Kỳ vọng thêm một lần Fed hạ lãi suất
Giới phân tích tài chính nhận định, nếu Fed giảm lãi suất vào cuối năm nay như kỳ vọng thì cũng sẽ không tác động quá lớn đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Báo cáo thị trường tiền tệ của Bộ phận Nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, lãi suất tín phiếu vừa được NHNN điều chỉnh xuống 2,75%/năm với kỳ hạn 7 ngày, giảm 25 điểm cơ bản so với mức 3%/năm đã duy trì từ ngày 10/10/2018.
Theo báo cáo trên, trong gần 4 tháng trở lại đây, tín phiếu là kênh hoạt động chính trên thị trường mở, lãi suất tín phiếu hạ sẽ khuyến khích các thành viên thị trường đẩy tiền vào nền kinh tế, thay vì chuyển về NHNN. Tuy nhiên, nhìn lại từ cuối năm 2015, dù Fed liên tục tăng lãi suất, nhưng lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mở (OMO) của NHNN vẫn duy trì ổn định, thậm chí có một số thời điểm, lãi suất OMO còn giảm rất thấp (xuống dưới 1%/năm).
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI) cho rằng, diễn biến như vậy cho thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều hành khá linh hoạt, chứ không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng, mà chỉ hướng tới mục tiêu là giữ ổn định tiền tệ, thận trọng trong việc điều tiết dòng tiền và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Vì thế, nếu Fed giảm thêm lãi suất cơ bản USD một lần nữa trong năm nay như kỳ vọng, thì cũng không tác động quá lớn đến chính sách tiền tệ của NHNN, mà chỉ khiến việc thực hiện các định hướng chính sách thuận lợi hơn do giảm bớt sức ép từ tỷ giá.
Một số ý kiến cho rằng, NHNN đã có động thái nới lỏng tiền tệ khi vừa điều chỉnh nâng hạn mức tín dụng cho một loạt ngân hàng.
Tỷ giá khó biến động cuối năm
Chính việc Fed liên tục cắt giảm lãi suất trong thời gian qua đã tác động tích cực lên thị trường ngoại hối, cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá. NHNN hạn chế dần cho vay ngoại tệ và hướng chuyển sang mua - bán, thay vì vay - mượn ngoại tệ như trước.
Ngày 18/11, NHNN công bố tỷ giá trung tâm VND/USD ở mức 23.140 đồng, giảm 6 VND/USD so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.200 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.788 VND/USD (giảm 1 VND/USD so với cuối tuần rồi). Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá VND/USD tại Vietcombank tăng 5 VND/USD so với cuối tuần qua, phổ biến ở mức 23.145 - 23.265 VND/USD (mua - bán).
Một chuyên gia tài chính cho rằng, đối với tỷ giá VND/USD, tác động tức thời của việc Fed hạ lãi suất lần mới nhất là không lớn, do thị trường ngoại hối Việt Nam về cơ bản ổn định (do quan hệ cung - cầu cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng...).
Dẫu vậy, theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp vẫn cần theo dõi sát sao, bởi những biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế sẽ có tác động nhất định tới tỷ giá VND/USD. Về trung và dài hạn, tỷ giá VND/USD sẽ tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... và sự quản lý sát sao, cũng như động thái phù hợp của NHNN.
Các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, khả năng Fed cắt giảm lãi suất một lần nữa trong năm 2019 là khá cao. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục bám sát, theo dõi sát sao động thái của Fed và ngân hàng trung ương các nước, cũng như những biến động trên thị trường tài chính quốc tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần chú trọng tăng khả năng chống chịu, tiếp tục tăng các gối đệm trước những cú sốc từ bên ngoài... để có phản ứng linh hoạt, kịp thời, cũng như có chính sách tiền tệ và thương mại phù hợp, giúp nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ phát triển ổn định.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng, năm nay, NHNN điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, phù hợp, nên đã vừa giữ ổn định giá trị đồng tiền, vừa hỗ trợ xuất khẩu.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, việc giữ ổn định tỷ giá là khâu quan trọng nhất để tạo niềm tin vào đồng nội tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn ở góc độ thị trường, cung - cầu ngoại tệ mới là yếu tố quyết định tỷ giá. Hiện thanh khoản ngoại tệ tốt, cung ngoại tệ đang dư thừa, việc giữ tỷ giá ổn định, không để VND tăng giá nhiều so với USD đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu, nên không có lý do gì phải phá giá.