Tôi có sở thích đọc lại những lá thư gửi qua bưu điện, có tem trên phong bì. Một chiều thật muộn, tôi mới chạm tới thư của một bạn gửi từ Huế. Người bạn đọc đó từng viết: “Chào cô, hôm nào cô vào Huế em sẽ đón cô về nhà vườn. Dạo này cô viết có đủ sống không? Có số dư không?”. Dĩ nhiên không phải số dư trong sổ tiết kiệm rồi? Số dư, nhuận bút của nghề viết làm sao dư dả để quy ra tiền?
Bức thư này là của một bạn đọc vốn là người làm vườn có tên Tôn Thất Ấn ở Huế, là bạn vong niên với nhà văn Hà Khánh Linh. Tôn Thất Ấn hay mượn sách của chị Khánh Linh để đọc tác phẩm của tôi viết về Hà Nội. Ấn từng hỏi thăm tôi, từ năm ngoái, trước khi em ốm thoảng qua mấy ngày mà đã vội vàng sang thế giới bên kia. Tôi thấy mình vừa mất đi một bạn đọc không phải làm nghề phu chữ mà làm nghề phu cây.
Bây giờ vườn tược của Tôn Thất Ấn, tiền tỷ bỏ lại. Số dư của vườn nhà Ấn, tôi cũng không rõ. Tôi chỉ chưa kịp trả lời với Ấn rằng, tôi có những số dư không phải tiền bạc mà là số dư của những chuyến đi với bao nhiêu "vàng ròng" của số phận con người lao khổ mà tôi chưa kịp viết cho em đọc. Nuối tiếc và nuốt khan. Nhớ Ấn... Một bạn đọc hiểu cây và chăm đọc sách, hiểu phận chữ nhọc nhằn như nghề làm vườn, người say mê nhà vườn Huế.
Cổng và nhà vườn Huế. (Ảnh: HVH)
Thềm hè, tôi nhớ lại cách đây hơn 20 năm khi đi dự trại sáng tác của Hội Nhà văn Hà Nội, đóng ở Ba Làng (Nha Trang, Khánh Hòa). Tôi đã trốn trại đi viết báo nuôi con. Tôi tính mang sẵn bản thảo tập thơ viết tay, nộp cho nhà văn Vũ Bão (lúc đó ông làm trại trưởng). Tôi xin phép đàng hoàng: “Anh cho em đi Am Chúa cách trại viết Ba Làng khoảng 20 cây số”. Thấy nhà văn Vũ Bão quay mặt đi, ngỡ ông không đồng ý, nhưng không phải. Ông lặng người rất lâu rồi bảo rằng: “Sớm mai cô gọi cậu xe ôm bản địa đến đây. Cậu ta đáng tuổi con tôi. Để tôi gặp mặt nó rồi hãy đi!”.
Đúng là từ Ba Làng đi Am Chúa rất xa, nhưng suốt đoạn đường đó là mênh mông cánh đồng dưa hấu đậu quả, và hơn thế là mênh mông vắng lặng. Tôi đi Am Chúa rồi trở về, còn trả thêm tiền cho cậu xe ôm và hẹn ngày hôm sau sẽ đi các chùa ven biển, chùa làng, các nhà thờ đẹp như mơ ở vùng biển này mà cậu ta rất am tường. Dự trại sáng tác, mà ngày nào tôi cũng trốn đi viết báo, cuối cùng bỏ bữa nhiều nên cũng bị nhà văn Trần Chiến phát hiện. Anh hóm hỉnh: “Cậu đi chuyến này viết dư ra chút, phải đợi nắng chụp thêm ảnh để lấn sang mảng du lịch, bài viết trong mưa thì cất vó một thể”. Lần mưa bão tháng 7 năm ấy, tôi chịu ướt quần áo cả ngày, chỉ gói máy ảnh và sổ ghi chép bằng áo mưa để không bị dính nước. Một thời chỉ viết bằng bút, chỉ lo dự trữ bút bi, bút mực rồi ra bưu điện chuyển fax bài về tòa soạn. Nghĩ lại mới thấy, thật không gì sướng bằng làm báo thời 4.0 bây giờ.
