Aa

Sóc Trăng kiến nghị hỗ trợ hơn 19.000 tỷ đồng xây cầu vượt biển, kết nối cảng ngoài khơi Trần Đề

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Tư, 30/10/2024 - 09:46

UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ đưa dự án cảng biển Trần Đề vào Nghị quyết là “dự án hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026; hỗ trợ ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 2025 - 2030, với tổng số vốn là 19.403 tỷ đồng”.

Mới đây, thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT), Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), về việc xem xét trình Chính phủ chấp thuận hỗ trợ vốn đầu tư Bến cảng Trần Đề, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư bến cảng.

Sóc Trăng kiến nghị hỗ trợ hơn 19.000 tỷ đồng xây cầu vượt biển, kết nối cảng ngoài khơi Trần Đề- Ảnh 1.

Quy mô tổng thể Cảng Trần Đề.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, dự án Cảng biển Trần Đề có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, được đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, nên ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa thì cần bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hàng hải, giao thông công cộng. Từ đó, giúp tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân tương tự như các khu bến cảng cửa ngõ khác đã kêu gọi đầu tư trong thời gian qua như: Lạch Huyện, Liên Chiểu.

Vì vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ đưa dự án cảng biển Trần Đề vào Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ là "dự án hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026; hỗ trợ ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 2025 - 2030, với tổng số vốn là 19.403 tỷ đồng".

Sóc Trăng kiến nghị hỗ trợ hơn 19.000 tỷ đồng xây cầu vượt biển, kết nối cảng ngoài khơi Trần Đề- Ảnh 2.

Cầu vượt biển kết nối với bến Cảng ngoài khơi Trần Đề.

Được biết, Cảng biển Trần Đề sơ bộ có tổng mức đầu tư khoảng hơn 162.700 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn khởi động đầu tư khoảng 44.695 tỷ đồng, giai đoạn hoàn thiện có vốn đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng. Cảng biển Trần Đề đóng vai trò là cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL, có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container trọng tải 100.000 DWT, tàu hàng rời 160.000 DWT.

Theo ước tính, trong giai đoạn khởi động, cảng biển Trần Đề cần nguồn vốn đầu tư công khoảng 19.403 tỷ đồng (chiếm 43% vốn) để đầu tư các hạng mục kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hàng hải, giao thông công cộng, như: luồng tàu, đê chắn sóng, báo hiệu hàng hải, cầu vượt biển, đường giao thông kết nối từ điểm cuối cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại Quốc lộ 91B đến bến cảng Trần Đề.

Vốn đầu tư doanh nghiệp trong giai đoạn khởi động là hơn 25.290 tỷ đồng (chiếm 57% vốn) để triển khai các hạng mục, gồm: San lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần, logistics, xây dựng cảng thuộc bến cảng Trần Đề.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021, cảng biển Sóc Trăng được quy hoạch, gồm các khu bến: Khu bến Đại Ngãi; Khu bến Kế Sách và Khu bến Trần Đề.

Quy mô bến cảng ngoài khơi Trần Đề:

Diện tích mặt bằng cảng 411,25ha, trong đó giai đoạn khởi động 81,60ha. Cầu cảng: Có tổng chiều dài 5.300m tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (6.000 đến 8.000 Teus), tàu hàng rời 160.000 DWT, trong đó giai đoạn khởi động đầu tư 2 bến dài 800m cho tàu tổng hợp, container trọng tài đến 100.000 DWT và 02 bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tàu trọng tải đến 160.000 DWT. Hệ thống kè đê chắn sóng có tổng chiều dài 9.800m, trong đó giai đoạn khởi động dài 4.000m. Cầu vượt biển: Dài 17,8km, rộng 28,0m, 6 làn xe. Giai đoạn khởi động bố trí cho 02 làn xe với bề rộng 9,0m. Cầu dẫn kết nối cầu vượt biển với bến cảng giai đoạn khởi động: Dài 1,85km, rộng 28m; giai đoạn khởi động rộng 9m. Nạo vét khu nước trước bến, bể cảng, luồng tàu, vũng quay tàu và lắp đặt hệ thống báo hiệu hàng hải đồng bộ. Đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác bao gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, PCCC và các công trình phụ trợ khác.

Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics

Dự kiến quy mô đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics với tổng diện tích khoảng 4.000ha, bao gồm: San lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống PCCC, thông tin liên lạc. Giai đoạn khởi động diện tích 1.000ha. Đường sau cảng kết nối QL91B đến cầu vượt biển dài 6,3km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 162.730 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn khởi động có mức đầu tư 44.695 tỷ đồng.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top