Aa

"Sóng tỷ giá" cuối năm 2019 sẽ thế nào?

Thứ Hai, 09/12/2019 - 13:30

Từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng, trong khi tỷ giá giao dịch thực tại các ngân hàng khá ổn định.

Chuyển động trái chiều

Trong tháng 11, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM có diễn biến trái chiều. Diễn biến này khiến cho chênh lệch giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tiếp tục thu hẹp, chỉ còn 16 đồng - mức thấp nhất từ trước đến nay.

Trên thực tế, xu hướng tăng của tỷ giá trung tâm đã diễn ra suốt từ đầu năm đến nay, cho dù xen kẽ các phiên tăng cũng có phiên tỷ giá trung tâm được NHNN kéo giảm. So với thời điểm cuối năm 2018, hiện tỷ giá trung tâm đã tăng tới 339 đồng, tương đương mức tăng 1,49%. Trong khi đó, giá mua bán USD của các ngân hàng lại giảm tới 30 đồng.

Lý giải cho chuyển động trái chiều này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc NHNN liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm là điều hợp lý khi mà trong năm 2018, tỷ giá trung tâm được giữ ổn định ở mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với tỷ giá giao dịch thực trên thị trường.

“Tỷ giá trung tâm được giữ ở mức thấp đã có tác dụng neo giữ kỳ vọng tỷ giá giao dịch trên thị trường tăng, qua đó giúp duy trì ổn định thị trường ngoại tệ trong nước trong bối cảnh đồng USD và Nhân dân tệ (CNY) liên tục nhảy múa”, vị chuyên gia trên cho biết.

Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong tháng 12/2019

Tuy nhiên, thành công này cũng có cái giá của nó khi mà tỷ giá ổn định cũng đồng nghĩa với việc VND tăng giá so với nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là CNY, từ đó gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, để neo giữ tỷ giá ở mức thấp, trong nhiều thời điểm, NHNN đã phải bán ra ngoại tệ để can thiệp như giai đoạn cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm ngoái là một ví dụ. Chưa kể, việc tỷ giá trung tâm thấp hơn nhiều so với tỷ giá thực đã làm giảm hiệu quả điều hành chính sách qua tỷ giá trung tâm. Việc tỷ giá trung tâm liên tục tăng, song tỷ giá giao dịch thực lại giảm nhẹ là một bằng chứng rõ nét.

Còn với tỷ giá giao dịch thực, theo vị chuyên gia ngân hàng trên, chủ yếu do cung - cầu của thị trường quyết định. Trong khi hiện nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế đang rất dồi dào nên tỷ giá giảm cũng là điều dễ hiểu.

Hai tỷ giá dần tiệm cận nhau

Chuyển động trái chiều của tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực vẫn tiếp tục trong các phiên đầu tháng 12. Theo đó, sau khi tăng tới 8 đồng lên 23.167 đồng/USD trong phiên ngày 5/12, NHNN lại giảm tỷ giá trung tâm 3 đồng xuống mức 23.164 đồng/USD trong phiên ngày 6/12. Mặc dù vậy, tỷ giá trung tâm vẫn cao hơn 5 đồng so với cuối tháng 11. Thế nhưng, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ về còn 23.100 đồng/USD (mua vào) và 23.230 đồng/USD (bán ra), thấp hơn khoảng 20 đồng so với thời điểm cuối tháng 11.

Theo các chuyên gia phân tích, tỷ giá trung tâm có thể còn được điều chỉnh tăng, song mức độ tăng sẽ không quá lớn và xen kẽ giữa các phiên tăng sẽ có phiên giảm. Tỷ giá trung tâm tăng tiệm cận sát tỷ giá giao dịch thực tế sẽ tạo điều kiện để tỷ giá trung tâm phát huy vai trò định hướng và làm tham chiếu tốt hơn cho thị trường trong tương lai.

Còn tỷ giá giao dịch thực của các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cộng thêm cơ chế điều hành tỷ giá và khả năng can thiệp của NHNN đã được nâng lên rất nhiều nhờ dự trữ ngoại tệ tăng.

Quả vậy, theo con số ước tính của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tới 9,1 tỷ USD trong 11 tháng qua, cao nhất từ trước đến nay, trong khi giải ngân vốn FDI thời gian này cũng đạt tới 17,6 tỷ USD; vốn FII đạt 11,2 tỷ USD; kiều hối năm nay cũng được dự báo có thể lên tới 17 tỷ USD… Nhờ đó, NHNN đã mua vào được lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 73 tỷ USD.

Trong khi đó, NHNN cũng vừa có giải pháp để giảm áp lực cho thị trường ngoại tệ, đó là giảm giá mua vào USD. “Thông thường, áp lực tỷ giá sẽ tăng về cuối năm, NHNN hạ tỷ giá mua vào USD sẽ giảm lực hút ngoại tệ, giúp nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường nhiều hơn. Động thái này tạo tín hiệu về chính sách quản lý linh hoạt, có tăng, có giảm không chỉ cho các thành viên thị trường mà cho cả các Chính phủ nước ngoài khi đánh giá về chủ trương điều hành tỷ giá của Việt Nam”, SSI đánh giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top