Khi kết thúc trại viết, tôi mới dè dặt hỏi nhà văn Vũ Bão: “Anh nói gì với cậu xe ôm đấy?”. Anh đáp: “Là để tôi biết, cô lục tung vùng biển này rồi. Cô lễ Mẫu ở Am Chúa rồi, lễ Phật ở bên chùa cổ, còn dám đến nhà thờ nghe hóng thánh ca. Này nói thật nhé, cô xin gì ở Phật, nói cho anh nghe?”.
Tôi chân thành: “Em chỉ xin Phật được đi nhiều nơi, đi đến nơi về đến chốn, viết xong được ngủ, đâu có mong gì nhiều”. Nhà văn Vũ Bão thở dài: “Giời ạ, trước kia anh cũng từng lăn xả đi viết báo kiếm sống, lo xây nhà cho vợ con để có một chỗ chui ra chui vào. Giờ thấy cô, thân gái dặm trường, tôi dặn dò và “dọa” tay xe ôm lái xe cẩn thận, nhỡ va đập vào đâu, anh biết nói với Triệu Bôn ra sao?”.
Thì ra anh lo lắng cho tôi, anh thấu hiểu nghề báo gian truân khi đi thực tế một mình. Tôi từng có chuyến đi trung du một mình như vậy, một mình ở xung quanh bao la toàn đồi cọ. Không một bóng người. Sợ hiu hắt đến nỗi phải bật đèn, ngồi viết suốt đêm cho đỡ sợ ma. Mà thời đó không có điện thoại cầm tay như bây giờ, cứ đi rồi tìm bưu điện thị trấn, hoặc ở huyện lỵ để gọi về nhà.
Khi chồng tôi mất, con mới hơn mười tuổi. Đi viết báo xa, tôi hay gửi gắm con cho một cô giáo nhà hàng xóm để đi lấy tư liệu nhanh rồi về. Có lần leo lên cổng trời ở Phìn Hồ, Tây Bắc, leo rạc chân, chùn cả gối cũng không sao gọi điện thoại về nhà được. Ước mong duy nhất lúc đó của nữ nhà báo đơn giản chỉ là được nghe thấy tiếng của con mình. Phút giây nơi rừng rú cao ngất, cách biệt, muốn đổi lấy phút yên lòng cũng khó làm sao? Lúc đó, tôi mới thấu hiểu tâm trạng của người mẹ đơn thân nuôi con phải đối mặt với thực tế khó khăn thế nào. Lúc đó, mới càng thắc mắc không hiểu vì sao những người phụ nữ được chồng lo cho êm ấm no đủ, mà cứ nói xấu chồng nhem nhẻm, cứ ca cẩm suốt ngày. Mới hay, hạnh phúc thật không dễ dàng, hạnh phúc thật không phải toàn màu hồng rực rỡ? Chỉ đến một độ tuổi nào đó từng trải sau gió giông, sau bao lần vấp ngã trên dốc đứng của số phận, rồi bạn mới đủ độ lượng để xem nhẹ mọi thứ, và cúi xuống biết ơn cuộc đời này.
Lần đó ở trại viết, thấy sự ân cần của nhà văn Nguyễn Khắc Phục (anh sống ở Nha Trang) lặng lẽ chăm lo cho nhà văn Vũ Bão, luôn tìm cách giúp đỡ bạn bè lúc hoạn nạn, tôi mới hay bạn văn chương vẫn còn nhiều câu chuyện cảm động, thật chí tình. Chứ đâu như một vài ví dụ ở trường đời, bạn ứng xử với bạn, sống tệ bạc như vôi?
Thềm hè, thời có internet, tôi còn nhận được lá thư ghi: “Chào chị”. Tôi không hề biết bạn Trần Nhã Thụy là ai? Bạn tự giới thiệu tên và đặt tôi viết bài cho báo Tuổi Trẻ cuối tuần. Sau này mới hay, bạn là nhà văn làm báo; bạn tìm cách giúp đồng nghiệp theo cách: “Chào chị”. Mãi về sau tôi mới hiểu ra cách “chào chị” là để giúp tôi sống dễ thở hơn, để tôi có đồng dư dả đi chợ. Để rồi đận khác, nhà báo Trần Văn Thành (báo Phụ nữ Việt Nam) tính mở một mục bình thơ rồi mời tôi cộng tác. Ông thấy tôi nhận lời mà vui như Tết. Ơ, thì ra cứ được giúp bạn là vui?
