Thực tế, có những nơi biên độ tăng giá đất nền, đất phân lô từ 50% đến 100%, thậm chí là 150% so với giá trước khi có thông tin lên đô thị, xây sân bay…
Tăng biên độ giá…
Theo ông Trần Văn Lật – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư BĐS Lộc Kim Chi, thị trường BĐS tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, đặc biệt là các khu vực giáp ranh TP.HCM thời gian qua đã diễn ra một làn “sóng ngầm” về tăng giá. Theo theo khảo sát của Nhóm nghiên cứu thị trường của Công ty, biên độ tăng giá nhà đất của các địa phương này không thua kém TP.HCM và cao hơn nhiều so với các khu vực khác.
Cũng theo Nhóm nghiên cứu thị trường Công ty Lộc Kim Chi, tại các khu vực giáp ranh với TP.HCM như: Long Thành (Đồng Nai), Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), hay trung tâm của TP. Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương liên tục tăng giá đất.
Lấy mốc thời gian một vài năm trở lại đây để so sánh thì giá đất tại nhiều dự án tại Long Thành (Đồng Nai), Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), đã có biên độ tăng giá thất nhất từ 50% cao có nơi tăng tới 150% so với lúc mở bán. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý của thị trường bất động sản, giá nhà đất tại các địa phương này tăng cao không xuất phát từ nhu cầu khai thác sử dụng mà phần lớn từ mục đích đầu cơ, lướt sóng.
Đặc biệt, mới đây, tỉnh Bình Dương công bố, TP. Dĩ An sẽ trở thành đô thị loại II vào cuối năm nay, đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cụm công nghiệp Tân Đông Hiệp 35ha thành đất ở khiến giá đất không chỉ là “sóng ngầm” mà đã sôi sùng sục. Các nhà đầu cơ nườm nượp đến hỏi mua đất, giá tăng từng ngày.
Cơn địa chấn về tâm lý
Ông Đào Văn Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư Xây Dựng GDLAND cho rằng, các cơn “sóng ngầm” BĐS nhà ở, phân lô bán nền tại các tỉnh, thành phố lên đô thị, xây sân bay… đang lan rộng. Trong thời gian vừa qua, giới “cò đất” đã dùng những thông tin này để gây nhiễu loạn thị trường. Điều này rất đáng lo ngại cho thị trường BĐS về dài hạn.
Cụ thể, sự tăng giá không ngừng của thị trường BĐS khu vực Long Thành (Đồng Nai), TP. Mới Bình Dương, Dĩ An, Thuận An… trong thời gian qua đã tạo nên cơn địa chấn về tâm lý. Người người, nhà nhà đi đầu tư đất với mọi khoản tiền có thể, kể cả vay nóng…
Hậu quả, nhiều nhà đầu tư phải khóc ròng trước cơn sốt giá. Bởi nói như GS Đặng Hùng Võ thì mỗi cơn sốt đây qua đi, hầu hết nhà đầu tư (80%) phải chịu thiệt hại, chỉ 20% được lợi và chủ yếu là “cò đất”.
Nhìn ở chiều hướng tích cực, đây là các khu vực liền kề với TP.HCM, có tốc độ đô thị hóa rất mạnh. Nhưng những lo ngại về “sóng ngầm” cho lĩnh vực BĐS nhà ở, phân lô bán nền tại các tỉnh, thành phố chính là sự thiếu minh bạch thông tin về quy hoạch gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho người dân – ông Giang nhận định.