Aa

Sống chung với Covid

Chủ Nhật, 04/07/2021 - 07:00

Cho đến giờ phút này chúng ta cùng với cả nhân loại đã trải qua gần hai năm chống chọi với dịch Covid-19. Chúng ta đã nhận được nhiều bài học. Từ bài học chống dịch của các nước và của chính chúng ta.

Kể từ khi dịch Covid-19 nổ ra, cuối năm 2019, bắt đầu từ thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc đến nay đã gần hai năm. Sau thời gian đầu cả thế giới choáng váng trước những hình ảnh truyền ra từ tâm dịch, rồi dịch lan khắp nơi trên thế giới với tốc độ kinh hoàng, hầu như không cưỡng nổi. Loài người bắt đầu bình tĩnh lại và tự hỏi rồi tự đi giải đáp các câu hỏi thông thường bật ra khỏi đầu, khi đứng trước một thảm cảnh: Đây là cái gì? Nó gây ra điều gì? Phải xử trí làm sao?

Cũng không có gì khó khăn lắm, giới khoa học đã giải mã được bộ gien và định danh được con virus gây ra đại dịch toàn cầu này. Cũng như định hình được con đường lây truyền và các tác động của nó gây ra cho cơ thể con người.

Về nguồn gốc xuất xứ, hiện còn nhiều tranh cãi chưa ngã ngũ rằng, nó từ động vật hoang dã như con dơi truyền sang người chẳng hạn, hay là từ một phòng thí nghiệm bất cẩn vô tình hoặc cố ý truyền ra nhân loại. Tất cả vẫn là giả thuyết. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, điều này sớm muộn cũng sẽ được giải đáp.

Trước mắt, giới khoa học đã thống nhất định danh, con virus gây dịch Covid-19 có tên khoa học viết tắt là Sars-CoV-2 này là biến chủng gần của loại virus corona đã từng gây dịch Sars hồi năm 2013.

Như các bạn đã biết, virus vốn được giới khoa học định danh nó là một loại “bên rìa sự sống”, bởi nó không thể tự mình sinh trưởng hay phát triển được. Mà nó luôn cần một vật chủ để ký sinh vào rồi mới sinh trưởng và phát triển ra đông đàn dài lũ được. Nó chỉ như là một tế bào chưa hoàn chỉnh, rất dễ bị bất hoạt trong môi trường tự nhiên của cuộc sống loài người.

Thế nhưng thật kỳ lạ, virus nói chung lại là giống loài nhiều nhất trên hành tinh này! Nó có mặt ở khắp nơi, từ chỗ tăm tối sâu thẳm nhất cho đến chỗ lạnh giá xa xôi nhất. Mọi hang cùng ngõ hẻm, ngóc ngách trong cơ thể con người, cây cối, động vật, đều thấy sự xuất hiện của virus. Có lẽ virus là loài đã xuất hiện ngay tức khắc khi những mầm sống đầu tiên có trên hành tinh này. Thậm chí, có khi nó là “sự sống” đầu tiên cũng nên…

 

Con virus gây dịch Covid-19 khiến cho thế giới điêu đứng thời gian qua cũng có những đặc tính tương tự của các loài virus khác. Nó cũng chỉ là một sự sống chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị bất hoạt ngoài môi trường, đặc biệt là môi trường nóng ẩm. Nó cần phải xâm nhập vào trong cơ thể người hoặc vật, từ đó mới sinh sôi và phát triển được. Nên con đường lây lan của dịch này chủ yếu từ hơi thở của người bệnh sang trực tiếp người lành ở cự ly gần và trong môi trường khép kín. Đặc biệt ưa thích là môi trường máy lạnh, đông người, khép kín. Có thể nói không sợ ngoa rằng, con người là “vật chủ” chính truyền nhiễm virus trong đại dịch này. Chứ không phải các vật dụng nào đó như ngoa truyền thời gian đầu rằng, sờ vào cái là có thể lây.

Thực tế đã chỉ ra rằng hơi thở, giọt bắn của người bệnh mang hàng tỷ con virus tai quái kia mới là con đường lây truyền bệnh chính. Nếu không nói là duy nhất. Rõ ràng dịch Covid đã gây ra những mối lo sợ khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là những hình ảnh của giới truyền thông không hiểu vô tình hay cố ý, đã đưa những hình ảnh đặc trưng chọn lọc về quang cảnh đại dịch, khiến cho đông đảo người dân bị sốc. Và thậm chí là hoảng loạn. Nhưng sau hơn một năm gây hoảng loạn trên phạm vi toàn cầu, người ta đã bình tĩnh quan sát, thống kê và rút ra một số điều sau đây:

- Virus hầu như vô hại với lứa tuổi từ 0 đến 18: ở lứa tuổi này, chưa có trường hợp nào mắc dịch covid mà tử vong. Nếu có mắc, cũng tự khỏi là chính mà hầu như không phát ra triệu chứng bệnh nào. Y tế hầu như không phải can thiệp giúp đỡ gì.

- Với các bệnh nhân có bệnh nền, khiến cho khả năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm như: Ung thư, tiểu đường, suy gan thận, huyết áp tim mạch… nếu bị mắc Covid thường sẽ rất nguy hiểm, khả năng tử vong cao.

- Với lứa tuổi trên 75, tỷ lệ chết khi bị mắc Covid cao một cách đột biến. 

