Ông bạn đi trâu gọi sang uống bia giải nhiệt. Ngôi nhà khang trang nhưng vắng lặng. Ông ít nói, lầm lũi như cái bóng. Chân đẩy két bia lại gần bàn, tay vun đĩa lạc rang để không tràn ra ngoài, ông nhấc máy, gọi thêm ông em họ nhà kế bên sang cùng vui.
Đã nhiều năm nay, vợ ông ra Hà Nội trông cháu. Các cháu “Tiến về Hà Nội” học tập, lấy vợ lấy chồng, lập nghiệp, không chỉ một đứa mà tất tần tật ba đứa. Thương các cháu, ông phải nhường bà. Nếu thuê người giúp việc cũng mất 6 đến 7 triệu đồng một tháng, vả lại thuê người hợp tính tình con mình không dễ. Hết vợ đứa này sinh đẻ, đến vợ đứa khác “lót ổ”, con dâu rồi con gái. Bà không thể dứt cháu về được với ông.
Ngồi nhâm nhi bia kèm lạc, mới biết ông em họ của ông bạn cũng y chang. Ba đứa lập nghiệp ở Hà Nội. Hai ngôi nhà, hai người đàn ông cùng chiếc bóng của mình. Ông em họ ông bạn lại nhà hai tầng mới gay go. Gần như ba năm nay, ông không bước chân vào các phòng tầng hai, trừ phòng thờ.
Làng rỗng. Chỉ thấy người già và trẻ con.
Quê tôi giờ lên phố. Các ngõ xóm đã gắn biển xanh, kẻ chữ long li “Tuyến phố văn minh”, “Ngõ phố văn minh”... Nhà dân thì đã gắn biển đánh số hẳn hoi. Nhịp điệu phố thay cho nhịp điệu làng.
Quê tôi cũng như toàn bộ dải đất dằng dặc này, bao đời lam lũ. Sẽ lam lũ mãi nếu không có đổi mới, hội nhập, mở cửa - “từ khóa” sang trọng. Với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thực chất là giao ruộng cho hộ dân tự làm, tự tính toán. Thời lam lũ, cho đến nay, các thế hệ học sinh đều “dấn thân” vào “con đường học”.
Vùng đất này hàng nghìn năm nay, từ thời phong kiến đã có “văn hóa” trọng cấp, trọng bằng, trọng quan... thích quyền lực. Cộng với nghèo đói mà hình thành nên “truyền thống” hiếu học. Dòng họ hiếu học, xã hiếu học, huyện hiếu học, tỉnh hiếu học. Có những địa danh, nhờ hiếu học mà xuất hiện những “thành ngữ” mới, niềm tự hào của quê hương “Làng con nít ít hơn tiến sỹ”. Một xã có hàng mấy trăm thạc sỹ, tiến sỹ. Học trở thành con đường ly hương.
Một dạo về làng, tôi gặp lại một người hàng xóm cũ. Hỏi ông, các cháu như thế nào, ông xòe bàn tay và nói: “Sáu đứa đại học”. Nụ cười hạnh phúc. Ngôi nhà, vườn tược rộng mênh mông chỉ còn lại hai ông bà. Sáu cháu, học xong đều lập nghiệp xa, không ai về quê hương làm việc.
Quãng hai chục năm lại đây, nhờ ưu thế “cận thị, cận giang”, ôm quốc lộ 1A, quê tôi đã phát triển nhiều loại hình dịch vụ. Thêm nữa, làm lúa không có lời, ruộng ngày càng ít do nhiều cánh đồng phải nhường chỗ cho đất đô thị. Đất là nguồn thu chính của ngân sách thị trấn, huyện. Mở mang nghề nghiệp, nói chữ theo nghị quyết là “chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, vẫn không đáp ứng được nhu cầu việc làm, thu nhập của thế hệ này đến thế hệ khác.
Ruộng ít, làm nông không lãi, hạt gạo tự làm chỉ ngang mua giá rẻ, các loại máy móc, phương tiện, đã giải phóng sức lao động của nông dân, ngày “nông nhàn” trở nên dằng dặc. Trong khi bước chân ra ngõ, trong túi phải có tiền, hàng trăm nhu cầu lớn bé, cần tiền.
Hà Tĩnh mới có Formosa, được xem như “hạt nhân” của “vùng kinh tế” Vũng Áng, thu hút khá nhiều lao động. Nhưng chưa đủ. Hà Tĩnh chưa có Samsung “đặt chân” đến như các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang... nên chưa trở thành vùng động lực.
“Đàn chim” lao động quê tôi và nhiều quê khác, hàng chục năm nay chủ yếu bay về phương Nam. Người quê tôi đi tìm việc không thiếu bất cứ địa danh nào, trong và ngoài nước. Sang Lào, Thái, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Gần đây là “phong trào” đi Anh. Chẳng biết sang Anh làm gì, nhưng đúng là tiền gửi về nhiều thật. Thị trấn bé bằng “bàn tay”, mới là đô thị loại 4, nhưng đất sốt, đất tăng giá chóng mặt có nguyên nhân những người thành đạt về tiền trong huyện dồn về mua gom, đầu cơ... Ước mơ đổi đời càng được kích thích bằng sự “đầu tư” xuất ngoại đến các vùng “đất hứa”.
