Aa

Triển vọng ngân hàng vẫn lạc quan bất chấp dịch bệnh

Thứ Năm, 06/02/2020 - 17:02

Mặc dù cổ phiếu ngân hàng rớt mạnh theo đà giảm của toàn thị trường, song giới chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm nay, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động của các nhà băng.

Thử thách nhiều hơn, song tiềm năng tăng trưởng vẫn rất tốt

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2020 sẽ là năm thử thách với các nhà băng so với năm ngoái, khi ngay từ đầu năm, toàn thế giới đã phải đối mặt với dịch viêm phổi do virus Corona. Nếu dịch bệnh lan rộng, tăng trưởng của ngân hàng sẽ chậm lại, nợ xấu có nguy cơ tăng lên.

“Sự ảnh hưởng của dịch bệnh với ngành ngân hàng đến thời điểm này chưa rõ ràng, các ngành ảnh hưởng nhiều nhất là giao thông, xuất nhập khẩu, du lịch… Thị trường chứng khoán, trong đó có các cổ phiếu ngân hàng, đã rớt giá nặng nề, chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý, do sự hoang mang của nhà đầu tư”, TS. Hiếu nhận định.

Theo Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực trong ngắn hạn tới rất nhiều ngành của Việt Nam, trong đó có ngân hàng và thực tế là các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm điểm. Dù vậy, SSI cho rằng, triển vọng của ngành ngân hàng năm 2020 nói chung vẫn tích cực.

Trước đó, SSI Research dự báo, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của các ngân hàng sẽ tăng 22,5%. Theo tính toán của SSI, mức tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2019 là khoảng 23%. Con số công bố của nhiều ngân hàng năm 2019 cho thấy, lợi nhuận tăng trưởng rất cao, từ 25 đến 50%, tiêu biểu là Vietcombank, VIB, OCB, TPBank…

Theo nhiều quỹ đầu tư, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng tốt trong năm 2020. Tuy nhiên, đại diện Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng, sự tăng trưởng này không đồng đều, mà sẽ tập trung ở những ngân hàng có lợi thế vốn rẻ, nguồn lực tài chính dồi dào, hệ thống phân phối mạnh, có mạng lưới bán lẻ tốt, những ngân hàng năng động, đầu tư mạnh về công nghệ…

Phân tích của giới chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động, ngày càng bớt phụ thuộc vào tín dụng, nhất là tín dụng bán buôn. Sự chuyển hướng tích cực này đã giúp ngân hàng đối phó với những tác động xấu của nền kinh tế.

Năm 2020, nhiều yếu tố tích cực đang hỗ trợ tăng trưởng cho các ngân hàng như: nhiều ngân hàng đã “tốt nghiệp” Basel II và có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn, nhiều ngân hàng hoàn tất xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), bán lẻ và thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh…

Các ngân hàng được dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm nay là Vietcombank, BIDV, VPBank, MBB, Techcombank, TPBank…

Tăng thu từ bán lẻ và phi tín dụng

Theo phân tích của giới chuyên gia, nếu dịch bệnh không leo thang mà vẫn trong tầm kiểm soát, thì lợi nhuận của các ngân hàng năm nay sẽ ít bị ảnh hưởng. Lý do là những năm gần đây, các ngân hàng đã chuyển dịch mạnh mẽ từ bán buôn sang bán lẻ, giảm phụ thuộc vào tín dụng, tăng thu ngoài lãi. Việc chuyển hướng này đã giúp ngành ngân hàng đối phó tốt hơn với các biến động của nền kinh tế.

Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho hay, năm 2019, thu thuần từ dịch vụ của VietinBank tăng 43% so với năm trước, tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động. Thu nhập từ lãi thuần chỉ tăng 13,6%, trong đó tỷ trọng thu nhập từ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và bán lẻ tăng từ 49,9% lên trên 54%. Theo kế hoạch, 3 năm tới, VietinBank tiếp tục tăng tỷ trọng phân khúc khách hàng SME và bán lẻ.

Tại Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay, năm 2019, lần đầu tiên tín dụng bán lẻ của Vietcombank đã chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng bán buôn (51,8%). Trong năm 2019, tín dụng bán buôn của Vietcombank chỉ tăng 2,3%, trong khi tín dụng bán lẻ tăng tới 32,3%. Ngoài ra, thu nhập từ các lĩnh vực phi tín dụng của ngân hàng cũng tăng rất mạnh và đã chiếm tới 39,2% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh.

Tại khối ngân hàng TMCP tư nhân, sự chuyển đổi cũng diễn ra mạnh mẽ. Đơn cử, tại VIB, tính đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng trưởng 46% so với đầu năm, chiếm 82% tổng dư nợ toàn ngân hàng, doanh thu từ dịch vụ gấp 2,4 lần, chiếm tỷ trọng 22% tổng doanh thu.

Dịch cúm do virus Corona là thử thách lớn đối với nền kinh tế nói chung, trong đó có ngân hàng. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của ngành vẫn còn rất lớn. Việc cải cách cơ cấu thu nhập, cải tổ hoạt động của chính mình là nền tảng để các ngân hàng đối phó với các rủi ro của nền kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top