Aa

Sở hữu hàng loạt "đất vàng", vì sao cổ đông vẫn lạnh lùng với xe đạp Thống Nhất?

Thứ Bảy, 08/07/2017 - 00:38

Dù sở hữu hàng loạt các khu "đất vàng" tại Hà Nội, nhưng các nhà đầu tư lại không mấy mặn mà với xe đạp Thống Nhất.

Xe đạp Thống Nhất dưới thời bao cấp từng được coi là một huyền thoại và từng chiếm trọn thị trường trong nước gần như không có đối thủ, ngay cả đối với các dòng xe nhập khẩu.

Ở thời kỳ này, xe đạp được xem là tài sản rất lớn. Không dễ dàng để sở hữu một chiếc xe đạp. Ngoài việc có nhiều tiền, chủ nhân của nó phải mang xe đi đăng ký số khung và phải có thẻ đăng ký. Chiếc thẻ này phải luôn mang theo như giấy đăng ký xe máy.

Tuy nhiên, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, xe đạp Thống Nhất lại bị thu hẹp thị phần nhanh chóng và dường như bị lép vế so với nhiều hãng xe nhập khẩu.

Tháng 6/2016, xe đạp Thống Nhất đã phải cổ phần hóa bằng việc tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng hơn 3 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tương đương 12,81% vốn điều lệ.

Sở hữu hàng loạt 'đất vàng', cổ đông vẫn lạnh lùng với xe đạp Thống Nhất.

Sở hữu hàng loạt 'đất vàng', cổ đông vẫn lạnh lùng với xe đạp Thống Nhất.

Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Thống Nhất dự kiến sẽ đạt 237 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước là UBND Tp.Hà Nội sẽ chỉ còn nắm giữ 10,7 triệu cổ phiếu, tương đương 45% vốn điều lệ. Cùng với đó, Thống Nhất cũng sẽ chào bán 9,9 triệu cổ phiếu, tương đương 41,69% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược. Cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên là 120.000 cổ phiếu (0,5%).

Đấy là mức kỳ vọng, còn thực tế, dù lượng chào mua cao gấp đôi lượng chào bán nhưng phiên đấu giá không thực sự sốt khi nhà đầu tư đặt giá khá thấp. Mức giá trúng thầu bình quân chỉ là 10.386 đồng/CP.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi lớn, vì xe đạp Thống Nhất ai cũng biết là chủ sở hữu của hàng loạt lô đất vàng tại Hà Nội?

Mảnh đất "đắt giá" nhất phải kể đến là trụ sở của xe đạp Thống Nhất hiện nay nằm tại khu đất 800m2 tại số 10B phố Tràng Thi, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước đây, tòa nhà này từng là trụ sở hãng xe hơi Simca “Pháp” ở Hà Nội. Sau đó, tòa nhà đã đươc thuê lại làm Vũ trường New Century và phải đóng cửa từ năm 2007. Sau hơn 5 năm "cửa chốt then cài", Thống Nhất đã sửa sang bên ngoài và đưa vào hoạt động.

Một mảnh đất vàng khác là khu đất số 10 Tràng Thi có diện tích 329,7 m2 được UBND Tp. Hà Nội giao cho Thống Nhất tự quản và không thu tiền sử dụng đất từ năm 1982.

Hiện giá mỗi mét đất của 2 khu vực này có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.

Một khu đất vàng khác hiện đang được khai thác là tại số 82 Nguyễn Tuân, khu đất này đã được công ty TNHH Thống Nhất – Bắc Việt (thành lập năm 2011) xây dựng tổ hợp 48 lô thấp tầng với 2 tòa thương mại cao 25 tầng với diện tích 17,829 m2.

Ngoài ra, dự án 198 B Tây Sơn xây dựng dở dang nhiều năm nay cũng khiến nhiều người xót xa. Bởi lẽ, đây là khu đất có vị trí vô cùng đắc địa, khi nằm ở ngã tư Tây Sơn - Thái Hà.

Đây là khu đất được Thống Nhất thuê trả tiền hàng hàng năm từ năm 1996, với thời hạn thuê 30 năm. Khu đất 441 m2 này hiện được Thống Nhất hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Liên doanh đầu tư tài chính Hòa Bình để thực hiện Dự án Khách Sạn Novotel Thái Hà gồm một khối cao 21 tầng (giai đoạn 1) và khối 9 tầng (giai đoạn 2).

Dự án được khởi công vào năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên, không rõ lý do gì, đã qua nhiều năm kể từ khi được thi công xong phần thô khối nhà 21 tầng, dự án vẫn dở dang chưa thể hoàn thành.

Như vậy, có thể thấy, xe đạp Thống Nhất là một trong những doanh nghiệp sở hữu khá nhiều khu đất vàng tại Hà Nội.

Chính vì thế, việc các nhà đầu tư không mặn mà với xe đạp Thống Nhất là do kết quả làm ăn không mấy khả quan. Năm 2016 doanh nghiệp này không chia cổ tức. Còn năm 2017 dù kế hoạch doanh thu đặt ra khá hoành tráng, là 16,3 tỷ đồng, tăng 36,5 tỷ đồng, tương ứng 13% so với năm 2016.

Tuy nhiên, kế hoạch chia cổ tức năm chỉ là 3% cho năm 2017 và 4% cho năm 2018.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top