giá trần và giúp các chỉ số thị trường bứt phá mạnh.
Tuần giao dịch mới mở ra sự tươi sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường mở cửa phiên giao dịch trong sắc xanh nhẹ với sự hồi phục của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, thời điểm này dòng tiền vẫn còn e dè khiến đà hồi phục chưa thực sự vững chắc, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn có sự phân hóa.
Diễn biến hồi phục nhẹ của thị trường được kéo dài trong suốt phiên sáng nhưng vẫn khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về độ vững chắc của nhịp hồi phục này.
Mặc dù thị trường tăng mạnh về mặt điểm số nhưng điều nhiều nhà đầu tư lo ngại lúc này là thanh khoản lại không tương xứng, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 223,8 triệu cổ phiếu, trị giá 6.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.600 tỷ đồng. Việc thanh khoản không tăng vẫn khiến một số nhà đầu tư lo ngại về tình trang ‘bull-trap’ có thể xảy ra – điều mà thị trường liên tục phải chứng kiến trong các phiên hồi phục trước đó.