Aa

Soi trong sử sách: Chuyện về hai bà công chúa cùng tên Thiên Cực!

Chủ Nhật, 25/08/2019 - 06:30

Hai bà này sống gần như cùng thời nhau. Thậm chí có khi họ cũng đã từng gặp nhau chưa biết chừng.

Thế mà họ đều có tên là Thiên Cực, đến lạ! Chính vì cái tên trùng mà dẫn đến sau này hậu thế có khá nhiều đồn đoán.

Bà công chúa Thiên Cực thứ nhất sống ở triều Lý. Thời Lý Thần Tông (cha), Lý Cao Tông (em trai) và Lý Huệ Tông (cháu gọi là cô ruột). 

Trong Đại Việt Sử Ký toàn thư có vài dòng ngắn ngủi về bà, cho biết, bà được gả cho viên quan nội hầu Vương Thượng, người Lạng Châu, thuộc miền thượng du. Đó là tục khá hay của nhà Lý: Gả công chúa cho các tù trưởng, hào trưởng miền biên viễn để kết tình thân tộc trong nước và giữ gìn cương thổ. 

Di tích về quê quán nơi ở chính của vợ chồng bà công chúa này nay vẫn còn ở thị trấn Đồi Ngô, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang.

Thế nhưng hình như thuở xuân sắc, bà chán ở trên núi rừng nên chắc cha, chồng phải làm dinh thự bên Gia Lâm, cho gần chốn phồn hoa đô thị, để bà được vui...! Mà cái thời cuối Lý ấy, loạn lạc triền miên ngài nội hầu Vương Thượng cũng cứ mải việc triều chính trong thành mãi bên kia sông Cái, ít quan tâm đến vợ sao đó nên thành ra bà... phải gây chuyện! 

Đầu tiên là với viên quan được sử ghi là nổi tiếng gian hùng: Phạm Du. Người này vốn trấn thủ Nghệ An, làm loạn cướp bóc dân lành rên xiết lắm, triều đình phải cử Phạm Bỉnh Di đi đánh dẹp. Du yếu thế bèn luồn lót chạy về triều nịnh hót Lý Cao Tông. Tông nghe lời nịnh, giết trung thần Phạm Bỉnh Di, gây ra loạn Quách Bốc để đến nỗi cha con vua mỗi người bỏ kinh thành chạy một ngả, để rồi mở đầu cho cái sự phế của nhà Lý. 

Nhưng chuyện ấy nói sau. Vua Lý Cao Tông bèn sai Du đi dẹp bọn Quách Bốc, chắc có ý, mày gây chuyện thì mày dẹp đi để tao còn về Thăng Long rượu ngon gái đẹp - Cao Tông vốn là tay ăn chơi lừng lẫy! Cơ mà Du cũng là tay mê gái đẹp! Mà bà công chúa Thiên Cực thì vốn nổi tiếng là đẹp và... lẳng nữa! Chồng là quan nội hầu Vương Thượng thì phải xa giá theo vua lên mãi vùng Quy Hóa rồi. 

Thế là trên đường đi Du rẽ vào Gia Lâm! Chắc anh chị đã từng đầu mày cuối mắt khi ra vào cung cấm, nên tình trong như đã lâu rồi, nay gặp nhau mê quá, Du bỏ cả việc quân đắm đuối với người đẹp mấy ngày. Lúc tỉnh ra để đi tính việc thì đã muộn! Bị quân địch phục tóm sống và giết. Xong! Đấy là năm 1209!

Hai năm sau, nhờ quân dân của họ hàng nội ngoại gia đình nhà Trần ở Hải Ấp đánh dẹp, vua quan lại về được Thăng Long đàn ca sáo thổi. Công đầu vụ này phải kể đến tay Điện tiền chỉ huy sứ Tô Trung Từ - chức này kiểu như tư lệnh quân khu thủ đô nay, chuyên bảo vệ kinh thành. 

Ông này là em vợ của Trần Lý, cậu của Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Nhị Nương. Chính ông này mang thái tử Sảm chạy về Hải Ấp lánh nạn. Rồi môi giới gặp gỡ. Rồi thiên tình sử Sảm - Nương mới diễn ra. Rồi mới đẻ ra Chiêu Hoàng. Rồi đẻ ra... triều Trần! 

Nhưng chuyện ấy kể sau. Chuyện là ngài Tô Trung Từ này quyền cao nghiêng nước, nhưng cũng mê gái lắm! Chắc cũng được diện kiến nàng công chúa Thiên Cực nhiều lần trong triều rồi nên mê sẵn! 

Nhân khi thanh nhàn, dẹp xong bọn phản loạn ngài bèn tranh thủ... sang Gia Lâm vui vầy với công chúa Thiên Cực! Chắc nàng Thiên Cực này đẹp lẳng mê hồn và kỹ năng tình ái quá cao siêu nên làm ngài mê mẩn tâm thần, quên cả giời đất. Đến nỗi chồng công chúa là quan nội hầu Vương Thượng từ triều về nhà cũng chả ai biết gì! Kết quả là ngài bị Vương Thượng giết trên giường. Xong! Đấy là năm 1211.

Ảnh minh họa.

Chuyện bà công chúa Thiên Cực triều Lý đến đây không thấy sử sách nào chép thêm nữa. Nhưng dân gian vùng Đồi Ngô thì truyền rằng cuối đời gia sản của vợ chồng nhà bà bị giặc cướp phá sạch, người bị giết. Nhưng chuyện ấy xảy ra không rõ năm nào.

