Aa

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Thứ Ba, 01/11/2022 - 06:15

Xóa đói, giảm nghèo từ lâu luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tôi thích câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hãy biết đặt mình vào hoàn cảnh người nghèo.

Mỗi lần về quê, tôi thường đưa Bốp (tên thân yêu của cháu trai) ra con đường thuở nhỏ tôi thường cất vó tép. Hà Tĩnh gọi là cất rớ. Những cánh đồng van vát, hương đồng gió nội nay đã biến mất, nhường cho các khu dân cư đô thị, công sở nhiều cơ quan chính quyền.

Con đường đất, một thuở in dấu chân tôi về ngoại, nay đã được bê tông, các thuở đất bỏ hoang, hai bên sẽ được đấu thầu, chuyển mục đích thành đất ở, một ngày không xa. Quê tôi đã là đô thị loại 4, tốc độ đô thị hóa nhanh, do là trung tâm huyện lỵ. Nhất cận thị, nhì cận giang, không chỉ người gốc sinh con đẻ cái cần đất ở mà cả người tứ xứ về lập nghiệp. 

Làng quê yên bình thuở nào, giờ đang tiến dần lên phố. Ruộng chỉ còn lác đác. Tôi dạy cháu Bốp thả diều, nói với cháu, lẩn thẩn với mình cùng ký ức thôn dã. Mai sau lớn lên, liệu Bốp có hình dung ra con đường thơm mùi rạ rơm không nhỉ? Chắc khó vô cùng!

Mai sau lớn lên, liệu Bốp có hình dung ra con đường thơm mùi rạ rơm không nhỉ? (Ảnh minh họa: Internet)

Câu chuyện của quê tôi, nói lên điều gì? Đô thị hóa và quá trình phát triển đô thị là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới, không riêng nước ta, không riêng quê tôi. Đô thị hóa có các tác động không nhỏ đến sinh thái và kinh tế khu vực. Dưới tác động đô thị hóa, tâm lý và lối sống của người dân thay đổi. Đô thị hóa góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thay đổi sự phân bố dân cư. Những dòng chữ lô nhô, trước màn hình máy tính, với tôi lúc này mà đúng thực tế, đi ra từ cuộc sống.

Đô thị hóa đã và đang diễn ra, nhưng không đồng đều tại các vùng miền, địa phương; chủ yếu là các đô thị vừa và nhỏ, từ loại 3 trở xuống loại 5. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020, theo cơ quan thống kê lên 39,3%, tăng hơn 9% so với năm 2010.

Đô thị hóa gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hệ thống đô thị đã và đang được hình thành cùng với sự hình thành phát triển về cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa phát triển, mở rộng quy mô và hình thành mới các khu công nghiệp. Ở đây cũng có câu chuyện thật đáng nói, nhiều khi người ta hiểu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng nghĩa với lấp đất nông nghiệp để hình thành nên các khu công nghiệp. Năm 2011, nước ta có 260 khu công nghiệp với tổng diện tích là 72 nghìn ha, đến năm 2020 tăng lên 335 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 97,8 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 66,1 nghìn ha.

Một dạo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng phát biểu “khản” cả tiếng trên nghị trường về việc “bờ xôi ruộng mật” dọc quốc lộ 5, nhất là khu vực thuộc tỉnh Hưng Yên bị san lấp làm khu công nghiệp. Ông lo lắng cho an ninh lương thực, cho việc “phố hóa”, đường 5 trở thành đường nội đô. Nhiều dự cảm của ông đã đúng. Hưng Yên, Hải Dương “tranh thủ” đất sinh lời, cấp đất cho công nghiệp, các dự án bất động sản... hình thành các khu dân cư “ôm” mặt đường, vừa có hiện đại, vừa có nhếch nhác; buộc đất nước phải tiến hành đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Về mặt lý thuyết, các đô thị không chỉ là nơi tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động mà còn là nơi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn và đa dạng, là nơi sử dụng lực lượng lao động có chất lượng cao, cơ sở kỹ thuật hạ tầng cơ sở hiện đại có sức hút đầu tư mạnh trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, lại tuy nhiên. Các đô thị, nhất là đô thị từ loại III đến loại V chưa đủ sức làm việc đó. Đô thị hóa làm sản xuất ở nông thôn bị đình trệ do lao động chuyển đến thành phố. Thành thị phải chịu áp lực thất nghiệp, quá tải cho cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường sống, an ninh xã hội không đảm bảo, các tệ nạn xã hội sẽ làm nảy sinh ra nhiều vấn đề.

Đô thị hóa đã và đang diễn ra, nhưng không đồng đều tại các vùng miền, địa phương. (Ảnh minh họa: Internet)

Một trong những vấn đề xã hội nảy sinh từ đô thị hóa là chênh lệch thu nhập, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Sự phân hóa này có thể thấy rõ giữa các khu vực thành thị và nông thôn, giữa các nhóm thu nhập trong xã hội, giữa các vùng kinh tế, giữa các địa phương… Số người giàu đang giàu lên nhanh và là nhóm người thiểu số sở hữu nhiều của cải, vật chất trong xã hội. Sự chênh lệch giàu nghèo sẽ dẫn tới sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ đô thị như nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế, cấp điện, môi trường.

