Aa

Sơn La: Quy hoạch và phát triển vùng động lực chủ đạo của tỉnh

Thứ Hai, 26/02/2024 - 11:16

Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội Sơn La theo mô hình tổ chức không gian phát triển “bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển”. Trong đó, vùng đô thị và quốc lộ 6 gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và Thuận Châu là vùng động lực chủ đạo của tỉnh, thành phố Sơn La là cực trung tâm của tỉnh.

Sơn La: Quy hoạch và phát triển vùng động lực chủ đạo của tỉnh- Ảnh 1.

Một góc trung tâm Thành phố.

Vùng đô thị và quốc lộ 6 nằm trong miền ảnh hưởng của 2 hành lang kinh tế kỹ thuật -  đô thị quốc lộ 6; cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên và hành lang sông Đà. Vùng có dân cư đông đúc, tổng vốn cơ sở vật chất lớn. Trong đó, thành phố Sơn La là đô thị trung tâm, cực tăng trưởng trung tâm của tỉnh; huyện Thuận Châu lợi thế về tài nguyên rừng và thủy năng lớn; huyện Mai Sơn có Cảng hàng không Nà Sản và cao nguyên Nà Sản, đồng thời là vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo vùng đô thị và quốc lộ 6 phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, đô thị và nông thôn. Trọng tâm là đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, kết nối đô thị. Xây dựng thành phố Sơn La là đô thị trung tâm, cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc, đô thị phát triển xanh, nhanh, thông minh, hiện đại, mang bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù tiểu vùng Tây Bắc. Tiếp tục xây dựng đô thị Hát Lót, huyện Mai Sơn; đô thị huyện Thuận Châu, Tông Lạnh... trở thành các trung tâm vệ tinh, là đô thị cửa ngõ của vùng. Phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ trên cơ sở tăng cường liên kết, hội nhập với các thành phố lớn của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và các vùng kinh tế khác trên cả nước.

Bám sát quy hoạch chung của tỉnh, UBND Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ về công tác quy hoạch xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng đô thị, nông thôn theo kế hoạch đầu tư công và quản lý trật tự xây dựng. Phối hợp với Sở Xây dựng, các đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan lập quy hoạch phân khu; trình UBND tỉnh phê duyệt 4 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, gồm: Khu đô thị lịch sử, khu đô thị Chiềng Sinh, khu đô thị sinh thái Hua La, khu đô thị Chiềng Ngần.

Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND Thành phố, thông tin: Thành phố đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2045. Hoàn thành các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng quan trọng, phát triển mở rộng đô thị, thu hút đầu tư, gồm quy hoạch khu đô thị Tây Nam; khu đô thị Phiêng Khá; khu vực dọc trục chính Chiềng Ngần; hồ Tuổi trẻ; chợ Noong Đúc; quy hoạch dọc suối Nậm La lô 4, 5; khu dân cư tổ 8, phường Tô Hiệu... Phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ một số đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn. Hết năm 2023, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu trên diện tích quy hoạch chung được duyệt đạt 100%; quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung đạt 40%, tỷ lệ đô thị hóa đạt 69%.

Diện mạo đô thị Thành phố ngày càng khởi sắc. Năm 2023, Thành phố hoàn thành 58 công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, mở rộng không gian đô thị, kết nối nội thành, trung tâm xã, với nhiều dự án trọng điểm, như: Tuyến đường Võ Nguyên Giáp; chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường Điện Biên; tuyến đường Lò Văn Giá - Quyết Thắng... Đang thi công nâng cấp tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn đường Huổi Hin, phường Quyết Thắng - bản Híp, xã Chiềng Ngần); đường Trần Phú (đoạn từ quốc lộ 6, ngã ba Cơ khí đến ngã tư Ka Láp, xã Chiềng Ngần)...

Sơn La: Quy hoạch và phát triển vùng động lực chủ đạo của tỉnh- Ảnh 2.

Vùng nguyên liệu cây ăn quả của huyện Mai Sơn.

Tại huyện Mai Sơn, có cao nguyên Nà Sản, độ cao trung bình 800 - 1000 m, đặc trưng khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ, thuận lợi phát triển chè, mía, cây ăn quả và các loại rau, hoa. Có Khu công nghiệp Mai Sơn và các nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn, như: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, Công ty cổ phần Mía đường Sơn la; Công ty cổ phần tinh bột sắn BHL Sơn La; Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La; Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La… góp phần phát triển chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Sơn La: Quy hoạch và phát triển vùng động lực chủ đạo của tỉnh- Ảnh 3.

Sản phẩm chè của HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, huyện Thuận Châu.

Trong quy hoạch tỉnh thì huyện Thuận Châu thuộc Vùng đô thị và quốc lộ 6. Bám sát quy hoạch chung của tỉnh, UBND huyện Thuận Châu đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ về công tác quy hoạch xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng, công trình hạ tầng đô thị, nông thôn theo kế hoạch đầu tư công và quản lý trật tự xây dựng. Phối hợp với Sở Xây dựng, các đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan lập quy hoạch phân khu quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch đèo Pha Đin, huyện Thuận Châu, trình UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 2478/QĐ-UBND ngày 22/11/2023 với quy mô 190ha.

Ông Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, thông tin: Huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Thuận Châu đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1005/QĐ-UBND ngày 9/6/2023 của UBND tỉnh Sơn La với quy mô 1.820 ha; Phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thị trấn Tông Lạnh; để phát triển mở rộng đô thị, thu hút đầu tư, UBND huyện Thuận Châu đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị tại xã Chiềng Ly và thị trấn Thuận Châu, khu dân cư xã Tông Lạnh. Năm 2023, huyện Thuận Châu hoàn thành hơn 60 công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị, trung tâm xã. Đang triển khai thi công dự án kè suối Muội giai đoạn II, dự án Trụ sở Công an huyện, dự án Đền thờ Liệt sỹ tại đèo Pha Đin, đường Bon Phặng - Nậm Lầu...

Sơn La: Quy hoạch và phát triển vùng động lực chủ đạo của tỉnh- Ảnh 4.

Chế biến cà phê tại HTX Aratay Coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các huyện, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh phổ biến các nội dung cốt lõi, cơ bản của quy hoạch tỉnh sâu rộng tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch. Tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành. Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch, chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, trong đó tập trung vào các nội dung đột phá của tỉnh. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Với tầm nhìn, tư duy đổi mới, sáng tạo cùng khát vọng vươn lên, Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh của tỉnh. Đồng thời, là sản phẩm của sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, quyết tâm sớm đưa Sơn La trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, thuộc nhóm dẫn đầu vùng Tây Bắc và miền núi phía Bắc.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top