Aa

Cần kiểm soát việc chuyển đổi các khu "đất vàng" sang làm nhà ở!

Thứ Ba, 06/06/2017 - 06:00

Tại hội nghị “Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp hạ tầng đô thị” mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đã đưa ra một số kiến nghị nhằm phát huy nguồn lực đất đai và minh bạch hóa thị trường BĐS. Trong đó có nội dung nổi bật là thành phố cần kiểm soát việc chuyển các khu “đất vàng” sang làm nhà ở, minh bạch việc thu tiền sử dụng đất để không phát sinh cơ chế “xin - cho”.

Theo đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, thị trường BĐS đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Hiện nay tuy vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng nhưng đang có xu thế chững lại, tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.

Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường BĐS rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc BĐS cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%).

Đối với nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng vẫn còn một nghịch lý là mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã hai lần ký quyết định áp dụng lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách cho các ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) tham gia chương trình này, nên chưa có người nào được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chỉ riêng có Ngân hàng Chính sách xã hội vừa mới nhận được một nguồn vốn ngân sách 2.000 tỷ đồng, trong đó có quy định dành một phần cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, nên chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và làm cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thêm khó khăn.  

Đối với thị trường BĐS, chính sách thu tiền sử dụng đất hiện nay là cách làm theo kiểu tận thu, thu trước, thu một lần rồi sau này không còn nguồn để thu dài hạn, tiền sử dụng đất đang là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà; cơ chế thu tiền sử dụng đất không minh bạch, là ẩn số dễ phát sinh cơ chế "xin - cho".

Tại buổi gặp gỡ, đại diện của Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, lãnh đạo thành phố cần có những chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS, trong đó có quy trình, thủ tục thu tiền sử dụng đất, đảm bảo minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng, loại trừ cơ chế "xin - cho", nhũng nhiễu, tiêu cực. 

snjdhs

Cần kiểm soát xu thế chỉ muốn chuyển các khu đất tại các vị trí "đắc địa" sang làm nhà ở, không tạo ra nhiều giá trị gia tăng và nguồn thu lâu dài cho thành phố...

Cụ thể, Hiệp hội BĐS TP.HCM tán thành chủ trương cần thiết chuyển mục đích sử dụng đất một phần đáng kể diện tích đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, trước hết là đáp ứng nhu cầu phát triển các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, giáo dục, y tế... tạo nên giá trị gia tăng trong quá trình đầu tư, khai thác kinh doanh, tạo ra nguồn thu bền vững, ổn định cho thành phố, và tạo nên sự chuyển đổi thực chất cơ cấu kinh tế của thành phố.

HoREA cũng đề nghị cần kiểm soát xu thế chỉ muốn chuyển các khu đất tại các vị trí đắc địa sang làm nhà ở, không tạo ra nhiều giá trị gia tăng và nguồn thu lâu dài cho thành phố cũng như thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai để lựa chọn nhà đầu tư, làm tăng thêm tính minh bạch cho thị trường BĐS.

HoREA đã nhiều lần kiến nghị chuyển tiền sử dụng đất thành "thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở" với thuế suất cụ thể; đồng thời ban hành thuế BĐS để tạo nguồn thu ngân sách ổn định.

Hiệp hội này cũng kiến nghị thành phố cần tập trung nguồn lực, với sự tham gia của các doanh nghiệp BĐS, đầu tư các dự án nhà ở vừa túi tiền phục vụ số đông người có thu nhập trung bình và thấp; đồng thời vẫn phát triển các dự án nhà ở hạng sang dành cho người có thu nhập cao và người nước ngoài.

Các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục tham gia “Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố”, trước hết là chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà ven kênh rạch và xây dựng lại các chung cư hư hỏng nặng trên địa bàn.

Thực hiện các dự án phát triển nhà ở, nhất là nhà cao tầng phải góp phần làm tăng thêm độ thông thoáng trên mặt đất, thêm đường giao thông, chỗ đỗ xe, thêm nhiều cây xanh, mặt nước và các dịch vụ, tiện ích, chứ không được làm gia tăng tình trạng kẹt xe, úng ngập, ô nhiễm môi trường.

Các doanh nghiệp BĐS phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội khi đề xuất đầu tư phát triển các dự án nhà ở cao tầng, không thể đầu tư quá nhiều nhà chung cư cao tầng trong cùng một khu vực chưa có đủ hạ tầng, thậm chí trong cùng con đường nhỏ. 

Ngoài ra, thành phố cũng cần chỉ đạo sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất 20% diện tích của dự án nhà ở thương mại (có thể được quy đổi thành tiền) để phát triển NƠXH theo quy hoạch; khi thực hiện các dự án phát triển nhà ở, nhất là nhà cao tầng phải làm tăng thêm độ thông thoáng trên mặt đất, thêm đường giao thông, chỗ đỗ xe, thêm nhiều cây xanh, mặt nước và các dịch vụ, tiện ích...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top