Cả nước còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm hơn 9% số hộ; vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân, ngoài quá trình đô thị hóa mất ruộng, mất kế sinh nhai, còn do thiên tai, dịch bệnh, sinh đẻ không có kế hoạch, không chịu khó làm ăn nữa.

Mật độ dân số ở các đô thị lớn tăng cao cùng quá trình đô thị hóa. Song song với sự gia tăng về số lượng đô thị là sự gia tăng về dân số ở khu vực thành thị, đặc biệt tại các khu đô thị lớn. Năm 2020, dân số của nước ta là 97,58 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 36,82% tổng dân số, tăng 6% so với năm 2010. Dân số thành thị tăng chủ yếu do tác động của di cư từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị để học tập, làm việc và chủ yếu nằm trong độ tuổi “vàng”, chiếm tỷ lệ 84%. 

Theo số liệu công bố trong Niên giám thống kê hàng năm của Tổng cục Thống kê, Vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 2 vùng có tỷ lệ di cư cao nhất nước. Họ đến đâu? Tất nhiên là Hà Nội, TP.HCM, các “đầu tàu” công nghiệp như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên...; Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... “Giàu có nhà quê, không bằng ngồi lê kẻ chợ” (ca dao).

Ngày xưa, quê tôi là xã thuần nông. Nay thị trấn quê nhà có đủ các loại hình nghề nghiệp. Công nghiệp còn ít, nhưng thương mại, dịch vụ bùng nổ. Xưa ngày nông nhàn, thế hệ phụ huynh có thêm nghề dệt chiếu; nay chiếu cói biến mất, thay thế bằng các nghề mang diện mạo phố. Tất nhiên, sức mua chưa cao, dân còn nghèo, chưa đủ sức “kích cầu” nên thanh niên trong tuổi lao động trườn đi kiếm việc làm tứ xứ, thậm chí cả ra nước ngoài. Tôi đã từng viết bài “Làng rỗng” trên Reatimes, đúng là rỗng thật. Trong những ngôi nhà, thậm chí có cả biệt thự, nhà 2, 3 tầng rặt chỉ thấy đàn bà và trẻ con. Lao động “rường cột” đã và đang “đầu tắt, mặt tối” nhiều nơi.

“Đàn chim” đã và đang bay về phương Nam, bay về những nơi có các khu công nghiệp. 2 năm đại dịch Covid-19, nhất là khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam bị “phong tỏa”, nhìn làn sóng “chạy chốn” tự phát mới thấy người “ly hương” lớn đến mức nào. “Về thôi con/ mẹ chờ/ đói no tùng tiệm/ đường sá xa xôi bão dông ập đến/ mẹ xa con đâu dễ bọc đùm...”, tôi từng viết bài thơ “Về thôi con”, đã được nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu và Nguyễn Thanh Hải phổ nhạc thành hai ca khúc cùng tên. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ắt “ly nông” nhưng làm sao không phải “ly hương” vẫn đang là câu hỏi lớn.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ắt “ly nông” nhưng làm sao không phải “ly hương” vẫn đang là câu hỏi lớn.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là những cụm từ đẹp đẽ. Ở quê tôi cũng như nhiều vùng quê, thị tứ, thị trấn khác, bản chất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “nông thôn mới” đã và đang diễn ra nhanh chóng, trong một thời gian ngắn. Nó đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của cả nước, tuy nhiên một mặt cũng làm cho sự phân hóa giàu nghèo diễn ra giữa các tầng lớp dân cư, đặc biệt là người dân sống tại khu vực nông thôn, địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Mất đi kế sinh nhai của người dân chủ yếu làm nông nghiệp khi trình độ không đáp ứng được nhu cầu làm việc tại các khu công nghiệp, do chưa được đào tạo kịp thời, tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp.

Bất bình đẳng trong thu nhập còn được thể hiện qua khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm thu nhập, đặc biệt là nhóm người nghèo nhất (nhóm 1) và nhóm người giàu nhất (nhóm 5). Chênh lệch giàu nghèo nhìn rõ hơn trên góc độ chênh lệch về giá trị tuyệt đối giữa các nhóm thu nhập ngày càng xa, càng xa...

Cách đây nhiều ngày (tối 17/10), đã diễn ra sự kiện “Cả nước chung tay vì người nghèo”, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, với sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo cấp cao. Sự kiện nhân văn, xúc động.

Đất nước đã và đang giàu lên, và đang phấn đấu vì những mục tiêu hướng tới năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển. Chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực chăm lo cuộc sống những gia đình, hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Khó tính hết các sự hỗ trợ vật chất và tinh thần khác mà các cấp, các ngành, mạnh thường quân đã thực hiện; thể hiện đạo lý “Con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Thương người như thể thương thân”... của nhân ái Việt Nam. 

Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2022", là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2022 (17/10/2022 - 18/11/2022).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đời sống người nghèo. Người nói: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải biết đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết.

Xóa đói, giảm nghèo từ lâu luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tôi thích câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hãy biết đặt mình vào hoàn cảnh người nghèo. Vâng, phải, biết lắng nghe, sẻ chia. Nói như nhạc sỹ quá cố Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Để gió cuốn đi” của ông có câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top