Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) trả lời về kế hoạch tổ chức làn riêng cho xe buýt trên nhiều tuyến đường vào năm 2020.
PV: Căn cứ vào đâu để thành phố đưa ra kế hoạch tổ chức làn đường riêng cho xe buýt, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Hiện nay, vận tải công cộng, trong đó có xe buýt là giải pháp hiệu quả, bền vững nhất để cải thiện giao thông đô thị bởi sự gia tăng dân cư, áp lực giao thông tăng lên trong nền tảng quỹ đất đô thị hạn chế, không loại hình nào có thể tải nổi. Trong khi đó, giao thông công cộng có năng lực vận chuyển cao, chi phí rẻ.
Việc tổ chức làn đường riêng cho xe buýt là mô hình khá phổ biến ở nhiều nước. Hà Nội đã từng làm đường riêng cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, tuyến Yên Phụ, sau đó là làn ưu tiên xe buýt nhanh BRT.
Xe buýt đi trên làn đường hỗn hợp một đoạn 400 - 500m phải rẽ vào trạm dừng đón trả khách, cắt làn của phương tiện khác. Khi có làn riêng, việc ra vào đón khách không gây xung đột, tăng tốc độ, đúng giờ hơn, dịch vụ thay đổi hành khách cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
Để vận tải xe công cộng trở thành vai trò chủ đạo cần nhiều giải pháp như tăng chất lượng, cải thiện mạng lưới, tăng đầu phương tiện, tổ chức giao thông thông suốt. Rõ ràng việc tổ chức làn riêng xe buýt cùng với các giải pháp khác phải được đưa ra trong bối cảnh ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng căng thẳng, phù hợp định hướng giảm phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường, cùng chi phí xã hội kèm theo.
PV: Đâu là tiêu chí để lựa chọn tuyến đường phân làn riêng cho xe buýt?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Các tuyến đường đều nằm trên trục hướng tâm, mặt đường rộng, lưu lượng giao thông lớn. Để quyết định làm ở đường nào, khung giờ nào chúng tôi sẽ khảo sát lại về hạ tầng giao thông, lưu lượng phương tiện để đảm bảo giao thông thông suốt trên làn hỗn hợp.
Mô hình tổ chức đã có sẵn, lý tưởng nhất là dành riêng cho xe buýt 100% nhưng tôi nghĩ không cần thiết cứng nhắc. Chúng tôi đã tính đến việc phân làn theo giờ, theo cung đường. Nếu lưu lượng giao thông thấp, các phương tiện có thể đi chung. Giờ cao điểm vẫn bắt buộc phải ưu tiên xe buýt.
PV: Vào giờ cao điểm xe buýt nhanh BRT vẫn bị kẹt cứng trên làn đường riêng. Ông nhìn nhận thế nào nếu mở thêm đường riêng không đem lại hiệu quả?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Xe buýt bị lấn làn do việc kiểm soát, xử lý vi phạm chưa tốt. Nhưng trên các tuyến BRT, tuyến Yên Phụ tốc độ xe buýt cao hơn, giảm thiểu tai nạn rủi ro với các phương tiện khác. Riêng tuyến BRT, thời gian chuyến đi giảm từ 20 - 30%, gần 100% xe xuất bến đúng giờ, lái xe cảm thấy an toàn, hành khách yên tâm hơn.
Tôi cho rằng đầu tư tổ chức làn riêng xe buýt là cần thiết. Hiệu quả đầu tư ra sao, không chỉ phụ thuộc vào việc quản lý vận hành của ngành giao thông mà còn cần nhiều ngành khác, đặc biệt ý thức của người dân.
Nếu chúng ta cứ để nguyên thế này, kết hợp với vận động tuyên truyền, kiểm tra thì không bao giờ thay đổi được hiện trạng ùn tắc giao thông của thành phố. Đợi đủ điều kiện mới làm sẽ không thể làm được.
PV: Một số chuyên gia giao thông cho rằng tổ chức làn đường ưu tiên vào năm 2020 là vội vàng, khi hạ tầng chưa đáp ứng sẽ khiến đường càng thêm ùn tắc, ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Việc này cần có khảo sát kỹ lưỡng, rất khó để đánh giá. Hiện giao thông Hà Nội đang hoàn thiện từng bước, thành phố không tính làm làn riêng tràn lan mà chỉ khoanh vùng vào các đường khả thi, trên hành lang có tần suất xe buýt lớn, nhu cầu giao thông cao.
Hiện vận tải công cộng chưa chiếm ưu thế (chiếm 16%), năm 2020 dự kiến tăng lên 20%, đa số người dân vẫn làm việc, sinh sống bằng phương tiện cá nhân. Tổ chức làn riêng xe buýt, đương nhiên phương tiện cá nhân không thể lưu thông như trước, chắc chắn sẽ gây ra phản ứng. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ khảo sát cẩn trọng và cân nhắc thời điểm phù hợp.
Thành phố chưa chốt thời điểm nhưng tôi nghĩ việc này cần làm sớm. Sau khi đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vận hành, năm 2020 là cơ hội tốt để thực hiện, bắt đầu từ trục Nguyễn Trãi - Trần Phú. Có làn riêng, xe buýt sẽ giúp kết nối hiệu quả ga đường sắt. Người dân sử dụng vận tải công cộng nhanh chóng, tiện lợi, họ sẽ ủng hộ.
Bốn tuyến đường dự kiến phân làn riêng gồm Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng - Hà Đông dài 5km); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7km; tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6km.