Làng thêm rỗng. Chỉ thấy người già và trẻ con.
Ngày xưa quê nghèo, trước sau nhà ai cũng là vườn tạp, bờ bụi. Trẻ con, người lớn chui rào... mà sang nhà nhau. Lên phố, đất lên giá, kinh tế từng hộ khấm khá, nên nhà cửa hầu hết khang trang, tường cao, cổng kín. Hộ nghèo còn rất ít. Ngày xưa í ới gọi nhau, bước chân qua “dậu mùng tơi xanh rờn” (thơ Nguyễn Bính) là có thể râm ran chè xanh. Từ đận kinh tế khá giả, “gần nhà xa ngõ”, nhiều thứ thay đổi. Nghề làm chiếu truyền thống, tiếng thoi em đưa, dáng bà ngồi xe đay, chọn cói đã biết mất. Thay đổi cả nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần, nhất là văn hóa.
Lũ trẻ bây giờ
mê game online, không đánh đáo, đánh khăng
trâu trưa hè ngóng bờ tre tránh nắng
bé không còn ngon giấc, nhớ tay bà đưa võng
hết lâu rồi, tiếng ru cháu, à ơi!
(Quê hương, thơ Ngô Đức Hành)
Tôi có một “nhược điểm” hay quan sát, so sánh làng quê xưa với phố thị bây giờ. Hay nhớ làng quê của tôi. “Ngày xưa tôi sống trong làng/ Bây giờ làng sống trong tôi” (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh).
Làng quê như cô gái đẹp, mưa mộc, bây giờ đã biết đánh phấn, bôi son, mặc váy dạ hội, đi giày cao gót, nhuộm tóc, đeo vòng cổ chân... Đó là phần “tất yếu” của “đường lên thành phố”. Cô gái ấy biết hát hip hop, nhưng quên Kiều, ví giặm... Đặc biệt là không hát ru con nữa. Tôi hay viết những bài thơ dân dã, ghi lại tâm trạng mình, lòng mình. Nhiều người dân ở quê thích những bài thơ mộc mạc như hạt lúa củ khoai của tôi.
Không biết mần răng tui nhớ quê luôn
Dân Nam Sơn rành tài nói rỏm
Tháng ba đến rập rình đom đóm
Bỏ vô chai lựng sáng góc nhà”
(Nhớ quê, thơ Ngô Đức Hành)
Bàn chân rong ruồi trăm nơi
ruột gan để trửa bời bời nồm nam
tảo tần một nhánh rau sam
dẫu đất cằn cỗi vẫn lam lam chiều
(Cổng làng, thơ Ngô Đức Hành)
Làng đã rỗng. Có gì đó rất khó nói.
Người làng lập nghiệp và sinh sống ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày càng nhiều. Trừ những người có chức, có quyền và các doanh nhân, khi con cái vào hoặc tốt nghiệp đại học, họ đã mua nhà cho các cậu ấm cô chiêu. Đa phần các cháu đều phát huy tốt “phẩm chất Xứ Nghệ”. Lam lũ làm ăn, tiết kiệm, vay mượn thêm... vài năm sau cũng có nhà riêng, bắt đầu từ chung cư giá rẻ. Tôi mừng cho bạn đi trâu và ông em họ của bạn. Hai gia đình sáu đứa con, bố mẹ chỉ là giáo chức, công nhân bình thường, nhưng cũng dư dả mua được cho mỗi đứa một cái nhà ở Hà Nội. Với tôi, dẫu sinh sống ở Hà Nội, gần 50 năm, thu nhập duy nhất bằng lương, sống tùng tiệm nên cảm thấy kinh ngạc.
Mừng cho tất cả, nhưng tôi luôn ám ảnh thành ngữ “Ly nông bất ly hương”. Bỏ làm nông nghiệp, biết chuyển đổi nghề ngay trên quê hương là “vĩ đại”. Làm giàu ngay trên chính quê hương mình, càng vĩ đại.
Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, giống nhau, 70% nông nghiệp. Quê tôi thiệt thòi hơn, chậm hơn khi nhìn vào kinh tế nông nghiệp hiện nay vẫn manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch bất cập. Phần lớn các hộ gia đình nông thôn phải tìm nhiều công việc khác nhau để vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống. Đa số vẫn còn sống bấp bênh và vất vả. Chỉ những gia đình nào có người đi làm thuê (làm thuê cho Tây hoặc cho ta) mới có cuộc sống bảo đảm hơn. Không phải ngẫu nhiên mà nay, khi về miền thôn quê nào cũng vậy, dễ nhận sự đìu hiu, vắng vẻ. Những người trong trong độ tuổi lao động, kể cả phụ nữ, túa đi làm ăn khắp nơi, chỉ còn người già và trẻ con ở lại. Làng quê tôi không phải là cá biệt.
Làng rỗng. làm sao lấp đầy được nhỉ?/.