Sông Cầu là một con sông có thể gọi là “nội địa” hoàn toàn. Ngọn nguồn của nó được bắt đầu từ những dãy núi cao chất ngất mãi trên Bắc Kạn. Dãy Phia oắc thì phải. Sông Cầu dòng chính chỉ dài độ 290 km. Từ Bắc Kạn chảy về Thái Nguyên qua Bắc Ninh, Bắc Giang rồi nhập vào Lục Đầu Giang ở chỗ ngã ba Lác thành sông Thái Bình. Con sông này còn có tên là Như Nguyệt và Nguyệt Đức. Nơi đây đã ghi dấu một sự kiện lịch sử: năm 1077 đức ông Lý Thường Kiệt đã dựng phòng tuyến đánh tan quân Tống với truyền thuyết về bài thơ thần nổi tiếng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.
Hồi mới vào bộ đội, đóng quân huấn luyện ở bãi dẻ Liên Sơn, Tân Yên, Bắc Giang, bọn tôi đã có một tháng đi khai thác nứa ở vùng ngọn nguồn dòng sông này đem về làm doanh trại. Chúng tôi mượn thuyền của dân chèo ngược sông Cầu, từ cầu sông Máng chỗ Nhã Nam, lên thành phố Thái Nguyên, đi ngược mãi lên. Rồi xuống thuyền đi bộ vào những con suối cánh rừng có tên và không tên, khi ấy còn điệp trùng cây cối. Leo lên rừng chặt nứa, đóng bè rồi xuôi theo sông Cầu về lại sông Máng.
Cũng hồi ấy, một hôm vào ngày nghỉ đợi xuôi bè, tôi cùng mấy người bạn đã rủ nhau đi ngược theo dòng suối để tìm đến ngọn nguồn con sông vốn chảy xuôi về tận quê hương tôi. Bởi tôi vốn người Bắc Ninh, nhà cũng không xa con sông Cầu bao lăm nên hình ảnh con sông nước xanh biếc, hai bên bờ những rặng tre lả lơi mướt mát soi bóng đã in sâu trong ký ức từ thời thơ trẻ rồi.
“Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”
Ấy là câu ca dao mẹ tôi hay ru thủa nhỏ. Không biết có phải vì câu ca dao ấy hay vì cái tính tò mò cố hữu không mà tôi đã dành cả ngày, lưng đeo dao quắm, và một nắm cơm, lần mò theo con suối ngược mãi lên những khe núi đá để tìm đến tận nơi quả thật là ngọn nguồn của dòng sông: nơi con suối chỉ còn là khe nước nhỏ. Rồi khe nước nhỏ ấy bé dần, mất hút dần, chỉ còn lại là những giọt nước tí tách rơi ra từ những khe đá. Mấy thằng lính trẻ bọn tôi ngồi thở và bụm tay hứng những giọt nước mát lạnh, ngọt thỉu, trong vắt từ trong khe đá chắt ra, uống. Tỉnh táo rồi, lại theo khe đá xuôi về lán trại. Sau chuyến đi dò tận nguồn sông ấy, mỗi lần thả bè hoặc đi qua sông Cầu, tôi nhìn dòng nước trong xanh của dòng sông quê hương, luôn nhớ về những giọt nước trong tinh khiết như
những giọt ngọc, tí tách nhỏ ra từ khe đá năm nào…
Sông Cầu xưa nay cả nước, và cả thế giới nữa, biết đến như là một “dòng sông quan họ”. Dòng sông văn hóa. Sông chảy qua trung tâm của miền Kinh Bắc xưa, nay là ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Hai bên bờ sông là dày đặc những làng quan họ cổ. Làng Diềm, nơi có đền thờ thủy tổ quan họ vua Bà, vốn quay mặt nhìn ra sông rất thơ mộng. Làng Diềm kết chạ với làng Lim, mùa xuân lễ hội liền anh liền chị hai làng đi thuyền trên sông Cầu nước trong văn vắt, về giao duyên bên cây đa bến nước, mới vui làm sao. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, cũng là một người con của miền quan họ đã viết:
“Sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng quan họ
…
Chị cả tựa mạn thuyền
Anh hai ngồi bẻ lái
Quan họ về trao duyên…”
Còn nhạc sĩ Phan Lạc Hoa thì từng làm mê đắm lòng người với những lời ca, giai điệu về con sông Cầu:
“Con sông của người quan họ
Suốt đời nước chảy lơ thơ…”
Quả thật, sông Cầu là con sông của thơ và nhạc. Con sông của miền quan họ. Con sông đã “đẻ” ra theo mọi nghĩa cả một vùng văn hóa quan họ đặc sắc, khiến cho UNESCO phải vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Nhưng những điều tôi kể trên đây hình như đã là ký ức, là quá khứ. Hoặc sắp sửa trở thành quá khứ. Con sông Cầu đang bị bức tử. Bởi chính những người Bắc Ninh- Kinh Bắc! Bạn hãy đến cống Vạn An, dốc Đặng nơi con sông Ngũ Huyện Khê đổ vào sông Cầu mà xem. Con sông Ngũ Huyện Khê vốn là chi lưu của sông Đuống, từ Đông Anh (Hà Nội) chảy vào Bắc Ninh qua một loạt các làng nghề lâu đời, các khu công nghiệp của Phong Khê, Phú Lâm, Đại Đồng, Hoàn Sơn.
Đặc biệt là Phong Khê. Nơi đây dân tình làm nghề tái chế giấy từ lâu. Nhưng ngày xưa quy mô nhỏ còn đỡ. Những năm gần đây từ quy mô hộ gia đình, hầu hết đã phát triển thành các công ty với các nhà máy quy mô. Thế nhưng không cùng với việc mở rộng sản xuất, việc xả thải ra môi trường hầu như không có cải tiến gì hết. Vẫn như xưa, cứ đổ thẳng vào sông Ngũ Huyện Khê và rồi chảy vào sông Cầu. Mà ai cũng biết, công nghệ tái chế giấy, phế liệu nó gồm những hóa chất và chất thải loại độc hại khủng khiếp thế nào.
Và con sông Cầu xưa vốn nước trong xanh văn vắt có lúc bị biến thành màu đen kịt, cá chết nổi đầy sông... Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Nếu không, mọi thành quả phát triển có lúc sẽ trở lên vô nghĩa hết. Bạn thử nghĩ xem, bạn có nhiều tiền, rất nhiều tiền mà bỗng bị bệnh nan y vô phương cứu chữa, lúc đó tiền hỏi còn ý nghĩa gì không? Trên một dòng sông nước đen sì, bốc mùi hôi thối, có anh hai chị hai nào cất nổi giọng ca, có nhạc sĩ nhà thơ nào viết nên những nốt nhạc lời thơ làm say đắm lòng người nữa không? Con sông của quê hương quan họ, của
thơ ca nhạc họa đang sắp trở thành quá khứ… Nên, hãy cứu lấy sông Cầu! Đây không là khẩu hiệu, là câu nói cửa miệng. Đây là lời kêu cứu khẩn thiết của những người con Bắc Ninh, Bắc Giang- Kinh Bắc yêu tha thiết quê hương mình. Và của tất cả những người đã biết, đã yêu dòng sông quan họ. Những người có trách nhiệm, xin hãy hành động mạnh, nhân dân đang ủng hộ quý vị. Những kẻ đang ngày đêm bức tử các dòng sông, hãy tỉnh ngộ. Hãy ngừng ngay việc kiếm tiền bằng mọi giá. Đã đến lúc tiền không phải là tất cả. Hãy kinh doanh sản xuất cho đúng pháp luật và vì sự giàu đẹp bền
vững muôn đời của quê hương. Con sông Cầu thơ mộng hiện đang được gọi là “con sông cầu cứu”. Xin tất cả hãy cứu lấy sông Cầu!