Tôi cười, trêu lại cô bạn: “Quê cũng có cái hay của quê mà. Cậu cứ ở đây vài bữa có khi lại thích ấy chứ. Còn hàng xóm, họ quan tâm đến các thành viên trong ngõ nên mới để ý xem khách của nhà ai. Lát nữa đảm bảo nếu cậu có biểu hiện gì nghi vấn, họ sẽ giữ lại để chất vấn ngay. Trộm cắp cứ vào đến đầu ngõ này lại sợ hãi đi ra hết”. Cô bạn không nói gì nữa, lên trên phòng thăm em bé. Vừa đi vừa khen ngôi nhà có vẻ yên tĩnh, thoáng đãng, điều mà ở nơi cô ấy sống không có được. Thấy tôi mang bát nước gạo rang lên mời, cô bạn mắt tròn mắt dẹt: “ Nhà cậu tỉ mỉ thế, lại làm được cả món này cơ à?”. Biết đó là món chị hàng xóm làm nhiều rồi mang chia khắp khu, cô bạn càng ngạc nhiên hơn: “ Thật á? Ở đây người ta sống như ở quê vậy á? Mà ở quê bây giờ cũng chẳng được như khu nhà cậu”.
Được đà, tôi kể cho cô bạn nghe nhiều chuyện thú vị về tình cảm hàng xóm gia đình ở khu tôi. Như tục lệ ngày Tết, mọi người lập thành đoàn rồi đi rồng rắn chúc mừng năm mới lần lượt từng nhà. Các cụ già, cháu nhỏ đều được mừng tuổi, dù số tiền mệnh giá không lớn. Hay vào các dịp nghỉ lễ, mọi người lại họp nhau mua đồ về nấu nướng, ăn tập trung tại một nhà, tất cả vợ chồng, con cái quây quần. Không phân biệt chủ, khách, mỗi người một chân một tay, người nào việc nấy, ai cũng cười nói vui vẻ, khiến cho không khí cả khu vui như có hội. Dù cỗ chẳng to, nhưng với không khí đầm ấm, lúc ăn ai cũng cảm thấy ngon miệng.
Rồi cái lệ chẳng may trong xóm có ai bị ốm đau, mọi người lại cùng nhau đến hỏi thăm, chia sẻ, giúp đỡ. Mỗi khi nhà ai có việc lớn như hiếu, hỉ, sinh nở, tất cả lại rủ nhau đến chúc tụng, đỡ đần. Mặc dù mỗi người một quê, nhưng hầu như mọi người đều quen thuộc hết gia đình nội ngoại hai bên của từng hộ. Chỉ cần có khách từ quê ra, mới đến đầu ngõ xóm, mọi người đã nhận ra và ríu ran hỏi han, trò chuyện. Những ngày nghỉ cuối tuần, các giờ đi làm hoặc cuối ngày, hầu như lúc nào trong ngõ cũng có những tiếng chào hỏi, trêu đùa.
Năm trước, một buổi trưa mùa hè, có hai tên trộm từ bên nội thành dạt sang, thấy ngõ vắng liền liều lĩnh bẻ khóa, lấy trộm chiếc xe máy của một cậu thanh niên trọ ở cuối ngõ. Lúc quay ra, phát hiện kẻ lạ, mấy chú chó của xóm cắn vang. Thấy có sự lạ, ngay lập tức, mọi người bật cửa chạy ra. Tất nhiên, hai kẻ gian bị giữ lại. Lúc đầu, chúng khăng khăng nhận rằng đó là xe của mình, đang đi tìm thuê nhà nhưng không thấy có hộ nào cho thuê bèn đi ra. Tuy nhiên, khi thấy mọi người đọc biển số xe, tên của chủ nhân, xe để ở chỗ nào, hai tên trộm sợ quá liền vứt cả xe chạy thoát thân. Nhưng chúng chạy sao thoát, bởi khắp lối ra đã bị chắn kín mất rồi.
Cô bạn nghe chuyện tôi kể cứ há hốc mồm, lúc đầu còn tỏ vẻ không tin. Sau đó, xâu chuỗi lại sự việc, bạn bắt đầu tin dần và chuyển sang trạng thái “ôi thế á” liên tục. Được đà, tôi càng thể hiện: “Chiều nay tôi làm đầy tháng cho cháu, mời mọi người trong xóm. Cậu ở lại dự cùng cho vui. Lúc đó, cậu sẽ thấy xóm này đoàn kết, tình cảm, quan tâm đến nhau thế nào. Chỉ đầu giờ trưa, sẽ có các chị, các cô, các em sang dọn dẹp, lau chùi bát đĩa, chuẩn bị dụng cụ. Việc của một nhà nhưng cứ như là của cả xóm vậy”.
Nghe lời mời thấy thú vị, cô bạn đồng ý ở lại, vừa để xác nhận lời kể của tôi, đồng thời, muốn được sống trong tình cảm của những “người quê” giữa phố. Cô bạn cũng tâm sự thật, ở khu chung cư cao cấp cô ấy đang sống, dù toàn là những người trí thức, doanh nhân, nhưng hầu như chỉ ai biết nhà ấy. Ngay cả hàng xóm của mình, cô cũng chỉ mang máng biết đó là một ông làm “cốp” ở một cơ quan lớn. Đến tên cô ta còn chả nhớ, huống gì chuyện ông ta quê quán ở đâu? Con cháu thế nào? Người duy nhất cô ta nhớ được tên đến giờ là anh bảo vệ, vì cô thấy anh ta có biển tên đeo lóng lánh trước ngực.
Ở nhà chơi một lát, tôi rủ cô bạn đi cùng ra phường làm thủ tục đổi thẻ bảo hiểm cho con gái. Vừa đi cô bạn vừa hỏi: “ Có phải… thủ tục gì không?”. Tôi biết bạn muốn nhắc đến khoản “bôi trơn” nên mỉm cười lắc đầu. Vừa bước vào phòng, sau khi nghe tôi trình bày, cô cán bộ phụ trách giọng nhẹ nhàng: “Lẽ ra bên em chỉ làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm ban đầu, còn việc thay đổi anh chị phải lên trên bảo hiểm quận. Nhưng thôi, anh đã mang đến đây thì cứ để đấy, chiều nay đằng nào em cũng có chút việc trên quận, em sẽ mang lên làm cho anh”.
Lúc ra về, cô bạn cứ tấm tắc khen cô cán bộ thái độ nhỏ nhẹ, thân thiện, không hạch sách, cứng nhắc, nguyên tắc như nhiều nơi khác. Đã vậy, còn không đòi “thù lao” mặc dù cô ta hoàn toàn có thể đòi hỏi. Thấy cô bạn khen, tôi càng thêm tự hào về nơi mình đang sống, thấy trân trọng quyết định chuyển nhà về đây của vợ chồng.
Thế mới biết, việc sống ở đâu không quan trọng bằng cách người ta sống với nhau như thế nào. Nếu như ai cũng quan tâm, thân thiết, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau thì dù có bị mang tiếng là “nhà quê” lạc giữa phố, ta cũng sẵn lòng chấp nhận, để mỗi ngày sống là một ngày vui. Các cụ chẳng nói “bán anh em xa mua láng giềng gần” đó thôi?!?