- Với những người trẻ khỏe, mắc Covid hầu hết là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tự khỏi. Có một số ít biến chứng nặng, nhưng nếu được hỗ trợ cấp cứu kịp thời thì cũng hồi phục rất nhanh.

- Mọi số liệu tổng kết trên thế giới đều cho thấy, người tử vong do Covid chủ yếu ở nhóm có bệnh nền như đã nói ở trên và nhóm người cao tuổi, đặc biệt từ 75 trở lên.

Sau một thời gian lúng túng, bị động trong việc đề ra các biện pháp ứng phó, đến giờ phút này loài người đã tìm được vũ khí hữu hiệu để chống lại: Vaccine. Tuy còn phải tiếp tục theo dõi nghiên cứu cho hoàn chỉnh, thế nhưng thực tế chống dịch của các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc… gần đây cho thấy, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp, việc phổ biến vaccine sẽ là con đường đưa nhân loại trở lại cuộc sống như trước kia. Dĩ nhiên là thế giới đã thay đổi sau đại dịch này, chúng ta đành phải chấp nhận một cuộc sống “bình thường mới” mà thôi. Sẽ là tiêm chủng vaccine hàng năm. Sẽ là phải tiết chế những hội hè đình đám vô bổ. Sẽ là vệ sinh cá nhân và những vật dụng xưa vốn không mấy liên quan nay bỗng trở thành thiết thân hàng ngày, như khẩu trang chẳng hạn…

Nhưng như đã nói ở trên, con virus này nó biến đổi không ngừng từ dạng này sang dạng khác. Biến đổi hàng ngày hàng giờ. Mới đầu có khi nó chỉ là dạng cúm thông thường gây xổ xít khó chịu tí, nay nó đã thành ra như là loại cúm ác tính, gây chết người như bỡn. Nhưng chắc chắn, chúng ta không có cách gì để tiêu diệt vĩnh viễn con virus tai quái này cũng như cả giống loài của nó. Không thể tiêu diệt nó, chúng ta chỉ còn cách thích nghi và chung sống cùng với nó mà thôi. Chấp nhận. Chúng ta đành phải coi nó như là một thứ khó chịu tất yếu của cuộc sống do đấng tối cao mang lại, cũng như ngài đã ban cho chúng ta những hoa thơm mật ngọt và niềm vui kia.

Ở đời luôn có những cặp quy luật bất biến: Sung sướng- khổ đau, ngọt bùi - cay đắng, hạnh phúc - bất hạnh, thành công - thất bại… luôn song hành đó sao? Chấp nhận thôi. Có điều giờ đây, chúng ta cần phải làm gì để chung sống hòa bình với con virus này?

- Cả xã hội cần phải xác định lại thái độ đối với dịch Covid: Covid cần phải chống, nhưng không đáng sợ. Và nhất là không cần thiết phải hoảng loạn lên đến mức hô hào huy động cả “hệ thống chính trị” như hiện nay. Hãy coi nó cũng như các dịch bệnh khác vốn đã và đang song hành với cuộc sống con người.

- Tăng cường các biện pháp bảo vệ cho nhóm nguy cơ là: Bệnh nền và người cao tuổi. Đây có lẽ chính là nhóm phải được tiêm vaccine đầu tiên chứ không phải những người trẻ!

- Trong khi chờ đợi phổ biến vaccine, việc thực hiện 5K là cần thiết. Còn lại mọi hoạt động khác của xã hội nên để diễn ra trong tình trạng “bình thường mới”. Không cách ly phong tỏa cực đoan, diện rộng.

- Không tổ chức xét nghiệm tràn lan, mà chỉ xét nghiệm những người có dấu hiệu như sốt, ho, khó thở. Không cách ly F1, để mọi người vẫn đi làm sinh hoạt bình thường. Chỉ cách ly F0 tại nhà nếu có đủ điều kiện hoặc cơ sở riêng biệt. Cũng chỉ nên đưa các F0 có các triệu chứng bệnh đến cơ sở điều trị. Tiến đến coi Covid như một loại cúm vẫn thường gặp.

- Ngành y tế cần coi công việc chống covid là công việc thường quy của mình. Tại các phòng khám, bệnh viện luôn luôn xét nghiệm sàng lọc nhanh bệnh nhân và các xét nghiệm này phải được đưa vào danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế chứ không được đổ lên đầu người dân. Cần phải thiết lập sẵn sàng các trung tâm y tế kỹ thuật cao có đủ trang thiết bị ECMO, các phòng ICU tại các tỉnh, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân bị bệnh dịch nặng. Và phải thường xuyên tập huấn cập nhật cho cán bộ, thầy thuốc về cách sử dụng trang thiết bị và các phác đồ cấp cứu điều trị bệnh dịch mới nhất.

Cho đến giờ phút này chúng ta cùng với cả nhân loại đã trải qua gần hai năm chống chọi với dịch Covid-19. Chúng ta đã nhận được nhiều bài học. Từ bài học chống dịch của các nước và của chính chúng ta. Từ những bài học đó, chúng ta nên rút ra và xác định phương châm “sống chung cùng Covid”. Có lẽ đó là thái độ đúng đắn, khoa học và phù hợp với thực tiễn nhất lúc này. Bởi nếu không, chúng ta sẽ bị biến thành “con tin” của dịch bệnh. Mà cuộc sống của “con tin dịch bệnh” thì chắc chắn chả ai mong muốn!/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top