“Không thực sự cần thiết và tốn kém thêm ngân sách nhà nước”
Không rõ mục đích của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khi tổ chức sự kiện này là gì. Ở góc độ thống kê trên báo chí, thì những con số tạm gọi là “thành tích” được xuất hiện khá nhiều như: Hơn 291.000 trường hợp đăng ký đất đai, đăng ký biến động là hơn 282.000 trường hợp...
Đánh giá về sự kiện này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, đây là chuyển động tích cực bước đầu. Tuy nhiên, ghi nhận của HoREA, một số chủ đầu tư được nhận “sổ hồng” lần này cho biết là dự án của công ty có đầy đủ thủ tục pháp lý, lẽ ra phải được cấp “sổ hồng” sớm hơn, nhưng đến nay mới được cấp.
Hiệp hội cho rằng, việc tổ chức “Lễ” trao 1.000 “sổ hồng” cho chủ đầu tư không thực sự cần thiết và tốn kém thêm ngân sách nhà nước, vì các doanh nghiệp và người mua nhà chỉ mong được sớm được nhận “sổ hồng”. Mặt khác, 1.000 căn nhà được cấp “sổ hồng” lần này, không nằm trong số 30.402 căn, thuộc 63 dự án chưa được cấp “sổ hồng”, mà dư luận đang bức xúc.
HoREA cũng đánh giá, trong 8 tháng rưỡi đầu năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường mới chỉ cấp “sổ hồng” cho 8.605 cá nhân (bao gồm 1.000 “sổ hồng” vừa được trao) là khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại. Nếu so sánh với số liệu 30.402 căn nhà chưa được cấp “sổ hồng” mà Hiệp hội đã báo cáo, thì tỷ lệ cấp “sổ hồng” chỉ đạt 27,4%. Số lượng nhà chậm được cấp “sổ hồng” chiếm tỷ lệ lên đến hơn 72,6%. Nếu tính đầy đủ trên số lượng nhà ở của hơn 100 dự án mà Sở Tài nguyên và Môi trường còn đang thụ lý, thì tỷ lệ cấp “sổ hồng” còn thấp hơn nữa.
HoREA đánh giá, cùng một mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương vẫn giải quyết thông suốt việc cấp “sổ hồng” các dự án nhà ở thương mại, chỉ “vướng” tại TP.HCM. Điều này thể hiện “bất cập” trong công tác “thực thi pháp luật”, cần được UBND TP ban hành “quy trình chuẩn” về xác định giá đất, thẩm định giá đất, ban hành quyết định tiền sử dụng đất, để các Sở, ngành phối hợp thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại.
Doanh nghiệp “than trời” vì Sở Tài nguyên và Môi trường
Phát biểu tại buổi làm việc của Lãnh đạo UBND TP.HCM với doanh nghiệp bất động sản vào sáng 22/02/2020, ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh cho biết, hiện nay công tác giải quyết công việc của các cơ quan ban ngành còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Những thủ tục hành chính rườm rà, nhiều bước, nhiều khâu, nhiều cơ quan phê duyệt khiến cho các hồ sơ cứ bị chuyển đi lòng, mất nhiều năm trong khi doanh nghiệp thì phải "đứng im chịu trận”.
Ông Đực lấy ví dụ, Công ty Địa ốc Xanh có một dự án nhỏ chỉ khoảng 3.700m2. Trước đây, Địa ốc Xanh đóng tiền sử dụng đất là 2050m2 nhưng phần đã đóng chỉ là phần “lòng đỏ” chứ chưa được đóng hết cho cả dự án. Sau này Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị công ty ông Đực phải đóng luôn phần “lòng trắng”. Nhưng thực tế là việc đóng luôn lòng trắng này không hề dễ dàng.
Từ ngày có hồ sơ thụ lý tại chi cục thuế quận 8, sau đó chuyển đến Cục thuế TP.HCM rồi gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường cho đến nay đã 24 tháng trôi qua nhưng Công ty của ông Đực vẫn chỉ được đóng phần “lòng trắng”, còn phần lộ giới trước đây từ 40m nay giảm còn 30m, nghĩa là phần diện tích sử dụng của doanh nghiệp được tăng lên 125m nhưng hồ sơ xin nộp tiền của công ty bị chuyển đi lòng vòng khiến mọi hoạt động của dự án đều không thể triển khai.
“Đáng lý ra nên gom lại phần lòng trắng và phần vỏ (phần diện tích chưa đóng và phần lộ giới giảm) để doanh nghiệp đóng tiền một lần nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường nhất quyết không gom mà bắt chia làm 2 lần đóng. Bây giờ "lòng trắng" đã đóng xong rồi, còn vỏ lại phải xách hồ sơ đi.
Sau khi chuyển qua Sở Xây dựng, tôi gặp anh Lê Hòa Bình, anh Bình tuy rất hăng hái nhưng cũng nói không đóng được vì đây chưa phải là đất sạch. Hồ sơ chuyển tiếp qua Sở Kế hoạch Đầu tư và giờ nằm đó để chờ được chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi lại phải chờ chuyển lại Sở Tài nguyên và Môi trường, rồi Sở Sở Tài nguyên và Môi trường mới trình cho qua UBND TP. Khi đó, tôi mới được sử dụng phần diện tích 125m đã đóng”, ông Đực trình bày.
Đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh cũng cho rằng đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị ngâm quá lâu như vậy. Thực tế có hàng trăm dự án giảm lộ giới đều đã gặp phải tình cảnh tương tự. Đây chỉ là chuyện đóng thêm cho phần vỏ của một dự án nhỏ nhưng quá trình chuyển đi chuyển lại giữa UBND TP và Sở Sở Tài nguyên và Môi trường thì mất đến 2 năm. Ông Đực cho biết đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu lên UBND TP, 4 lần chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng quá trình giải quyết vẫn rất chậm chạp.
“Cái gì cần làm gấp, làm nhanh thì tôi đề nghị các cơ quan ban ngành làm gấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Theo tôi đánh giá, hiện nay 2 đầu mối cơ quan chậm nhất là văn phòng UBND TP và Sở Tài nguyên và Môi trường. Còn các Sở khác thì đã tạm ổn”, ông Đực nói.
Bài 3: Cái tài của ông Giám đốc sở Nguyễn Toàn Thắng