Còn chuyện Trần Nhị Nương lấy thái tử Sảm - Lý Huệ Tông thành hoàng hậu, sinh ra Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh rồi nhường ngôi thì nhiều sách nói rồi, không kể nữa. Cơ mà chả hiểu làm sao, bà Trần Nhị Nương sau khi chồng chết, hết ngôi hoàng hậu lại được cháu mình là vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) lúc đó giáng phong là công chúa Thiên Cực! 

Cảnh có ý gì với bà cô ruột lừng lẫy của mình thể nhỉ mà ban luôn cho tên là Thiên Cực? Mà lúc ấy khi bà Thiên Cực nhà Lý vẫn sống sờ sờ trên Lạng Châu? Thực ra chuyện này là do ngài Thái úy phụ quốc Trần Thủ Độ, vốn xưa cũng là Điện tiền chỉ huy sứ thời Lý quyết cả, chứ Trần Cảnh lúc đó mới 8 - 9 tuổi biết gì mà quyết? 

Trần Thủ Độ giáng bà hoàng hậu thành công chúa Thiên Cực rồi đón luôn về nhà mình, thành vợ chồng ái ân vui vầy trúc mai hôm sớm. Vợ chồng tâm đầu ý hợp lắm, sau này còn thành ra bà Linh Từ Quốc Mẫu lừng danh, có công lớn cùng chồng làm trụ cột trong vụ đánh quân Nguyên Mông lần thứ nhất mà sử sách còn ghi. Bà chết già năm 1259, thọ 63 tuổi.

Sử của ta xưa vốn chủ yếu chép chuyện của Vua nên thông tin về hai bà công chúa có cùng tên, sống gần như cùng thời với nhau khá ít. Rất mù mờ. Đến nỗi sau này sinh ra rất nhiều phỏng đoán. Thậm chí nhà sử học Tạ Chí Đại Trường trong “Chuyện phiếm sử học”, còn đưa ra một giả thiết là hai bà công chúa này thực ra chỉ là một! Và chính là thân phận của bà Trần Nhị Nương - Cô Hai nhà Trần - Linh Từ Quốc Mẫu! Nếu đúng thế thì bà cô tổ của họ nhà Trần ghê quá: Bà lấy vua Lý Huệ Tông, bà có mối quan hệ với đại thần Phạm Du, rồi cả ông cậu ruột Tô Trung Từ... cuối cùng bà chốt hạ với đức ông Trần Thủ Độ! 

Ôi không! Đúng là chuyện phiếm! Nhưng mà dù có là chuyện phiếm thì cũng chỉ nên tán bên bàn rượu cho vui chứ thiết nghĩ người nghiên cứu cổ sử cũng không nên đưa ra cái giả thiết kinh hoàng và phi lý đến thế! 

Bởi bà Trần Nhị Nương sinh năm 1196, lấy thái tử Sảm năm 13 tuổi: 1209! Mà năm này sử ghi xảy ra vụ tư thông của Thiên Cực công chúa nhà Lý với Phạm Du! Làm sao với một cô gái con nhà quý tộc lớn nhất vùng lại vừa cưới thái tử khi ấy, mà Phạm Du lại có cơ mon men tới gần để mà tư tình. 

Không có chuyện đó xảy ra được! Nên nhớ khi ấy quân dân họ Trần đã là một thế lực lớn, được cầm đầu bởi những viên tướng khét tiếng là Trần Lý và Trần Tự Khánh. Và Trần Thủ Độ cũng đang trai trẻ thì kè kè bên cạnh. Vả lại giờ đây xét theo tâm sinh lý của lứa tuổi thì, bản năng tình dục của gái họ Trần có mạnh đến đâu cũng không phát ra rực rỡ như thế vào tuổi 13 được! 

Vào tuổi ấy, cơ thể người nữ còn chưa hoàn chỉnh, nhiều cô còn chưa có cảm xúc khái niệm thế nào là tình tang. Với tính dục nữ, thiên tính của người đàn bà luôn được chập chững bắt đầu từ tuổi có kinh (thường là 13 - gái thập tam!), rồi mới đi dần lên để đến đỉnh cao rực rỡ về sau kia! 

Thế nên câu chuyện cho rằng hai bà công chúa Thiên Cực là một, là cuộc đời Trần Nhị Nương - Linh Từ Quốc Mẫu đúng là chuyện xàm! Chỉ là chuyện tán cho vui mà thôi. Chuyện phiếm! Đáng ra không nên in thành sách, nhiễu!

Nhưng quả thật bà công chúa Thiên Cực nhà Lý đúng là một bà... lừng lẫy còn hơn cả Điêu Thuyền trong Tam Quốc! Cơ mà Điêu Thuyền là nhân vật văn học hư cấu hoàn toàn không có trong đời thực, còn công chúa Thiên Cực nhà Lý là nhân vật thực một trăm phần trăm. Hai tay lừng lẫy bị bà kẹp chết là Phạm Du, Tô Trung Từ thì sử sách còn ghi rõ ràng tên tuổi cả.

Còn bà công chúa Thiên Cực nhà Trần - Cô Hai - Trần Nhị Nương - Linh Từ Quốc Mẫu... Thì vẫn là bà cô tổ đẻ ra nhà Trần thôi! Sử sách nay vẫn ghi đủ và dân gian thì vẫn thờ phụng là quốc mẫu!    

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top