Thư viết tay có mấy dòng của người chủ biên ra mắt tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị, năm 1994. Nhớ sao, nhà báo Vũ Kim Hạnh, chị đặt tôi viết về Bách hóa Tổng hợp. Khi đó, Bách hóa Bờ Hồ vừa mới phá dỡ đi, tôi ngơ ngác không biết viết gì, chị đã gián tiếp dạy tôi qua cách biên tập bài vở. Còn tôi thì chúi mũi học trên tư liệu chị gửi cho khi chị thỉnh giảng ở trường báo chí.
Chị cũng dành cho tôi một "đám đất" bằng bao thuốc lá Vinataba để đưa tin đầu chợ cuối chợ ở đất Thăng Long. "Đám đất" bằng chữ này ở trên mặt báo Sài Gòn Tiếp Thị cần thông tin về thị trường Hà Nội, thế là cứ 3 rưỡi sáng, tôi đi chợ đầu mối cập nhật giá cả viết bài. Nhờ vậy, tôi lại có vốn liếng, có "số dư" của những phận người quang gánh kiếm sống chạy chợ đêm. Tôi ghi chép từng dãy "số dư" này, toàn phận người lao khổ, giống như "vàng ròng" tư liệu để sau này làm vốn viết tạp văn.
Ảnh minh họa
Tôi còn có một sở thích khác là đi. Nhiều thử thách phải đối mặt trong chuyến đi, chuyện đi bộ đường dài, mệt, ngủ quên trên xe khách; chuyện bị móc túi hết tiền mà không có người thân để nhờ cậy trở về... Có đận, tôi phải bán giá rẻ chiếc đồng hồ đeo tay, gán nốt chiếc nhẫn quà tặng để đổi lấy một vé tàu nhanh trở về thành phố. Khi đem câu chuyện mất tiền ở bến xe ra hỏi nhà báo Phạm Phú Bằng, hồi đó ông làm báo Quân đội Nhân dân, ông lại dạy cho cách để tiền ở gấu tay áo, cách xắn tay áo ra sao cho khéo, để nếu có mất ví thì còn tiền ở gấu áo, dự trữ mua vé xe về nhà.
Mùa đông đi xa sợ nhất là sự thất thểu trở về không có tý quà cho con nhỏ. Quả là một thời làm báo vất vả, thời chưa có cây ATM, không có thẻ ngân hàng, càng không có điện thoại di động. Làm báo khi đó thật lắm nỗi niềm! Nhưng đổi lại, không thể tính được giá trị của mỗi chuyến đi với những va đập trên từng cây số; nào gặp gỡ dân thường, nào ứng xử với nhân vật kiêu bạc, nào học chữ nhẫn để được việc ở bến tàu... Nhà báo phải đối mặt với tất thảy. May sao những chuyến đi ấy, những thước phim đen trắng, sổ ghi chép năm ấy đã trở thành một phần tài sản, một thứ vốn sống "vàng ròng". Nhà báo khi cầm bút được thả sức chắt lọc cuộc sống ra mà viết.
Thềm hè, đọc lại các tác phẩm của nhà báo Vũ Bằng, Tô Hoài, Hữu Thọ, Phan Quang… vẫn thấy "sự đi" của các bậc tiền bối là vô hạn. Thềm hè, còn nhớ những đồng nghiệp xả thân trong nghề báo. Nhớ Lam Phong ở báo Sài Gòn Tiếp thị, đi viết ở chốn tận cùng thế giới với những bộ tộc da màu, đóng khố. Khi Lam Phong trở về sau bão táp lạc đường, thậm chí suýt mất mạng, chỉ để cống hiến cho bài viết một sức sống lạ lẫm của bộ tộc người phía đường chân trời. Vẫn nhớ sự đi của Thái Hoãn (báo Thế giới Hội nhập) rong ruổi dặm xa; một nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vẫn vô cùng can đảm đối mặt sau chuyến đi viết phóng sự.
Còn rất nhiều, rất nhiều nhà báo khác nữa, trên khắp mọi miền đất nước vẫn đang lặng lẽ quên mình, lặng lẽ hy sinh để gieo hạt trên mặt chữ. Phía sau "số dư" của nghề viết, tất nhiên không phải "số dư" của tiền bạc. "Số dư" của nghề báo được tính bằng máu xương và nước mắt, bằng tâm thế chính trực của người viết luôn trọng con chữ và trọng sự thật ở cõi người.